Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/1/2012 15:34'(GMT+7)

Đời sống văn hoá đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong phát triển và hội nhập

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế đã và đang chuyển biến khá nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình chuyển biến đó mang lại sự biến đổi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đời sống văn hóa của người dân.

Bất cứ quá trình biến đổi nào cũng song song tồn tại cả mặt tích cực và tiêu cực; những biến đổi trong đời sống văn hoá của người dân đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Qua khảo sát 400 người dân sinh sống tại các thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cà Mau, Vị Thanh cho thấy, thị hiếu nhu cầu giải trí của người dân như sau: karaoke 29%, đi công viên 26%, quán ăn, quán nhậu, quán cà phê 22%, du lịch 07%, đi chợ mua sắm 05%, đờn ca tài tử ở địa phương 04%, đi xem hát tại nhà hát 04%, đi xem phim tại rạp 03%. Kết quả khảo sát đã chứng tỏ có sự chuyển biến trong lựa chọn hình thức và địa điểm giải trí của người dân. Trước đây, hình thức giải trí chủ yếu của người dân là tại nhà, thì ngày nay địa điểm họ thường đến là các tụ điểm, các khu vui chơi công cộng.

CNH, HĐH và hội nhập quốc tế mang đến cho người dân đô thị đồng bằng sông Cửu Long nhiều cơ hội để nâng cao đời sống, tầm hiểu biết và hưởng thụ văn hóa hơn; có điều kiện giao lưu, tiếp thu những cái mới, tiến bộ từ các nền văn hóa trên thế giới.

Việc tiếp thu các luồng văn hóa và lối sống từ bên ngoài đang tồn tại những phản ứng trái ngược nhau. Qua khảo sát thực tế, có đến 70% trong số 400 người được phỏng vấn cho rằng, việc tiếp thu lối sống, luồng văn hóa mới bao gồm cả lối sống, văn hóa nước ngoài là điều cần thiết; 11% số người cân nhắc hơn khi cho là tùy trường hợp mà việc tiếp thu đó là cần thiết hay không cần thiết; 19% còn lại cho rằng việc tiếp thu đó là không cần thiết. Tại sao tiếp thu lối sống, văn hóa bên ngoài là cần thiết thì có nhiều cách giải thích khác nhau, trong đó cách giải thích được nhiều người đồng tình nhất là: vì nó hợp thời đại; vì nó mới lạ; vì nó hay và chúng ta có thể trao đổi, học hỏi một cách có chọn lọc để nâng cao tầm kiến thức và văn hóa cho bản thân và đất nước; vì đó là những tinh hoa văn hóa của nhân loại cần tiếp thu; vì nó có thể bổ sung làm phong phú thêm cho đời sống và văn hóa Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế...

Người dân đô thị cơ bản khắc phục được tác phong trì trệ, hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân và ý thức cá nhân, vượt qua được các ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến. Thái độ đối với gia đình, bạn bè, xã hội cũng có sự thay đổi theo hướng hiện đại. Cái “tôi” cá nhân trong đời sống của người dân thành thị Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng được khẳng định hơn, vượt ra khỏi cái chung đồng nhất "không hơn không thua", "không cao không thấp" của cộng đồng trong đời sống nông thôn trước đây.

Hành vi ứng xử trong gia đình, họ tộc ở đô thị cũng đang có những biến đổi. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng bình đẳng, tôn trọng quyền tự do cá nhân hơn. Tình trạng gia trưởng, coi thường phụ nữ, bắt con cái phục tùng tuyệt đối giảm đi rõ rệt...

Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, bản năng tầm thường của con người cũng đang đồng hành với quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Vì lợi ích cá nhân khiến không ít người tìm cách làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, dư luận xã hội. Vai trò đồng tiền được đánh giá cao đến mức thái quá, xem nó như một công cụ, một biện pháp tuyệt đối để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả các vấn đề tình cảm, tinh thần. Không những thế, giá trị của đồng tiền, sức hút vật chất còn làm cho một bộ phận cư dân đô thị có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trong đó có cả đối tượng là cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên. Một bộ phận không nhỏ thanh niên xa rời những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; sống lạnh lùng, bàng quan, thờ ơ, trốn tránh nghĩa vụ… "Cơn lốc vật chất" đang che khuất những giá trị tốt đẹp của đời sống tinh thần trong người dân đô thị.

Các loại hình giải trí như trò chơi điện tử, "chát" mạng, truyện tranh, phim ảnh có nội dung bạo lực, đồi truỵ... là lựa chọn của một bộ phận không nhỏ giới trẻ; ngược lại, các tác phẩm văn chương có giá trị nhân văn, các loại hình giải trí mang ý nghĩa giáo dục đang dần trở nên xa lạ đối với rất nhiều bạn trẻ.

Cải lương là món ăn tinh thần gần như không thể thiếu của đại bộ phận người dân Đồng bằng Sông Cửu Long trước đây, bởi tính nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục của nó, thì ngày nay đang đứng trước nguy cơ “tàn lụi” cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn, để nhường chỗ cho các thể loại nhạc trẻ, nhạc “hót”… kể cả những ca khúc phi nghệ thuật, phản giáo dục.

Trang phục áo bà ba gắn liền với người phụ nữ miền Tây bao đời nay, nhưng giờ đây đang bị quên lãng bởi tính "hấp dẫn" của các loại trang phục theo kiểu "không giống Tây cũng chẳng giống Ta".

Chữ “Tình” luôn được đề cao và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân ta nói chung và người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Trong gia đình, đó là tình cảm cha mẹ với con, anh chị với em, vợ với chồng, ông bà với cháu; trong thân tộc đó là tình cảm giữa cô, cậu, chú, bác, dì, dượng… Rộng hơn là tình cảm đối với bà con lối xóm, những người “tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì cái “tình”, cái “nghĩa”, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long sẵn sàng từ bỏ những lợi ích vật chất, thậm chí tính mạng của mình để bảo vệ cái “tình”, cái “nghĩa” được trọn vẹn. Chữ tình, chữ nghĩa sâu đậm là thế, song những nét đặc trưng, bản sắc tốt đẹp nhiều đời ấy đang có nguy cơ bị thế chỗ bởi những toan tính quyền lợi vật chất khác.

Kết quả khảo sát mà chúng tôi thu được là có đến 70% trường hợp cho rằng lối sống thành thị đã phần nào ảnh hưởng đến quan hệ giữa họ với những người hàng xóm. Trong số 70% trường hợp cho là quan hệ làng xóm bị ảnh hưởng, thì có tới 47% cho là quan hệ “nhợt nhạt” hơn và 6% khẳng định rằng không còn tồn tại quan hệ hàng xóm ở đô thị. Quan hệ trong gia đình, dòng họ cũng có những biến đổi. Có 48% người được phỏng vấn cho rằng, quan hệ gia đình, dòng họ ngày nay đang có sự biến đổi, phai nhạt dần. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên của nhiều hộ gia đình không còn được coi trọng.

Những mặt tích cực, tiêu cực trong sự chuyển biến của đời sống văn hoá người dân đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do tác động của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế không khó để nhận ra. Cái khó là a phải giữ thái độ như thế nào cho đúng và cần có những hành động gì để đảm bảo cho quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra đúng hướng, theo kịp xu thế phát triển chung của đất nước, theo hướng vừa đảm bảo ổn định được các mặt đời sống xã hội, vừa giữ gìn, phát huy và phát triển được bản sắc văn hoá vùng. Nói cách khác, là làm thế nào để tạo được sự phát triển cân đối giữa văn hóa với các lĩnh vực khác, giúp cho quá trình phát triển đô thị mang lại hiệu quả cao nhất, bền vững nhất.

Trong xây dựng đất nước, mục tiêu mà Đảng ta đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là mục tiêu kết hợp các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong quá trình phát triển. Không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém và ngược lại, có một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kinh tế và văn hóa phát triển hài hòa trong sự phát triển của xã hội, để kinh tế không phá hoại văn hóa và văn hóa không cản trở sự phát triển kinh tế. Làm thế nào để kinh tế thị trường và bản sắc văn hóa vùng không mâu thuẫn với nhau, kìm hãm sự phát triển lẫn nhau. Giải quyết được mỗi quan hệ này sẽ là động lực cho sự phát triển toàn diện của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Để đạt được mong muốn trên, đòi hỏi các ngành chức năng, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học phải tìm ra được chiến lược phù hợp cho sự phát triển văn hóa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng; phải động viên, khuyến khích được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Giúp người dân thấy được việc chung sức xây dựng một môi trường văn hóa, lối sống đô thị lành mạnh. Phát triển không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng một Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển toàn diện và vững mạnh; tạo sự hài hoà giữa văn hoá miền vùng, văn hoá dân tộc, văn hoá nhân loại trong môi quan hệ giữa cái riêng và cái chung./.

Hồ Thanh Hải
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất