Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 15/12/2010 16:34'(GMT+7)

Đà Nẵng chuyển mình từ Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Từ những bước đi ban đầu thực hiện Cuộc vận động

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 4 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng bám sát và thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và có những cách làm sáng tạo, phù hợp của riêng mình, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.  Ban Chỉ đạo các cấp đã sớm được thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn, từng bước đưa hoạt động của Ban Chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở đi vào nền nếp. Việc quy định Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Bí thư Thường trực cấp ủy làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thể hiện yêu cầu chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của cấp ủy đảng trong toàn bộ Cuộc vận động. Nhờ đó, công tác chỉ đạo đã được thực hiện chu đáo, tích cực, chủ động đề ra nhiều nội dung, biện pháp sáng tạo, phù hợp để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động ở các cấp, địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện được chú trọng, nhờ đó đã góp phần nâng cao nhận thức và làm rõ hơn những công việc cần thiết phải tiến hành để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động.

Công tác tuyên truyền Cuộc vận động được tiến hành thường xuyên với các hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua việc tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: hội thi kể chuyện, thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các hội nghị giao lưu, tọa đàm, biểu dương điển hình tiên tiến, các hoạt động báo công dâng Bác, văn hoá văn nghệ... gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn, làm cho tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác được tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan toả lớn, góp phần phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về Cuộc vận động, xây dựng, duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động. Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã vận động sáng tác được nhiều tác phẩm mới về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Bác. Hoạt động tuyên truyền đã tạo nên sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động.

Việc tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực và trở thành phong trào rộng lớn với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể nói tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên đã tham gia học tập các chuyên đề hằng năm của Cuộc vận động. Trên cơ sở chỉ đạo và định hướng của Trung ương, các cấp, các ngành thành phố đã xây dựng các tiêu chí cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, gắn với quy chế thực hiện cụ thể. Ở nhiều nơi, tổ chức đảng tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân, không những có tác dụng tốt với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, mà còn động viên được tính tích cực của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Về nhận thức, Cuộc vận động đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân được nâng lên, nhất là trong quan hệ với quần chúng. Phong cách, lề lối làm việc và thái độ ứng xử với nhân dân, giải quyết các yêu cầu của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Trách nhiệm cá nhân đối với công việc được nâng lên; thái độ giao tiếp đối với đồng nghiệp, cấp dưới, với nhân dân được cải thiện; thủ tục hành chính được cải cách, giảm nhiều phiền hà cho dân, doanh nghiệp...

Đến những chuyển biến tích cực, làm theo lời Bác

Ngay từ năm 2008, tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động, thành phố Đà Nẵng đã chủ trương chuyển trọng tâm Cuộc vận động sang làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác. Từ đó, Cuộc vận động đã góp phần thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong hành vi và việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt đời thường, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ qua. Cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo yêu cầu mới, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ và trong xã hội.

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng có nhiều cách làm mới, có hiệu quả trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huy động các nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, quy hoạch các khu dân cư, đền bù giải toả, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... được dư luận chung rất đồng tình. Công tác cải cách hành chính của thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực; 2 năm liền thành phố được bình chọn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... Những kết quả đó, không phải tất cả đều là do Cuộc vận động mang lại, nhưng rõ ràng Cuộc vận động đã có tác động tích cực. Có thể nói, những kết quả thu được trong các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... đều có sự đóng góp của Cuộc vận động.

Các cấp, các ngành của thành phố đã chú trọng gắn nội dung của Cuộc vận động với việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá và tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đã góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hầu hết các cơ quan, đơn vị căn cứ việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức, mức độ hoàn thành các nội dung đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để đánh giá, bình bầu thi đua, xếp loại cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cuối năm.

Trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động, nhiều địa phương, đơn vị của thành phố đã chủ động đề ra những nội dung, biện pháp sáng tạo, phù hợp để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, như: có địa phương (quận Liên Chiểu) tổ chức lễ báo công dâng Bác vào dịp kỷ niệm ngày của Bác (19-5) thành lễ hội truyền thống hằng năm của địa phương, là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân báo cáo kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; có địa phương (quận Hải Châu) tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, “Người thật, việc thật” để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, từ đó xuất hiện các mô hình toàn dân “nuôi heo vàng tiết kiệm” ở cơ sở và được nhân rộng ở các cấp, các ngành của thành phố...

Qua các phong trào hành động cụ thể đã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, các ngành, như các phong trào, mô hình: “Người tốt việc tốt”, “Tiếp sức đến trường”, “Heo đất tiết kiệm”, “Heo vàng tiết kiệm”, “Trâu vàng tiết kiệm”, “Ống tre tiết kiệm”, “Sổ tiết kiệm vì người nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Xây nhà tình thương cho người nghèo”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, “Quỹ 24”, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, xoá nhà tạm, giảm nghèo, phòng, chống tội phạm, vận động và hỗ trợ học sinh bỏ học trở lại lớp, tổ chức lớp học và dạy chữ cho con em gia đình nghèo, vùng khó khăn... và còn nhiều nữa các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn của thành phố (như các chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và Chỉ thị 24-CT/TU, 25-CT/TU của Thành ủy).

Việc tự giác của mỗi người làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong những công việc hằng ngày đã diễn ra trên phạm vi rộng, với các mức độ khác nhau. Tuy chưa đều và chưa trở thành phong trào rộng lớn, có chiều sâu, nhưng ở tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực công tác đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đến nay, toàn thành phố bước đầu đã bình chọn được 784 gương điển hình tiêu biểu, gồm 303 tập thể và 481 cá nhân, trong đó có 36 tập thể và 35 cá nhân được Thành ủy tặng Bằng khen. Có 2 tập thể và 19 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các điển hình, nhìn chung đã có sức thuyết phục. Nhiều gương điển hình đã trên 80 tuổi vẫn không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội; hay có một cô giáo đã nghỉ hưu, trong 4 năm qua, đều đặn mỗi tuần 2 ngày, đi bộ 12km men theo đường sắt và đường đèo núi để đến với làng Hoà Vân (nguyên là làng của những người mắc bệnh phong, nằm cách biệt với trung tâm thành phố), tình nguyện dạy Tiếng Anh miễn phí cho cho các em học sinh nơi đây…

Có thể khẳng định, sau 4 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đi vào đời sống và có sức lan toả lớn, củng cố niềm tin trong Đảng và trong xã hội về kết quả thắng lợi của Cuộc vận động, trở thành ý thức thường xuyên trong đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Những vấn đề cần chú ý trong 4 năm thực hiện CVĐ

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, nhưng việc thực hiện Cuộc vận động của thành phố trong 4 năm qua vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Đó là:

Một là, một số cấp ủy, Ban Chỉ đạo và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng mức ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động nên thiếu sự quan tâm thường xuyên trong việc chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; chưa nêu cao tính gương mẫu và trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tham gia tích cực Cuộc vận động; chưa thật sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Kết quả thực hiện Cuộc vận động trong khối địa phương cơ sở xã, phường chuyển biến tốt hơn khối các cơ quan hành chính sự nghiệp và khối các cơ quan hành chính sự nghiệp chuyển biến tốt hơn khối các đơn vị doanh nghiệp...

Hai là, việc làm theo chưa thật sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn, thường xuyên tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Gương điển hình tiêu biểu là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi nhiều hơn gương điển hình là cán bộ, đảng viên đương chức và cán bộ công chức trẻ; việc làm theo chưa tạo được sự chuyển biến về chất, do vậy chưa tạo được niềm tin vững chắc trong một bộ phận nhân dân vào thắng lợi của Cuộc vận động; đặc biệt, có quá nhiều những điển hình trong công tác từ thiện nhân đạo, xoá đói giảm nghèo, thiếu những điển hình trong các cơ quan quản lý Nhà nước và bộ máy công quyền các cấp, những nơi trực tiếp tiếp xúc và giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp.

Ba là, việc triển khai thực hiện một số nội dung của Cuộc vận động ở một vài nơi còn nặng về hình thức, nhất là việc tổ chức học tập các chuyên đề, tổ chức các hội thi, các hoạt động bề nổi... Việc viết thu hoạch, liên hệ bản thân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức một số nơi chưa sát với công việc chuyên môn, chức trách đảm nhận. Một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc triển khai Cuộc vận động, nhất là khối các cơ quan nhà nước chưa thật sự vào cuộc, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Bốn là, công tác tuyên truyền Cuộc vận động chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Việc phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, biểu dương những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Cuộc vận động chưa thường xuyên, liên tục, nên chưa phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện.

Những kinh  nghiệm bước đầu trong triển khai thực hiện CVĐ

Qua 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn thành phố, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu, như sau:

Một là, cấp ủy và Ban Chỉ đạo các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động; bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung yêu cầu đề ra; chủ động, sáng tạo nhiều nội dung, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện có kết quả Cuộc vận động.

Hai là, vai trò, trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có ý nghĩa quyết định trong huy động toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cuộc vận động. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với các cơ quan đảng, quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhằm tạo sự nhận thức và phối hợp hành động đồng bộ, nhịp nhàng trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Ba là, Thực tế cho thấy, học tập và làm theo là một quá trình đồng thời diễn ra, chứ không phải là hai giai đoạn nối tiếp nhau, cho nên phải kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa tổ chức nghiên cứu quán triệt các chuyên đề, vừa hướng dẫn, tạo điều kiện để mọi người tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Gắn Cuộc vận động với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Lồng ghép Cuộc vận động với các phong trào cụ thể của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; tranh thủ sức thuyết phục, sức lan toả của Cuộc vận động để nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của từng phong trào.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc vận động, đảm bảo thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến tất cả các đối tượng trong xã hội với những hình thức phù hợp; kịp thời phát hiện, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo sức lan tỏa rộng lớn.

Năm là, thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn Cuộc vận động./.

MH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất