Thứ Ba, 17/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 21/6/2014 13:32'(GMT+7)

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Lai Châu

Đội văn nghệ phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu thường xuyên luyện tập văn nghệ phục vụ các dịp lễ, tết trong năm.

Đội văn nghệ phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu thường xuyên luyện tập văn nghệ phục vụ các dịp lễ, tết trong năm.

Lai Châu là một tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở tận cùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tỉnh có 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Si La, Mảng, Cống, chỉ có ở Lai Châu với nhiều phong tục tập quán, làm cho nền văn hóa của tỉnh thêm phong phú, đa dạng và giàu bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, và hiện nay vẫn là tỉnh nghèo nhất nước, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Một số tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong những năm qua, một số kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề  dân tộc, nhân quyền và tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá. Một bộ phận đồng bào do trình độ nhận thức hạn chế đã bị chúng lợi dụng lôi kéo gây mất đoàn kết chia rẽ trong nội bộ các dân tộc.

Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành Trung uơng, với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đối với các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Lai Châu. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ các chương trình, dự án trọng điểm như: tái định cư thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Lai Châu, Bản Chát…; cải tạo nâng cấp quốc lộ 4D; các chương trình134, 135 giai đoạn 2, chương trình 159, Nghị quyết 30a, chương trình 167, chương trình 141…, Lai Châu đã đón nhận được nhiều điều kiện để phát triển KT-XH trên các địa bàn của tỉnh.

Xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển trong đời sống chính trị, xã hội, Đảng bộ tỉnh Lai Châu hết sức quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa, coi đây là một “nguồn lực mềm” làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóacác mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội. Từ đó, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, gắn hoạt động văn hóa với mọi hoạt động phát triển, kể cả an ninh, quốc phòng. Trong đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được coi là mấu chốt, làm cơ sở cho sự phát triển hài hòa trên các địa bàn dân cư trong tỉnh.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng nhờ đó được phát triển đến các khu dân cư vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có hiệu ứng rõ rệt. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa theo Nghị quyết  90 của Chính phủ ở tất cả các huyện, thị xã được quán triệt, triển khai và đạt kết quả bước đầu, có ý nghĩa thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa phát triển. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá tiếp tục được đầu tư, khuyến khích, thu hút nhân dân các dân tộc tích cực tham gia xây dựng các danh hiệu văn hoá. Nhiều tấm gương "Người tốt, việc tốt”, nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện và được nhân ra diện rộng.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của phong trào đó là sự tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, tổ chức các hoạt động thiết thực, không phô trương, hình thức. Hoạt đông văn hóa luôn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân và những đòi hỏi bức thiết cả cuộc sống. Ngay từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng được tuyển chọn các thành phần có uy tín, nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm và tính đến cả phải có năng khiếu trong hoạt động văn hóa, tránh các tình trạng “cơ cấu” cho đủ thành phần như trước đây thường làm cho các Ban Chỉ đạo hoạt động kém hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo thường xuyên gắn bó mật thiết với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức ấy trong đời sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên. Các hoạt động đều hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm nền tảng để xây dựng phong trào. Đến nay, 100%  huyện, thị, đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, với cơ cấu, thành phần tương tự như Ban chỉ đạo cấp tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã.

Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức các đợt giao ban cấp tỉnh; giao ban cụm; dự các cuộc giao ban cấp huyện, cấp xã; tổ chức các đợt sơ kết, tổng kết vừa kiểm tra, chỉ đạo, vừa nắm vững tình hình triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở. Qua đó tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách, nhằm triển khai chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào đạt kết quả ngày càng cao hơn. Hàng chục văn bản được ban hành trong 15 năm qua đã góp phần tăng cường công tác chỉ đạo, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời các thiếu sót, hạn chế và bất cập của phong trào.

Để phong trào ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội của toàn dân, các cấp các ngành trong tỉnh cũng hết sức chú trọng công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền được gắn kết với các hoạt động chính trị, như triển khai quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sinh hoạt chi bộ; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn với các hoạt động văn hóa như các kỳ lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh và của các cộng đồng dân tộc trong tỉnh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống phát thanh, tuyền hình, cổ động của các huyên, thành phốị và các xã, phường, thị trấn.

Các chương trình, phóng sự, tin bài, gương người tốt việc tốt, giao lưu văn hoá văn nghệ, lễ hội…đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh. Nhiều ấn phẩm (thời sự và báo dành cho đồng bào dân tộc vùng cao), số lượng xuất bản hơn 972 số báo thường kỳ, 125 số báo dành cho đồng bào dân tộc vùng cao với hơn 1.500 tác phẩm được đăng tải, hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, băng zôn khẩu hiệu, phát mạng báo điện tử... Các tác phẩm được đăng tải đa dạng với nhiều thể loại tin bài, tiểu phẩm, bài phóng sự, ảnh và phóng sự ảnh; tập trung phản ánh, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào. Các loại hình hoạt động khác như tập huấn, thi tìm hiểu, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, hoạt động của nhà văn hóa, tổ chức nói chuyện chuyên đề, biểu diễn văn hoá văn nghệ, câu chuyện thông tin, tuyên truyền lưu động; đồng thời  phát huy uy tín của các già làng, trưởng bản và trưởng các dòng họ của từng dân tộc để tuyên truyền, vận động  quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo các cấp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng đời sống văn hoá cho cán bộ văn hóa - xã hội xã, phường, thị trấn, và cán bộ chủ chốt của thôn, bản, tổ dân phố. Đến nay đã tổ chức được 22 lớp tập huấn nghiệp vụ về phong trào cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị (nay là thành phố), xã, phường, thị và Trưởng ban vận động các thôn bản với khoảng trên 7.500 lượt học viên tham gia. Xuất bản một cuốn sách “Hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” (với 500 cuốn) phục vụ cho đối tượng là cán bộ văn hóa, phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã  và cán bộ văn hóa của các xã, phường, thị trấn. 

Thông qua các hình thức: đã kịp thời phản ánh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, phòng chống các tệ nạn xã hội nhằm tuyên truyền để mọi người dân học tập làm theo.

Phong trào được thể hiện trên những mặt hoạt động chính đó là:

- Phong trào xây dựng “ Gia đình văn hóa" được lồng ghép với nội dung thi đua của các phong trào khác như: “ Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố  văn hóa"; phong trào thi đua "Hai giỏi"; "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", " Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà"; phong trào  “ dòng họ hiếu học, dòng họ không có tệ nạn xã hội"....

Phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa" đã có nhiều kết quả đáng phấn khởi. Từ vùng thấp đến vùng cao, từ các hộ gia đình nông dân, công nhân viên chức đến các hộ gia đình lực lượng vũ trang đều hăng hái đăng ký, phấn đấu để được công nhận là gia đình văn hóa, số lượng các hộ gia đình đăng ký và số hộ gia đình được công nhận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004 có 11.422/52.000 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (22%); đến hết năm 2012 có: 55.329/77.802 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá (đạt 71%), tăng bình quân 4,9%/năm.

- Phong trào xây dựng 'Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa" đã có nhiều hoạt động tích cực, được tập trung chú trọng. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã, phường, thị trấn đã huy động được các nguồn lực trong nhân dân, xây dựng đường làng, ngõ xóm, môi trường cảnh quan sạch đẹp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, các tệ nạn xã hội ngày được hạn chế và đẩy lùi.

Trong quá trình tổ chức thực hiện đã xuất hiện những bản văn hóa tiêu biểu như:  bản Bum, bản Nậm Củm - huyện Mường Tè, Chiềng Lè, Pề Sì Ngài - huyện Sìn Hồ, bản Nậm Loỏng 1, Séo Sin Chải - Thị xã Lai Châu, bản Đông Pao, Tiên Bình - huyện Tam Đường, bản Vàng Pheo, Tả Phìn - huyện Phong Thổ, bản Phiêng Hào, bản Pắc Lý - huyện Tân Uyên; các cơ quan, đơn vị như: Huyện ủy, Phòng Thống kê - huyện Sìn Hồ; Đồn Biên phòng 297 Ma Ly Pho, 281 Dào San - huyện Phong Thổ; Huyện ủy, Kho bạc Nhà nước - huyện Tam Đường; các trường học như: Trường Tiểu học thị trấn Sìn Hồ - huyện Sìn Hồ, Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên - huyện Than Uyên; Trường Trung học cơ sở thị trấn Mường Tè - huyện Mường Tè, Trường Tiểu học Sùng Phài - huyện Tam Đường, Trường Tiểu học Nậm Xe - huyện Phong Thổ. Năm 2004, có 247/1043 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận văn hoá (22%); đến nay đã có 635/1.133 được công nhận thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 56%); bình quân tăng trên 3%/năm.

- Cuộc  vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng phong phú đa dạng, được phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các ngành liên quan, tổ chức tuyên truyền, thực hiện tốt chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, trẻ em, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và tặng quà cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” liên tục phát triển, phong trào “Uống nước nhớ nguồn” các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào của toàn dân được thực hiện bằng tình cảm và những hành động thiết thực nổi bật là phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, vườn cây tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng tại cộng đồng…

Uỷ ban MTTQ tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện  phong trào, góp phần từng bước xây dựng "Khu dân cư tiên tiến”, “Gia đình văn hóa”, “Phố bản văn hóa". Trong những năm qua các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đã vận động được hàng ngàn lượt đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện; 100% khu dân cư ký kết phòng chống các tệ nạn xã hội, nhiều khu dân cư và trên 50 ngàn hộ cam kết an toàn giao thông; hàng vạn lượt người tham gia vệ sinh nơi công cộng... Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban thanh tra xã phường thị trấn làm nòng cốt trong công tác giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, đến nay có 100% cơ sở thành lập Ban thanh tra nhân dân với hơn 1000 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 635/ thôn, bản, khu dân cư  tiên tiến xuất sắc đạt 56%

- Phong trào xây dựngCơ quan,  đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa” được Liên đoàn Lao động tỉnh đặc biệt quan tâm, đã cùng các Sở, ban, ngành thành viên ký kết chương trình phối hợp "Xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân viên chức và lao động trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa  đất nước", "An toàn vệ sinh lao động",  "Cơ quan xí nghiệp có đời sống văn hóa tốt"... Gắn các phong trào xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và lực lượng vũ trang gương mẫu chấp hành kỷ cương pháp luật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng gây phiền hà sách nhiễu với nhân dân; tăng cường chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh, tác phong làm việc công nghiệp; xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao: Hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giải cầu lông truyền thống, giải bóng chuyền đoàn kết công – nông – binh và định kỳ tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. 100% các Công đoàn cơ sở  phối hợp với chính quyền triển khai những bài giáo dục chính trị cơ bản; 95% công nhân viên chức lao động được học tập nâng cao nhận thức bản lĩnh chính trị về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cấp công đoàn đã tổ chức được 4 lớp tập huấn phổ biến pháp luật, tổ chức trên 40 hội nghị truyền thông, tuyên truyền miệng cho hàng ngàn lượt người nghe, phát hành 1.650 tờ rơi, tờ gấp các loại tuyên truyền cho công nhân viên chức lao động; qua đó đã phát huy được thế mạnh và hiệu quả. Các đơn vị trong tỉnh xây dựng được nhiều tủ sách pháp luật với nhiều đầu sách, báo, tài liệu về pháp luật. Năm 2004 có 44/122 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa (bằng 36%);  đến năm 2012 đã có 707/874 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa, (đạt 81%); bình quân hàng năm tăng gần 5%.

- Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” theo tinh thần Chỉ thị 17/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về phát triển thể dục thể thao, Ngành Thể dục thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước về thể dục thể thao thành mục tiêu, chương trình hành động cụ thể,  trong đó tập trung chỉ đạo các phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị,  phối hợp tốt với các cơ quan ban, ngành trong tỉnh thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tập trung “Hướng thể thao về cơ sở” tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ cả về qui mô cũng như chất lượng, phong trào thể dục thể thao được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, trường học, các khu phố, địa bàn dân cư, xác định tầm quan trọng của tập luyện thể dục thể thao là nâng cao và mang lại sức khỏe đối với đời sống con người, người dân đã chủ động tích cực tự giác tập luyện thể dục thể thao bằng nhiều hình thức như đi bộ, tập dưỡng sinh, tập thể hình, cầu lông, bóng đá…cùng với các bài tập đơn giản dễ hiểu dễ nhớ, khuyến khích người dân tham gia tập luyện các môn thể thao phù hợp lứa tuổi, giới tính,với môn thể thao mình yêu thích và phù hợp với cơ sở vật chất ở địa bàn dân cư, đồng thời gắn các hoạt động thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao vào các hoạt động lễ hội ở địa phương cũng như của đất nước. Đến nay, toàn tỉnh có số người tham gia luyện tập thể dục thể thao  thường xuyên là 92.390 người;  chiếm 22,9% so với tổng dân số toàn tỉnh; có 248 câu lạc TDTT; 9.590 gia đình thể thao toàn tỉnh.

Công tác xã hội hóa thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào lĩnh vực TDTT, tự đầu tư kinh phí xây dựng các công trình thể dục thể thao phục vụ cho nhu cầu tập luyện của nhân dân như: Công ty TNHH thể thao Hải Yến, Bưu Điện tỉnh, Điện Lực tỉnh, Viễn Thông Điện Biên Lai Châu…

 - Phong trào xây dựng gương “Người tốt việc tốt và các điển hình tiên tiến” được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp; xây dựng trường học; xây dựng gia đình, thôn, tổ bản, cơ quan văn hóa; phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT; phong trào giúp nhau làm kinh tế; xóa đói giảm nghèo; phong trào thanh niên xung kích tình nguyện; phong trào thi đua  dạy tốt và học tốt trong nhà trường; phong trào đền ơn đáp nghĩa; từ thiện nhân đạo; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh…Các phong trào thi đua đã động viên sức mạnh của CBCCVC, các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết; truyền thống yêu nước; phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh. Các địa phương, các ngành đã bình xét thi đua hàng trăm tấm gương “ Người tốt, việc tốt” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát hiện và biểu dương kịp thời những hạt nhân tích  cực, những điểm sáng mô hình tiêu biểu của phong trào, vì thế phong trào phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sức thuyết phục được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao.

Tại hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình tiên tiến trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 51 tập thể  và 63 cá nhân trong đó có những cá nhân điển hình cho phong trào tham dự hội nghị điển hình khu vực miền núi phía Bắc. Đài Phát thành và truyền hình tỉnh  đã phát nhiều gương người tốt trên truyền hình, có hàng trăm người trên sóng phát thanh, gần 520 phóng sự, 1.280 tin bài tuyên truyền cho lĩnh vực văn hoá, thể thao; dân tộc và phát triển, an ninh Lai Châu phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngoài ra thực hiện nhiều tin bài trên sóng phát thanh, một số tin bài trên sóng truyền hình về lĩnh vực xây dựng quy ước hương ước, trợ giúp pháp lý tới đồng bào vùng sâu vùng xa.

- Phong trào “Học tập lao động sáng tạo” được triển khai phát động rộng khắp trong mọi tổ chức, cá nhân và trong mọi hoạt động nghề nghiệp. Đặc  biệt là trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật trồng trọt thông qua các mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm thụ tinh nhân tạo, tập huấn cho bà con nông dân về mô hình nuôi trồng thủy sản, công tác bảo vệ thực vật, sản xuất rau an toàn, mở các lớp phục tráng giống nhằm bảo vệ các nguồn gen quý hiếm tạo ra các giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Phong trào “ba giảm, ba tăng”, phong trào tăng giá trị hàng hóa và bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lúa; phong trào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung khu vực nông thôn; phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập cao; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng hạ giá thành sản phẩm; tổ chức các hội thi “Nông dân tìm hiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả”. Hội nông dân và các đoàn thể khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lâm sinh, phòng trừ sâu bệnh với trên hàng ngàn lượt người tham gia; đào tạo và bồi dưỡng 3.000 lượt cán bộ khuyến nông khuyến ngư các cấp. Các hoạt động này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ứng dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ có sự chuyển giao khoa học kỹ thuật vào áp dụng nên từ cây lúa bình quân trước đây ở các bản do gieo trồng các giống lúa thuần ở địa phương chỉ đạt 2,5 đến 3 tấn/ha, nhưng nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân và đưa các loại giống lúa mới vào thâm canh, sản lượng tăng lên từ 3,8 đến 4,5 tấn/ha như bản Tả Phìn xã Ma Ly Pho huyện Phong Thổ, bản Nậm Ngập xã Nậm Tăm huyện Sìn Hồ, bản Pa Pe xã Bình Lư huyện Tam Đường... người dân ở các bản vùng cao đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây thảo quả... góp phần đem lại cuộc sống ấm no ở nhiều bản làng vùng cao, khu vực biên giới. Ngoài ra việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn được các cơ quan ban ngành đoàn thể tập trung triển khai có hiệu quả. Hầu hết cán bộ CNVC LĐ các cơ quan đều sử dụng thành thạo máy vi tính trong công việc, qua đó chất lượng và hiệu quả công việc được cải tiến rõ nét.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh Lai Châu thực sự có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội, được thể hiện trên các mặt hoạt động sau:

Một là, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao và cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc. Thông qua nhiều hình thức như: cho vay vốn; ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng, chống lụt bão; chuyển giao kỹ thuật tiến bộ về trồng trọt và chăn nuôi…, từ đó đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được ổn định, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, phát huy tinh thần thi đua làm giàu chính đáng trong quần chúng nhân dân.

Tính đến năm 2014, Hội Phụ nữ các cấp đã huy động được trên 189 tỷ đồng; giúp đỡ cho vay 11.548 hộ; tổ chức được 117 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 5.465 lượt phụ nữ. Hỗ trợ hàng ngàn ngày công lao động hàng vạn con giống vật nuôi và cây trồng cho phụ nữ; hỗ trợ 2 tỷ 666 triệu đồng cho 92 phụ nữ xây dựng và sửa chữa mái ấm tình thương; ủng hộ tiền mặt 1 tỷ 130 triệu đồng tiền mặt cho phụ nữ. Thực hiện có hiệu quả hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ như: giao chỉ tiêu giúp đỡ, cho vay vốn giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động hộ khá giúp hộ nghèo về vốn, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động, cây con giống… đến nay đã có 1.781 hộ thoát nghèo.

Đã xuất hiện hàng ngàn hộ nông dân giỏi các cấp, có nhiều trang trại tổng hợp có thu nhập hàng năm từ 100-150 triệu đồng. Tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn cho 17.000 lượt người. Phát huy được truyền thống đạo lý của dân tộc "lá lành đùm lá rách", chỉ tính từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh "Quỹ vì người nghèo" đã thu được trên chục tỷ đồng; xây dựng mới đ­ược hơn 2000 nhà "Đại đoàn kết" cho các hộ nghèo, gần 300 nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng; Chỉ tính riêng năm 2012 cùng với sự hỗ trợ của Trung ương MTTQ Việt Nam, quỹ "Vì người nghèo" các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động được trên 7 tỷ đồng; phối hợp tặng 09 nhà tình nghĩa trị giá 180 triệu đồng, tặng 870 xuất quà cho người có công.

Nhờ có sự hỗ trợ và đầu tư của các chương trình cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền nên việc phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn các huyện đạt hiệu quả.

Hai  là,  thực hiện nếp sống văn hóa kỷ cương pháp luật. Thông qua phong trào, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, đề cao và ghi nhớ công ơn của cha ông qua các thời kỳ lịch sử, phát huy thành quả cách mạng đã đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, các huyện tuy có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống và địa hình phức tạp nhưng vẫn duy trì tốt vấn đề an ninh biên giới, an ninh chính trị xã hội, người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện có 42 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 256 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, xây dựng 600 tủ sách pháp luật, 1.117 tổ hòa giải cơ sở với 4.929 hòa giải viên tham gia, hòa giải được hàng ngàn vụ việc (tỉ lệ hòa giải đạt trên 80%), thành lập 100 trợ giúp pháp lý lưu động tại 103 xã, phường, thị trấn với tổng số vụ việc được trợ giúp pháp lý gần 300 vụ.

Công an tỉnh tập huấn về kiến thức đảm bảo an ninh trật tự cho tất cả các đồng chí cấp ủy đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn; trưởng phố, trưởng thôn và công an viên; tích cực tuyên truyền viên phòng chống ma túy, củng cố nhiều câu lạc bộ phòng chống tội phạm, phòng chống HIV, xây dựng hàng ngàn tổ an ninh nhân dân, tổ bảo vệ dân phố, nhiều cụm liên kết về an ninh trật tự và hòm thư tố giác tội phạm, đã tiếp nhận hàng ngàn nguồn tin giúp lực lượng công an chủ động trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, vận động nhân dân phá nhổ hiều hecta cây thuốc phiện.

Toàn tỉnh có 7/7 huyện, thị xã và trên 98% các xã, phường, thị trấn triển khai và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng Quy ước trong việc cưới, tang và lễ hội; các huyện đã có văn bản hướng dẫn cơ sở xây dựng các quy ước, hương ước nhằm thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó giữ gìn và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Việc triển khai Chỉ thị 27/Ct-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ: không còn hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình như thách cưới quá lớn, mê tín dị đoan đã được đẩy lùi, một số hủ tục lạc hậu  đã được xoá bỏ như việc tang ma của người Mông để thờ dài ngày trong nhà không còn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã tổ chức tiết kiệm, lành mạnh.           

Ba là, xây dựng môi trường văn hoá sạch, đẹp, an toàn, đã được người dân nhận thức và tham gia thực hiện tốt. Thông qua việc trồng cây gây rừng đi liền với bảo vệ rừng; trồng cây xanh tại gia đình. Đường giao thông liên xã, liên bản đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, việc đi lại của người dân được thuận lợi; một số thôn, bản đã thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, bê tông hoá đường làng ngõ xóm. Đa số các gia đình đã có nhà vệ sinh riêng, việc thả rông gia súc đã được hạn chế. Ở các trung tâm huyện vấn đề rác thải đã được đội vệ sinh môi trường xử lý, hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán cũng được giải quyết. Phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông, tập huấn kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng đông dân có mức sinh cao, tập huấn phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống dịch tả, dịch H5N1, H1N1…Đối với các cơ quan công sở luôn duy trì phong trào vệ sinh cơ quan đơn vị sạch sẽ gọn gàng, trồng cây xanh, cây cảnh tạo bóng mát, vẻ đẹp mỹ quan. Có bảng nội quy treo ở nơi thích hợp, thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh lao động và phương tiện phòng chống cháy nổ. Nghiêm túc trong giờ làm việc, trang phục gọn gàng đúng quy định; dùng ngôn ngữ cử chỉ nhã nhặn lịch thiệp trong giao tiếp hàng ngày, không có người mắc các tệ nạn xã hội.

Bốn là, xây dựng các thiết chế văn hoá và các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia. Phát huy được vai trò của trưởng thôn, trưởng bản đã tuyên truyền, phổ biến các nội dung thực hiện phong trào và vận động nhân dân tích cực tham gia đăng ký và phấn đấu đạt các danh hiệu văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hoá của tỉnh đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống đến mỗi người dân. Hiện nay toàn tỉnh có 368 nhà văn hoá là nơi sinh hoạt cộng đồng, thông qua các buổi sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lồng ghép nhiều nội dung sinh hoạt, trong đó có lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình một cách trực tiếp tới người dân trên địa bàn dân cư.

Hệ thống thiết chế thể thao của các huyện đã được xây dựng, tạo sân chơi rèn luyện sức khoẻ  cho nhiều người dân; một số thôn, bản chưa có sân chơi, bãi tập đảm bảo về tiêu chuẩn nhưng cũng đã thu hút thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh hiện có 4 sân bóng đá, 16 sân Tennis, 73 nhà tập luyện thể thao; 216 sân tập thể thao, sân cầu lông ngoài trời và các khu thể thao vui chơi giải trí khác. Huyện Mường tè là một huyện xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh cũng đã có  6 sân cầu lông tại trung tâm huyện, 15 sân bóng chuyền, 30 sân cầu lông tại các xã. Các cơ sở trên đã và đang là trọng điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, tập luyện cho các đối tượng.

 Năm là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá thể thao cơ sở ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh 368 nhà văn hoá, trong đó  01 nhà văn hoá cấp tỉnh, 7/7 nhà văn hoá huyện; 31/103 nhà văn hoá xã chiếm 31%; 337/1.133 nhà văn hoá thôn, bản chiếm 29%. Hoạt động của các nhà văn hóa xã, phường, thôn, bản và nhà sinh hoạt cộng đồng từng bước đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, biểu diễn văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân ở cơ sở. Cả tỉnh có trên 1.000 đội văn nghệ quần chúng hoạt động tích cực góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc là nhân tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhiều làn điệu dân ca được sử dụng trong các nghi lễ, hội hè như: mừng nhà mới, hát trong đám cưới, hát giao duyên, hát trong ngày tết.

Hàng năm các huyện, thị, xã phường, thị trấn đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng nhằm giữ gìn và bảo tồn  những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phát hiện những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu để đào tạo phát triển phong trào văn hoá văn nghệ cho cơ sở. Toàn tỉnh có 248 câu lạc bộ thể thao cơ sở, số lượng các CLB thể thao được thành lập ngày càng nhiều, kết quả  này cho thấy phong trào thể thao ngày càng phát triển mạnh mẽ; những sân chơi, bãi tập được đầu tư xây dựng tại cơ sở trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động thể dục thể thao cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Sáu là, thực hiện các nhiệm vụ chính trị kinh tế xã hội có nội dung văn hóa, tạo nên “thế trận lòng dân” trên vùng biên giới. Bộ đội biê phòng đã tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn hàng vạn ngày công lao động như sửa chữa cầu cống, dựng nhà, khắc phục thiên tai, khai hoang ruộng nương. Vận động hàng ngàn  lượt hộ gia đình định canh định cư, riêng đối với việc di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã tổ chức nhiều đợt với trên trăm lượt cán bộ chiến sĩ hành quân lên trực tiếp phối hợp với cấp ủy chính quyền và các lực lượng vũ trang của tỉnh giúp nhân dân lao động vận chuyển vật chất tài sản về nơi tái định cư mới.

Phát động và giữ vững phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn ANTT thôn bản khu vực biên giới”, đã vận động được hàng trăm bản giáp biên giới với 1.000 hộ quản lý bảo vệ 265 km đường biên, mốc giới; tham mưu củng cố và thành lập các tổ an ninh với nhiều tổ viên, phối hợp tổ chức các đợt tuẩn tra đường biên giới; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, huấn luyện cho dân quân và công an viên; tổ chức các lớp tập huấn quốc phòng cho 1.000 học sinh; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương hàng tháng, hàng quý, các ngày lễ tết tổ chức hội nghị hội đàm, thực hiện tốt mối quan hệ với nhân dân giáp biên giới láng giềng Trung Quốc.

Công an tỉnh Lai Châu thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ chiến sỹ xuống cơ sở, thực hiện “ ba cùng ” với nhân dân, tham mưu củng cố hệ thống trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.Vận động nhân dân không tin, không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không quay lại những hủ tục lạc hậu cuả dân tộc.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thành lập và tham gia hàng trăm lượt tổ đội công tác liên ngành, chuyên ngành; tổ chức nhiều đợt hành quân dã ngoại xuống các địa bàn trọng yếu các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, xã có hoạt động lợi dụng tôn giáo, nơi có vụ việc phức tạp, thiên tai dịch bệnh; giúp các xã khó khăn phát triển kinh tế xã hội như làm nhà văn hóa, sửa chữa nâng cấp làm mới đường dân sinh liên bản, liên  xã, nạo vét mương phai, xây dựng phòng học, làm nhà nội trú cho học sinh; kết hợp quân dân y khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân.

Chính nhờ việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có nội dung văn hóa trong nội dung hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" mà tình quân dân nơi biên giới được thắt chặt, những vùng xa xôi khó khăn nhất của tỉnh vẫn giữ vững ổn định trật tự xã hội góp phần đắc lực cho việc phát triển các mặt văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, nhưng với những kết quả đạt được trên đây cho thấy chủ trương của Đảng bộ tỉnh Lai Châu là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo ra những chuyển biến cơ bản, vững chắc trong xây dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức tốt; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Bùi Lệ Dung

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Lai Châu

         


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất