(TG)- Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban,
ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành
mạnh cho đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới, hội nhập để phát triển kinh tế - văn hóa, sự hòa nhập, giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, vùng miền cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin ngày càng phong phú, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ đến bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh những tác động tích cực, những luồng văn hóa ngoại lai xâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, đã và đang tác động đến đời sống văn hóa, xã hội và con người, trong đó đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất chính là đoàn viên, thanh niên - những người trẻ tuổi, năng động và rất nhạy bén trong việc tiếp thu các loại hình văn hóa. Đoàn viên, thanh thiếu niên là đối tượng dễ tiếp thu văn hóa nên cũng dễ thay đổi nếp sống văn hóa đã có sẵn. Vốn là lực lượng tiên phong trong các hoạt động, trong đó có các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng, nên họ là tác nhân trực tiếp tác động tiêu cực hoặc tích cực đến bản sắc văn hóa của quốc gia, vùng miền và của từng dân tộc.
Hòa chung cùng thanh niên cả nước, đa số đoàn viên, thanh niên của trên 40 dân tộc anh em cùng sinh sống trong toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay đã biết phát huy những yếu tố tích cực của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của mình. Không chỉ khát khao lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, họ còn chọn lọc và tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương mình, đất nước mình...Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận đoàn viên, thanh niên, trong đó có không ít thanh niên là người dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của mặt trái của cơ chế thị trường. Không vượt qua chính mình, họ vướng vào các tệ nạn xã hội, trong đó tình trạng vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, suy thoái về đạo đức, lối sống sống ngày buông thả, ích kỷ, thực dụng, thờ ơ với thời cuộc. Cùng với đó, không ít thanh niên "sính ngoại", quay ngược lại với truyền thống, coi nền văn hoá truyền thống dân tộc của mình là lạc hậu, lỗi thời… Ở họ, cách nói năng, ăn mặc, đi đứng đang đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, ngược lại với nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đi tìm căn nguyên của thực trạng trên, có thể thấy sự phối hợp tuyên truyền giáo dục giữa các cấp, các ngành, giữa gia đình, nhà trường và xã hội cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh còn chưa được chặt chẽ và đồng bộ. Các biện pháp, giải pháp giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho đối tượng đoàn viên, thanh niên chưa tính đếm đến các yếu tố đặc thù, nên chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí lành mạnh còn quá ít, các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập của đoàn viên, thanh niên. Công tác quản lý các ấn phẩm, phim, ảnh, internet chưa chặt chẽ dẫn đến các sản phẩm phản văn hóa, văn hóa phẩm đồi trụy đã có cơ hội len lỏi vào cuộc sống đời thường và tác động đến tâm hồn, tình cảm, tâm sinh lý của lớp người trẻ tuổi này...
Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đoàn viên, thanh niên bảo tồn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên với những hình thức phong phú và đa dạng được chú trọng và tăng cường. Trong thời gian qua, việc lồng ghép các nội dung về đạo đức, văn hóa, truyền thống cách mạng với các lễ kỷ niệm, các buổi tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu, các hội diễn, diễn đàn, các hoạt động về nguồn, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử đã thu được hiệu quả tích cực... Lựa chọn giải pháp giáo dục đoàn viên, thanh niên thông qua các hoạt động thực tiễn gắn với các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, các cấp bộ Đoàn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; chương trình, ”Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh”; cuộc vận động "Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên”; chương trình "Rèn luyện đội viên”; "Rèn luyện đoàn viên”... Cùng đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đâm đà bản sắc dân tộc được đẩy mạnh trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các hoạt động phong trào, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống của quê hương, gia đình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; đấu tranh với biểu hiện, hành vi đi ngược với truyền thống dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn có những hạn chế. Trong thời gian tới, để duy trì, phát huy những thành quả và khắc phục những hạn chế đó, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, cấp ủy, chính quyền và cấp bộ Đoàn các cấp cùng các ngành chức năng trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền, giáo dục để đoàn viên, thanh niên thấy được giá trị của văn hoá của dân tộc, từ đó phát huy ý thức tự giác trong việc tham gia bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tẩy chay văn hóa ngoại lai, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hai là: Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ban ngành, gia đình và nhà trường trong giáo dục truyền thống văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa cho đoàn viên, thanh niên. Theo đó, cần nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học về văn hóa truyền thống của dân tộc. In ấn và phát hành nhiều hơn, phong phú hơn những cuốn sách giới thiệu về văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Ba là: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các sự kiện văn hóa của địa phương, hoạt động văn hoá - văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc tại địa bàn khu dân cư, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên các dân tộc có cơ hội giao lưu, học hỏi. Đồng thời phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn những sản phẩm phản văn hóa, văn hóa ngoại lại tiêu cực xâm nhập vào đời sống hàng ngày của đoàn viên, thanh niên.
Bốn là: Quan tâm quy hoạch dành quỹ đất ưu tiên và đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho đoàn viên, thanh niên; phát huy hơn nữa vai trò của các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa cấp huyện; đầu tư xây dựng hệ thống thư viện, bảo tàng với nhiều đầu sách, hiện vật đa dạng, phong phú thu hút đông đảo người dân và đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học tập và tìm hiểu.
Ngô Thanh Danh