Thứ Năm, 28/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 26/6/2014 16:4'(GMT+7)

Đồng chí Võ Văn Kiệt và những quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Phát huy dân chủ trong Đảng và gần dân - những bài học nóng hổi tính thời sự

Từ trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, với trí tuệ và phong cách lãnh đạo độc đáo, suy nghĩ và hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về vấn đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt coi trọng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân và coi đây là yếu tố rất quan trọng đưa tới thành công của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của dân. Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ rõ: Toàn bộ sức mạnh làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là khởi nguồn từ sức mạnh của nhân dân, từ truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; những gì đạt được đều do gắn bó với dân, tìm được sức mạnh trí tuệ, kinh nghiệm, sáng tạo từ nhân dân, là nhờ “chiếc áo giáp thần kỳ của lòng dân”; mối quan hệ giữa Đảng với dân như “cá với nước”.

Thực tế chứng minh rằng, lúc nào Đảng biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, trọng dụng nhân tài thì số lượng hạt nhân tuy ít nhưng trở thành sức mạnh như “Phù Đổng”. Thực tiễn lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta từ khi có Đảng lãnh đạo đã minh chứng: lúc toàn Đảng có chưa đầy 5.000 đảng viên, dân tộc ta đã quật khởi làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử; dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng hùng cường đã thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến cũng chỉ với trên nửa triệu đảng viên. Đội ngũ đảng viên thời kỳ cách mạng và kháng chiến tuy không đông nhưng có sức chiến đấu cao đã thực sự là hạt nhân trong quần chúng, có sức thu hút, cảm hóa và tổ chức được lực lượng vĩ đại của nhân dân trên trận tuyến đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Lúc nào Đảng sa vào bao biện, làm thay thì dù có đến hàng triệu đảng viên, Đảng vẫn không mạnh. Hiện tượng này có thể thấy rõ qua sự bất cập trong lãnh đạo dẫn đến quan liêu, xa rời nền tảng là dân trong nhiều lĩnh vực. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, yếu tố “dân tộc, sức mạnh nhân dân” vẫn luôn là chất keo giữa Đảng và dân. Do vậy, phải biết khuyến khích và động viên, tạo điều kiện cho mọi người dân phát huy hết tài năng để làm cho dân giàu, nước mạnh, thực hiện cuộc phục hưng dân tộc. Chúng ta đã có bài học đắt giá của bệnh giáo điều, rập khuôn, rõ nhất là trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn khiến cho “nằm trên đất trồng lúa mà phải đi vay gạo”. Vì thế, khi giải phóng tư tưởng, đổi mới tư duy, mà đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “kiến trúc sư” của đường lối đổi mới, chỉ với một đường lối đúng - đường lối đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, phù hợp với cuộc sống, đáp ứng lòng dân thì đất nước đã giải quyết được vấn đề lương thực, có dự trữ lương thực và có ngay gạo để xuất khẩu.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Cộng sản nhân dịp năm mới 2007, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lý giải sâu sắc nguy cơ của hiện tượng Đảng xa dân: Đảng xa dân là một nguy cơ, là biểu hiện rõ nhất của tình trạng thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ với dân và thiếu dân chủ trong Đảng có quan hệ hữu cơ, nếu thiếu dân chủ trong Đảng sẽ khó khắc phục được thực trạng thiếu dân chủ trong xã hội, thiếu dân chủ đối với dân. Nặng về tập trung mà thiếu dân chủ dẫn đến tập trung quan liêu và là trở ngại lớn cho việc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Người cán bộ, đảng viên, người chiến sĩ cách mạng phải biết vượt lên chính mình, biết và dám học hỏi quần chúng, đặc biệt là biết lắng nghe và dám nghe những ý kiến “trái chiều” của những người dám có chính kiến.

Những nghĩ suy đó của đồng chí Võ Văn Kiệt trước hết xuất phát từ chính sự chiêm nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Nhờ phẩm chất gần gũi, sâu sát, lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, sẻ chia ngọt bùi cùng nhân dân, nên từ khi còn ở bưng biền kháng chiến, đến khi giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn là tấm gương tận tụy vì dân; nhiều quyết sách quan trọng được hình thành từ trí tuệ sáng tạo của nhân dân. Những khát vọng luôn bùng cháy ở đồng chí Võ Văn Kiệt, thôi thúc đồng chí suy nghĩ, tìm tòi cái mới, cái phù hợp với lẽ sống và tác động để cuộc sống vận động và phát triển như đúng con đường mà lẽ ra nó phải đi nếu không bị những lý luận giáo điều, bảo thủ, cản trở.

Thành công của sự nghiệp đổi mới hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của một trong những “kiến trúc sư” đổi mới Võ Văn Kiệt. Những công trình quan trọng của đất nước, như đường dây 500 KV Bắc - Nam, Thủy điện Trị An, ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long, Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất,… và nhiều công trình tầm cỡ trải rộng trên mọi vùng miền của Tổ quốc đã hình thành từ chính những ý tưởng đậm chất hiện thực và sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí. Những quyết sách hợp quy luật, thuận lòng dân đã góp phần quan trọng tạo nên sự bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong trận chiến chống đói nghèo và lạc hậu, đổi mới và phát triển, hội nhập thành công vào khu vực và thế giới trong dòng chảy toàn cầu hóa mạnh mẽ và sâu sắc. Với trái tim lớn, nhân hậu, nhân nghĩa, thủy chung, dù khi lãnh trọng trách đứng đầu Chính phủ hay trở về đời sống thường dân, đồng chí luôn trải lòng mình với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, dù là nhỏ nhất của mỗi người dân, thậm chí cả với những người một thời bên kia chiến tuyến.

Tiếp tục đường lối đổi mới của Đảng, phát huy tinh thần dân tộc, tạo ra động lực khơi dậy mọi tiềm năng của đất nước để giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm của Đảng, là đòi hỏi chính đáng và nghiêm khắc của nhân dân. Đó cũng là niềm tin, là ý chí, là phương châm hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt. Càng hội nhập quốc tế lại càng phải phát huy sức mạnh nội lực, nội lực phải tìm trong dân. Để phát huy sức mạnh nội lực cần luôn khơi gợi và phát huy khả năng dám nghĩ, dám nói trong Đảng và trong dân bằng tinh thần dân chủ, với những chính sách đúng đắn vì dân, để mọi nguồn lực đều được khơi dậy, kể cả nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài. Phải sát dân, dựa vào dân, phát huy sức dân thì Đảng và Nhà nước mới có thể vượt qua khó khăn, thách thức, nguy cơ và tận dụng được vận hội, thời cơ mà toàn cầu hóa đem lại. Một trong những bài học lớn của đổi mới mà Đảng đã đúc kết, cũng chính là bài học biết dựa vào dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, tiếp nhận những sáng tạo của đảng viên và quần chúng, phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện để những sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân được khơi dậy và phát huy. Bài học dân chủ trong Đảng và kịp thời đáp ứng nguyện vọng của dân vẫn luôn nóng hổi tính thời sự đối với mỗi quyết sách của Đảng.

Những giải pháp đặc biệt góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng

Để dân luôn tin Đảng, theo Đảng, xây dựng và bảo vệ Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ rõ cần phải có những giải pháp đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Đó là phải ra sức phòng, chống tham nhũng; chân thành lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đóng góp của dân nhằm xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng để từ đó vun đắp, giữ gìn lòng tin của dân đối với Đảng; chống tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền, chống tập trung quan liêu. Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào hiện trạng về sinh hoạt dân chủ trong Đảng, về công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng để chỉ ra cho được những yếu kém nhằm mạnh dạn và kiên quyết khắc phục.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là một nội dung được đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm. Khi đương chức Thủ tướng Chính phủ, cũng như là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, hay khi đã là “thường dân”, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn chú ý nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua Nhà nước, đến tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Đồng chí nêu rõ: trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, cần phải từng bước cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đẩy mạnh đồng bộ các mặt: xây dựng pháp luật, tăng cường lực lượng bảo vệ pháp luật, nâng cao trình độ hiểu biết và thi hành pháp luật. Cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước gương mẫu chấp hành pháp luật, bảo đảm mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật, kỷ cương, không một tổ chức, cá nhân nào được đứng trên hoặc ngoài pháp luật. Sắp xếp bộ máy và kiện toàn các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, thống nhất và có hiệu lực cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm trong sạch bộ máy, nâng cao trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Đó là những công việc rất quan trọng để bảo đảm cho Nhà nước gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân, giải quyết được những vấn đề thiết thực trong đời sống hằng ngày của nhân dân.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, có đủ uy tín chính trị đảm đương lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Chính sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là nhân tố quan trọng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng. Vấn đề là, Đảng sẽ tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng quyền lực hay bằng khả năng thể hiện vai trò tiên phong của mình vì lợi ích tối cao của dân tộc. Vượt lên thách thức này là phát triển, là Đảng sẽ hoàn thiện hơn, trí tuệ hơn, trong sạch, vững mạnh hơn.

Đảm đương trọng trách lịch sử lãnh đạo đất nước của Đảng, đòi hỏi Đảng phải khẳng định được trong thực tế vai trò của mình đối với dân tộc để giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, giữ vững và luôn củng cố, tăng cường được lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng; lãnh đạo toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một mục tiêu lớn, thể hiện bản chất của chế độ ta, con đường đi tới của dân tộc ta và Đảng tiếp tục đảm đương tốt vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc, thì Đảng mới ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, Đảng phải tự đổi mới mình để thích hợp với thực tế, với bước đi của dân tộc. Đảng cầm quyền phải xây dựng được bộ máy chính quyền trong sạch, huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội cho mục tiêu phát triển. Uy tín của Đảng sẽ thực sự lớn mạnh khi Đảng cầm quyền lãnh đạo thông qua hạt nhân của mình, đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng.

Uy tín của Đảng sẽ thực sự lớn mạnh khi Đảng cầm quyền không có nghĩa là nắm hết mọi quyền hành và mọi vị trí quyền lực mà chính là Đảng lãnh đạo thông qua vai trò hạt nhân của mình. Xây dựng chính quyền trong sạch, là một việc nói dễ, nhưng làm không dễ. Đồng chí Võ Văn Kiệt đề nghị Đảng phải quan tâm cải cách hệ thống chính trị. Kinh tế thị trường không thể phát huy tác dụng nếu không đi đôi với Nhà nước pháp quyền. Kinh tế chỉ có thể phát triển một cách bền vững trong môi trường cạnh tranh. Người tài chỉ có thể xuất hiện thông qua sự lựa chọn dân chủ, ngay cả người tài trong Đảng. Nếu một đảng cầm quyền mà không tập hợp được những người ưu tú, để “đảng trí” không cao bằng “dân trí”, thì rất dễ xảy ra tình trạng, Đảng sẽ dùng quyền hành để lãnh đạo thay vì dùng khả năng thuyết phục và bằng vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không có cơ chế khoa học và đúng đắn lựa chọn người tài, không có công cụ giám sát và chế ước quyền lực một cách hữu hiệu thì không thể nào có được một hệ thống chính trị trong sạch, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng cần quan tâm cải cách tổ chức bộ máy của mình. Bộ máy Đảng và các đoàn thể chịu những tác động từ thời bao cấp, được thiết lập theo hệ thống dọc, không những trùng lặp chức năng với các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương mà còn dễ bị hành chính hóa, xơ cứng. Đồng chí cũng lưu ý, các đoàn thể hiện cũng rất dễ có nguy cơ trở thành những tổ chức quan liêu và nếu không đổi mới, thì sự quan liêu này có thể biến một hệ thống chính trị vốn dựa trên nền tảng sự ủng hộ của quần chúng trở nên thoát ly quần chúng.

Đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, âu lo và thể hiện tâm huyết trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng gây nên những tổn hại rất lớn đối với nền kinh tế, những thất thoát lớn về tài sản, tiền của, công sức của xã hội. Về chính trị - xã hội, tham nhũng làm tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; gây nên những bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng gay gắt của một bộ phận nhân dân đối với chính quyền, tạo những “điểm nóng chính trị”; tham nhũng làm băng hoại giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội,… tạo môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá đất nước và chế độ ta.

Tham nhũng là thách thức lớn nhất đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Trong bài viết “Đi tới cùng trong cuộc chiến chống suy thoái đạo đức trong Đảng”, đăng trên báo Thanh Niên, ngày 04-8-2006, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Đây là một cuộc đấu tranh không phải với “kẻ thù bên ngoài”, mà là cuộc đấu tranh với những thách thức từ ngay trong nội bộ Đảng. Sự thành bại của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này cũng gần giống như Đảng lãnh đạo chống kẻ thù bên ngoài: dân nhìn vào đảng viên, đảng viên nhìn vào cấp lãnh đạo Đảng bộ, cấp lãnh đạo dưới nhìn vào cấp lãnh đạo trên và cấp trên cao nhất quán triệt và thể hiện bằng hành động kiên quyết, không nói suông, không do dự, nể nang - đó là những nhân tố quyết định thắng lợi”. Đồng chí cho rằng để cuộc chiến này thắng lợi, phải bảo đảm “vừa nghiêm vừa minh, không để oan sai cho bất cứ đảng viên, cán bộ cấp nào, được vậy phải thật sự dân chủ, công khai và hết sức minh bạch”; “Không thể chống tham nhũng - yêu cầu bức xúc của dân với Đảng - nếu Đảng và Nhà nước ta không đặt đúng vai trò của người dân”; phải gắn liền với phòng, chống lãng phí, chủ nghĩa thành tích và bệnh quan liêu; thực hiện nghiêm túc chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp ủy, mỗi ngành, mỗi cơ quan; bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần biến ý chí chính trị thành hành động thực tế.

Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm tới việc chống bệnh “hình thức”. Trong việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp, đồng chí cho rằng cần chú ý cả về hình thức tổ chức, nội dung và kết cấu, nội dung văn kiện, công tác nhân sự, bảo đảm thật sự dân chủ, khoa học, tránh hình thức, để đại hội phải như là một cuộc sinh hoạt chính trị lớn nhất của toàn dân, để người dân thật sự coi đó là một sự kiện lớn nhất. Trung thực và chân thành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng; khách quan và thực sự cầu thị, nhất định sẽ chọn được những người ưu tú đủ năng lực và uy tín xứng đáng tham gia cấp ủy các cấp. Đó cũng là một trong những phương cách hay nhất để làm cho dân tin Đảng, theo Đảng và xây dựng Đảng lãnh đạo của mình, đủ sức đảm đương thắng lợi vai trò đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc./.


Đỗ Xuân Tuất
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Nguồn: TCCS)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất