Ngày 12/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức Xin-ga-po theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký Đảng Hành động Nhân dân Xin -ga-po (PAP) Lý Hiển Long. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Xin-ga-po lên tầm cao mới.
Xin-ga-po nằm ở cực nam bán đảo Mã Lai, diện tích 692,7km2, dân số hơn 4, 8 triệu người. Sau khi tách khỏi LB Ma-lai-xi-a trở thành một quốc gia độc lập năm 1965, Xin-ga-po đã từ một nước hầu như không có tài nguyên trở thành một quốc gia phát triển, với cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu á và thế giới. Tình hình chính trị -xã hội Xin -ga-po những năm gần đây tiếp tục ổn định với việc Đảng PAP duy trì vị thế trên chính trường. Mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng tài chính toàn cầu song Xin -ga-po vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 4,8% vào năm 2011.
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po đang phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Giữa tháng 1/1978, gần 5 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (tháng 8/1973), nhân chuyến thăm chính thức Xin-ga-po của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước. Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Ba-li (tháng 7/1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Tháng 3/2004, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Xin-ga-po tháng 9/2011 và Tổng thống Xin-ga-po To-ny Tân Keng Giam thăm Việt Nam tháng 4/2012.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng PAP cầm quyền tại Xin-ga-po thiết lập quan hệ chính thức từ tháng 10/1993 nhân chuyến thăm Xin-ga-po của Tổng bí thư Đỗ Mười. Từ đó đến nay, hai Đảng duy trì quan hệ tốt đẹp và đã triển khai nhiều biện pháp hợp tác như trao đổi Đoàn lãnh đạo hai bên; trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, phát triển đất nước, đào tạo cán bộ.
Một điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po là từ cuối năm 2005, hai bên đã nhất trí thực hiện sáng kiến "Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xin-ga-po". Chương trình hợp tác toàn diện với mức độ cao và phạm vi rộng này có mục tiêu hướng tới gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam với Xin -ga-po để tạo ra sự bổ trợ, kết hợp với nhau giữa hai nền kinh tế, tạo một môi trường chính sách thuận lợi và định hướng khung để doanh nghiệp hai nước triển khai hoạt động hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất trong các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Xin -ga-po ở Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 8, 7 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Xin-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây và hiện đứng thứ 5 trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tính đến tháng 4/2012, Xin-ga-po đầu tư vào Việt Nam 1.020 dự án với tổng trị giá gần 23 tỷ USD vốn đăng ký. Việt Nam cũng đầu tư vào Xin-ga-po 41 dự án với hơn 614 triệu USD. Nhìn chung, các dự án đầu tư của Xin-ga-po được đánh giá hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) được coi là biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Xin-ga-po, đã hoạt động được hơn 11 năm với VSIP 1 và 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh, VSIP 4 tại Hải Phòng và VSIP 5 tại Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế -thương mại, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục -đào tạo, an ninh-quốc phòng, tư pháp… cũng rất phát triển. Tại Xin-ga-po hiện có khoảng 9000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu.
Sự tương đồng về văn hóa, lợi ích kinh tế và cùng là thành viên của ASEAN, cũng như sự tin cậy lẫn nhau đã tạo động lực để quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Xin-ga-po phát triển nhanh chóng. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Xin-ga-po của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng cầm quyền của Xin-ga-po, tạo cơ sở chính trị vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.
(Theo: QĐND)