Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 11/9/2012 16:6'(GMT+7)

Tế nhị

(Hình minh hoạ).

(Hình minh hoạ).

Tế nhị là một đặc điểm trong tính cách của người Việt ta. Tính từ này chỉ sự ý tứ, khéo léo, uyển chuyển, nhẹ nhàng, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” trong mọi mối quan hệ xã hội. Người biết xử sự tế nhị luôn rất tâm lý, nắm bắt nhanh ý nghĩ, cảm xúc của người khác, có khả năng “đi guốc vào bụng”để dễ dàng đáp ứng, chiều theo mong muốn của mọi đối tượng tiếp xúc, vì vậy mà luôn khiến họ thấy dễ chịu, thú vị. Tế nhị như một bảo bối, vũ khí đắc hiệu để chinh phục trái tim con người. Ai có phẩm chất này rất dễ dàng, thuận tiện trong việc thu phục người khác. Như vậy, hiển nhiên đây là một ưu điểm, bất cứ ai cũng cần phấn đấu để có được và phát huy.

Nhưng trong đời sống xã hội hiện nay, tính từ rất tốt đẹp này ở nhiều trường hợp đã được chuyển dịch ý nghĩa. Rất nhiều khi, người ta đã sử dụng nó để thực hiện những ứng xử mang tính chất hèn kém, tiêu cực, lẩn tránh sự công bằng, minh bạch. Chân lý lắm khi đã bị dìm lấp để nhường chỗ cho việc xử sự chỉ thuần túy là để bảo vệ, duy trì các mối quan hệ nhằm vụ lợi. Khi ấy, người ta đã vận dụng sự “tế nhị” để biện cho hành vi của mình. Và như thế, tình riêng đã lấn át cái chung, vượt lên mọi lý, luật.

Một nhóm người có chức năng đi kiểm tra trật tự vỉa hè, lòng đường, đã dẹp rất kiên quyết, rứt khoát cả một tuyến phố dài vi phạm. Bàn, ghế, mọi đồ dùng liên quan đến kinh doanh mà bầy ra vỉa hè đều bị đưa lên xe chuyên dụng chuyển về nơi tập kết xử lý. Trong thời khắc ấy, những người thi hành công vụ tỏ ra rất nghiêm, giữ đúng vai trò, coi việc giữ gìn phép công là tối thượng. Chứng kiến cảnh này, ai cũng đồng tình với việc làm của họ mà không thể thông cảm với những người vi phạm. Nhưng đến một quãng phố khác, họ đã cho xe chạy qua mà không tiếp tục xử lý mặc dù nơi này cũng vi phạm trật tự chẳng khác gì quãng phố kia. Tìm hiểu ra, mới biết: có một người kinh doanh ở đó là chỗ bà con thân thích với một “sếp” cấp trên của nhóm người đi dẹp trật tự. Và nhóm người này đã biết “tế nhị” để bỏ qua. Cũng vì thế mà hàng chục hộ cùng kinh doanh gần người này đã được hưởng lây sự “tế nhị” này. Không lẽ chỉ chừa ra một trường hợp vi phạm? Như vậy thì quá lộ liễu, thiếu “tế nhị”. Vậy nên đành phải “tha” cho cả mấy chục hộ vi phạm liền kề.

Trong một hội nghị tổ chức để quần chúng góp ý cho đảng viên tại cơ quan nọ. Mọi người chẳng dè dặt góp cho vị bí thư chi bộ kiêm giám đốc với quan điểm khá thẳng thắn. Nhưng với một trưởng phòng và vị phó giám đốc thì lại dè dặt, góp ý rất nhẹ nhàng. Hóa ra, vị giám đốc chỉ còn mấy tháng nữa là về hưu. Vị phó sẽ lên thay và người trưởng phòng sẽ lên làm phó giám đốc. Với 2 người này, anh chị em còn làm việc lâu dài, lại dưới quyền, họ cần "tế nhị". Nhưng có một cán bộ cứ thẳng ruột ngựa mà góp ý cho 2 vị này. Sau hội nghị, lập tức được mọi người góp ý:

- Ông chẳng tế nhị gì cả. Ông có định làm việc lâu dài ở đây không, hay là sắp chuyển đi nơi khác?

Một quý tử của một sếp lớn cấp trên cậy cha mình là quan to đã luôn coi trời bằng vung, không coi ai ra gì ở cơ quan. Từ lãnh đạo đến mọi người đều rất "ngán"! Nhưng tổ chức cũng không có bất cứ biện pháp gì để giáo dục chàng "thiếu gia" này, kể cả một lời chính thức báo cáo lên người cha kia. Tất cả đều cùng một ý nghĩ: trường hợp này quả là rất khó xử vì... "tế nhị"! Thậm chí, họ còn cho rằng không nên làm phiền đến sếp lớn vì ngài có trăm công, nghìn việc quan trọng, sẽ bị ảnh hưởng, chi phối, không có lợi cho công việc và sức khỏe. Quả là mọi gười tỏ ra rất có tình và "tế nhị" trong ứng xử với vị chức sắc kia.

Mới hay, nếu chỉ thuần túy duy tình, lạm dụng từ “tế nhị” thì sẽ đẩy nhiều điều tới tiêu cực, bất cập với mong muốn tốt đẹp của con người./.

Minh Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất