Thứ Năm, 10/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 3/10/2022 14:19'(GMT+7)

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát triển hội viên nông dân có nhiều đổi mới, ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực; hàng năm trên 3,6 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; vận động giúp đỡ trên 200.000 hộ nghèo, trong đó hơn 100 ngàn hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới với trên 80 ngàn tỷ đồng, trên 36 triệu ngày công, hiến trên 5.300 ha đất.

Công tác chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân được đẩy mạnh và thiết thực, tích cực vận động giúp đỡ các gia đình chính sách, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, xây mới 46.714 căn nhà tình nghĩa, tặng 10.306 sổ tiết kiệm trị giá 54,9 tỷ đồng, phụng dưỡng 818 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt trên 113,8 tỷ đồng (năm 2020); trong đại dịch COVID-19, vận động giúp đỡ hội viên nông dân tiền mặt, hàng hóa trị giá gần 210 tỷ đồng; hàng năm trực tiếp đào tạo, phối hợp tham gia đào tạo nghề cho trên 110 nghìn nông dân (trên 80% nông dân sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định), cung ứng trên 200 nghìn tấn phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi trị giá hàng trăm tỷ đồng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Công tác tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được quan tâm, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện tốt quy ước, hương ước ở nông thôn, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nông dân, góp phần vào sự thành công của các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng, chủ động tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp; tích cực tham gia phản biện chính sách, pháp luật. Hàng năm các cấp Hội tổ chức trên 11 nghìn đoàn giám sát, tham gia trên 35 nghìn đoàn giám sát, tập hợp trên 10 nghìn ý kiến của hội viên, nông dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia giải quyết trên 179.030 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân, góp phần ổn định xã hội nông thôn.

Công tác đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh, hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng, trở thành thành viên chính thức của Hội Nông dân châu Á (AFA) và Hội Nông dân Thế giới (WFO); tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, tăng cường giao lưu quan hệ với 71 đối tác nước ngoài, ký kết và tổ chức thực hiện 15 thỏa thuận quốc tế; vận động trên 490 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; mở rộng thị trường nông sản, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, lợi ích quốc gia, dân tộc.

PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN

Một là, nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tích cực tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, chủ động tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn với giá trị sản phẩm trồng trọt năm 2020 đạt 101,5 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản đạt 238 triệu đồng/ha, sản lượng thịt hơi đạt 5,4 triệu tấn, sữa 1,42 triệu tấn, trứng 14 tỷ quả, tương ứng tăng 1,76 - 3,08 - 1,51 - 5,46 - 2,82 lần so với năm 2008; giá trị sản lượng bình quân trên một trang trại hàng năm đạt xấp xỉ 3,0 tỷ đồng.

Từng bước chuyển đổi ngành nghề, phát triển đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2020, số lượng xã trong cả nước có điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng chiếm 52,38% (4.346 xã), cung cấp giống vật nuôi chiếm 21,18% (1.757 xã), cung cấp giống thủy sản chiếm 12,35% (1.025 xã), cung cấp vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 67,37% (5.590 xã) và có 49,27% số xã (4.088 xã) có điểm/cửa hàng thu mua nông sản, có 69,56% số xã (5.771 xã) có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản với 220.599 hộ/cơ sở hoạt động.

Tích cực tham gia, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đóng góp ý kiến xây dựng các đề án quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các thiết chế văn hóa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, văn minh. Đến tháng 7/2021, cả nước có 64,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 195 đơn vị cấp huyện (chiếm 29,6%) đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hai là, nông dân phát huy vai trò tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng xã hội nông thôn.

Nông dân đã phát huy quyền làm chủ, có những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm trong các đợt lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ các cấp; trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; qua đó tạo sự gắn bó mật thiết, củng cố, nâng cao niềm tin của nông dân với Đảng và chính quyền, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nông dân đã phát huy được vai trò trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cũng như tổ chức xã hội ở cộng đồng nông thôn; vừa là chủ thể xây dựng, sáng tạo ra hương ước, quy ước, vừa là người thực hiện đưa hương ước vào trong cuộc sống, góp phần quản lý xã hội nông thôn; xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường trên địa bàn nông thôn. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nông dân đã từng bước làm chủ trong các phong trào ở nông thôn, điển hình như phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo ra cơ hội nhưng đặt ra nhiều thách thức cho sản xuất thương mại nông sản, trong khi trình độ sản xuất, kỹ năng thị trường của nông dân còn thấp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tác động toàn diện, sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của nông dân; sự phân hóa, bất bình đẳng trong xã hội nông thôn; đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp.

Kinh tế thị trường, hợp tác, liên kết trong nông nghiệp đỏi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất và phương thức quản trị, sự công bằng về trách nhiệm, quyền lợi giữa nông dân và doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết.

Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các đại dịch mang tính toàn cầu, đặt ra vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân để phát triển bền vững nền nông nghiệp.

ĐỂ PHÁT HUY TỐT HƠN NỮA VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, tiếp tục có những chính sách, cụ thể hóa chính sách với cơ chế phù hợp khuyến khích nông dân giải phóng các nguồn lực, tích tụ nguồn lực (đất đai, lao động, vốn) để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Khuyến khích nông dân đẩy mạnh tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tham gia thị trường cho thuê đất nông nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Có cơ chế đảm bảo sự công bằng về trách nhiệm, quyền lợi giữa nông dân và doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thu hút nông dân tham gia hợp tác, liên kết, phát triển kinh tế tập thể, đảm bảo không “đứt, gãy” trong hợp tác, liên kết.

Có cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp bền vững ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tăng cường liên kết giữa nhà nước - tổ chức nghiên cứu - doanh nghiệp - tổ chức chuyển giao và nông dân để đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tín dụng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân; đẩy mạnh giới thiệu việc làm, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân theo hướng “ly nông bất ly hương”; thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người nông dân tự thay đổi chính mình hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết tiêu biểu để tạo sức lan tỏa; tuyên tuyền về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số để thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của nông dân.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỷ cương lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, từ tham gia xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã.

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội Nông dân, câu lạc bộ của nông dân, các hội thi, ứng dụng công nghệ thương mại điện tử, mạng xã hội để truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo nông dân.

Thứ ba, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, học vấn, xây dựng người nông dân văn minh, có năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, làm chủ nông thôn.

Tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân các kiến thức mới về nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số; kỹ năng sản xuất tiên tiến, kỹ năng marketing, bán hàng, sử dụng công nghệ, thiết bị điện tử, dịch vụ công; tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng chính trị, trình độ kiến thức của nông dân.

Đẩy mạnh các hot đng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng “chuyên nghiệp hóa nông dân” gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã để nông dân chủ động tham gia các liên kết chuỗi giá trị nông sản với các mô hình liên kết phù hợp; tư vấn và trợ giúp pháp lý cho nông dân.

Tranh thủ các hoạt động hợp tác quốc tế, các đối tác nước ngoài hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp ở Việt Nam tạo điều kiện cho nông dân học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, đẩy mạnh vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển từ mô hình sản xuất hộ gia đình sang hợp tác, liên kết sản xuất chuỗi giá trị, tạo ra nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất.

Tập trung các nguồn lực hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, hướng tới phát triển các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng công nghệ số.

Tăng cường hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu đối với các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển mạnh làm đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân nghèo, phát huy vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được đề cao.

Thứ năm, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trên cơ sở đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội, hướng mạnh về cơ sở.

Tăng cường phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong định hướng nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân ở từng địa phương.

Đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động nông dân theo hướng phát huy giá trị cốt lõi, khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân, lấy phương châm “phục vụ nông dân, sát nông dân, được nông dân tin cậy” để giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân.

Đổi mới công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân với phương châm “thiết thực, công bằng” làm nền tảng hành động; khơi dậy phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của nông dân.

Tăng cường vai trò, đổi mới hình thức và thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân với các cơ quan nhà nước cùng cấp trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn./.

TS. Nguyễn Tiến Cương
Phó trưởng ban Kinh tế
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất