Trước ngày 31/12/2015 sẽ cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KCB) cho các cơ sở KCB và người hành nghề KCB đáp ứng đủ điều kiện. Đây là lộ trình được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám chữ bệnh (KCB) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Bộ Y tế đã dự thảo việc cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề KCB thực hiện theo lộ trình sau:
Trước ngày 31/12/2013, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB và chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề KCB của cơ sở KCB thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đối với tuyến huyện và tương đương, thời hạn là trước ngày 31/12/2014; và đối với tuyến xã là trước ngày 31/12/2015.
Riêng đối với người hành nghề KCB của cơ sở KCB nhà nước tham gia hành nghề KCB ngoài giờ, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì được cấp chứng chỉ hành nghề khi Luật KCB có hiệu lực (1/1/2011).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng dự kiến lộ trình cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề KCB trong quân đội. Cụ thể, trước ngày 31/12/2013, cấp giấy phép và chứng chỉ hành nghề cho các bệnh viện và người hành nghề tại các bệnh viện trong quân đội; đối với bệnh xá và người hành nghề tại các bệnh xá trong quân đội, thời hạn là trước ngày 31/12/2014 và tại các hình thức tổ chức cơ sở KCB khác là trước ngày 31/12/2015.
Dự thảo cũng quy định, các cơ sở KCB tư nhân sẽ được cấp Giấy phép hoạt động khi Luật KCB có hiệu lực nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trường hợp các cơ sở KCB tư nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân thì được tiếp tục hoạt động đến khi hết giá trị sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận nhưng không quá ngày 31/12/2015.
Đối với đối tượng đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân được tiếp tục hành nghề đến khi hết giá trị sử dụng ghi trên Chứng chỉ hành nghề.
10 hình thức tổ chức hành nghề KCB
10 hình thức tổ chức hành nghề KCB đã được quy định rõ trong Luật KCB. Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện, dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số hình thức.
Cụ thể, hình thức đầu tiên là bệnh viện, bao gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; cơ sở giám định y khoa gồm viện giám định y khoa và trung tâm giám định y khoa. Hay như cơ sở chẩn đoán cận lâm sàng được tổ chức dưới 4 hình thức: Phòng chẩn đoán hình ảnh, phòng xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng và phòng nội soi,...
Các cơ sở dịch vụ y tế được tổ chức dưới nhiều hình thức gồm: Cơ sở dịch vụ làm răng giả; cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà; cơ sở dịch vụ kính thuốc; cơ sở dịch vụ cấp cứu, vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ y học cổ truyền không dùng thuốc.
Đối với trạm y tế cấp xã và tương đương, dự thảo nêu rõ bao gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn và Phòng y tế của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể các hình thức tổ chức KCB khác gồm: Viện nghiên cứu có giường bệnh; Viện giám định pháp y tâm thần; Viện Pháp y và Trung tâm kế thừa, ứng dụng y học cổ truyền./.
(Theo: chinhphu.vn)