Ông khẳng định: "Dù lúc này lúc khác, nơi này nơi khác nạn tham nhũng lãng phí, “giặc nội xâm” còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, song tôi vẫn giữ trọn niềm tin vào Đảng và tin tưởng rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhất định sẽ thành công.
Từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường B, C trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm gần đây, ông Phạm Thanh Bình lại được nhân dân tín nhiệm bầu tham gia nhiều tổ chức ở địa phương như tổ trưởng tổ dân phố, BCH Hội CCB, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Với sự khẳng khái, kiên quyết không làm ngơ trước những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật, ông Bình đã dũng cảm đấu tranh, đưa những sai phạm trong quản lý đất đai của UBND phường Nghĩa Đô ra ánh sáng.
Phường Nghĩa Đô có diện tích đất nông nghiệp khá lớn nhưng trong quá trình đô thị hóa đã bộc lộ yếu kém của chính quyền địa phương trong quản lý sử dụng đất đai, gây bức xúc ở địa phương. Đại hội Đảng bộ phường năm 2005, đã có nghị quyết chỉ ra 14 vụ việc về quản lý sử dụng đất đai có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng, giao cho Đảng ủy khóa mới phải lãnh đạo giải quyết. Với bản chất "Anh bộ đội Cụ Hồ", khi nhận trọng trách đó, ông Bình đã trăn trở tìm biện pháp thực hiện. Ông đã bàn bạc trong tập thể Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ và Thường trực HĐND, UBND phường để xây dựng nghị quyết, tập trung chỉ đạo dứt điểm.
Tuy nhiên trong nhiều năm, từ 2005 đến 2008, cố gắng của ông Bình và các cán bộ, đảng viên đều bị chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường né tránh, đùn đẩy. Điển hình là việc không tổ chức thu hồi 849m2 đất thuê của HTX nông nghiệp, hết hạn theo kết luận Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) từ năm 1994 không chịu trả, định biến thành đất thổ cư để chiếm dụng; buông lỏng quản lý 21.000m2 đất ao ải của HTX nông nghiệp (cạnh hồ Tây) để một số cá nhân lấn chiếm dần và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đưa trên 1.600m2 đất công, cạnh đường Hoàng Quốc Việt vào góp vốn liên doanh với tư nhân xây siêu thị, nhưng tỷ lệ góp vốn của tập thể không đạt trên 50% theo chỉ đạo của Đảng ủy… Thậm chí, cả Quận ủy Cầu Giấy lúc đó cũng bao che cho những sai phạm của chính quyền cấp dưới. Trước tình thế đó, tháng 5-2008 ông Bình quyết định viết thư báo cáo sự việc lên đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, mong có sự quan tâm chỉ đạo giải quyết. Nhờ đó, các cơ quan chức năng của TP và TƯ đã vào cuộc để đi đến kết luận cuối cùng, xử lý các sai phạm tại phường Nghĩa Đô, trả lại công lý.
Đó chính là niềm mong mỏi của ông Phạm Thanh Bình. Ông cho rằng, chặng đường đấu tranh phòng chống tham nhũng còn gian khổ, khốc liệt hơn cả đi chiến đấu trong thời chiến. Ngay trong quá trình phanh phui những vụ việc trên, ông Bình và gia đình đã phải chịu nhiều áp lực như có người đến nhà lăng mạ, ép ra khỏi nhà để nói chuyện; bị ném chất thải bẩn vào nhà; bị nói xấu tại các cuộc họp; đặc biệt là ông đã bị cách chức 506 ngày và đến tháng 5-2010 mới được phục hồi các chức danh… Mặc dù vậy, ông vẫn không lùi bước, không ngừng đấu tranh. Ông khẳng định: "Dù lúc này lúc khác, nơi này nơi khác nạn tham nhũng lãng phí, “giặc nội xâm” còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, song tôi vẫn giữ trọn niềm tin vào Đảng và tin tưởng rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhất định sẽ thành công. Tham nhũng, lãng phí nhất định sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi".
Sự dũng cảm, vào cuộc hiệu quả của ông Phạm Thanh Bình đã được ghi nhận. Ông đã được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng vinh danh năm 2010. Ông cũng là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được mời tham gia báo cáo giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (diễn ra ngày 27 và 28-12 tại Hà Nội)./.
(Phong Thu/HNM)