Mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ XI. Đại hội tổng kết chặng đường 25 năm đổi mới, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991, đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhớ lại 100 năm trước, đầu thế kỷ XX, nước Việt Nam còn là thuộc địa của đế quốc, thực dân, nhân dân sống cực khổ, lầm than, thân phận nô lệ. Kẻ thù xoá cả tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra nước ngoài tìm con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Mùa xuân năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng của Người đã đưa sự nghiệp Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xoá bỏ chế độ thực dân nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới giành độc lập, thống nhất hoàn toàn; thành công bước đầu của công cuộc đổi mới, từng bước đưa đất nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa thành quả của các thời kỳ trước, quá trình đổi mới đã đưa đất nước tiến những bước dài chưa từng có. Đại hội VI của Đảng (12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới. Trước hết là đổi mới cơ cấu và cơ chế quản lý nền kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hợp tác, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đường lối, chính sách đổi mới đã mở đường cho kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển.
Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước năm 1996, vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực năm 1997-2000 và cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2009. Trong 5 năm (2006-2010), nền kinh tế Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên và Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế ước đạt 106 tỷ USD gấp 2 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, làm không đủ ăn, Việt Nam năm 1989 trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 và hiện nay đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2010 xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã tạo dựng đáng kể cơ sở vật chất - kỹ thuật và kết cấu hạ tầng. Với 250 khu công nghiệp và các khu vực kinh tế trọng điểm đang thúc đẩy Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thành tựu phát triển kinh tế là cái căn bản, là điều kiện để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được coi trọng phát triển. Năm 2000, Liên Hợp Quốc đề ra 8 mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2010, hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc kiểm điểm 10 năm thực hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thành công nhất trong những năm qua và có khả năng hoàn thành toàn bộ 8 mục tiêu đó vào năm 2015 như hạn định mà cộng đồng quốc tế đề ra.
Mục tiêu hàng đầu là xoá đói giảm nghèo, Việt Nam đã thành công và có nhiều kinh nghiệm. Với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với các chính sách và giải pháp cụ thể, từ Quyết định 135 của Chính phủ năm 1998 hỗ trợ 1.700 xã nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế; Quyết định 134 năm 2004 hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo về đất ở, đất canh tác, nhà ở và nước sạch; Quyết định 30A năm 2008 trợ giúp 62 huyện nghèo nhất nhanh chóng thoát nghèo, đã mang lại kết quả thiết thực, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn 9% năm 2010.
Đảng chủ trương đầu tư lớn và giải quyết căn bản, đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều vấn đề: lao động, việc làm, dân số, sức khoẻ, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tài nguyên được chú trọng, bảo đảm an sinh xã hội.
Quá trình đổi mới, Đảng không ngừng tự đổi mới chỉnh đốn, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, bảo đảm sự đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối, đổi mới tổ chức và công tác cán bộ, phương thức lãnh đạo, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, sức mạnh quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2010, cả dân tộc tràn ngập niềm vui, tự hào trong những ngày đại lễ. Trung ương Đảng công bố dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân. Đó cũng là năm Việt Nam hoàn thành xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN, tổ chức thành công các hội nghị cấp cao 16, 17, hội tụ không chỉ các thành viên ASEAN mà nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, trong đó có Nga và Mỹ. Trước đó Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009; Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7/2008 và tháng 10/2009; và năm 2007 là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam thật sự là bạn, đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trước thềm Đại hội XI của Đảng, những người Cộng sản và cả dân tộc Việt Nam tự hào về những thành tựu đã đạt được nhưng cũng thấy rõ những khuyết điểm, yếu kém. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững; giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém; dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết chưa được phát huy đầy đủ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục.
Một Đảng cầm quyền không chủ quan, tự mãn về những gì đã làm được, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm và quyết tâm sửa chữa. Đó là một Đảng cách mạng chân chính, thật sự vì nước, vì dân như mong muốn của Bác Hồ. Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 (11/2010) đã diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng toàn dân bàn và quyết định việc dân, việc nước. Đó là niềm vui lớn và nhất định tạo động lực mới để đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
(Nguồn: Báo TNVN)