Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 4/4/2014 16:46'(GMT+7)

Những giá trị lớn của thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước

Mãi hào hùng, xúc động nền nghệ thuật cách mạng và kháng chiến.

Mãi hào hùng, xúc động nền nghệ thuật cách mạng và kháng chiến.

Ðã có người gọi và không ít người a dua theo rằng, nền văn học cách mạng, kháng chiến là văn học minh họa. Nhưng thời gian càng lùi xa, càng chứng minh tính nhân bản, trường tồn của dòng văn học được viết nên bởi các thế hệ nhà văn - chiến sĩ tài năng kế tiếp nhau, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm mục tiêu căn bản. Nhưng gần đây, vẫn có ý kiến lặp lại đánh giá sai lầm cũ, thậm chí còn hạ thấp các nhà văn thời ấy là những người ít học, làm văn nghệ phong trào, văn nghệ tuyên truyền... Ðể phản bác lại những quan điểm sai trái đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ BẰNG VIỆT, một người trong cuộc, nhằm làm sáng tỏ tính chất và giá trị của nền văn học thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Con người và Tổ quốc

Tới thời điểm hiện tại, với độ lùi xa cần thiết đến nửa thế kỷ, có lẽ cũng đủ dày dặn để chúng ta có thể bình tâm suy ngẫm lại toàn diện về một thế hệ thơ đặc thù, hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một thế hệ thơ mà theo tôi, hẳn chỉ có thể được sản sinh ra có một lần, mà sau này, cũng hiếm khi nào còn lặp lại.

Trước hết, xin nói về nhu cầu tự thân và lý tưởng của một thế hệ cầm bút. Chúng ta thường chỉ định dạng một cách ước lệ đó là "lớp nhà thơ chống Mỹ", "nền thơ chống Mỹ". Thật ra, đáng phải đi sâu hơn để thấy rằng cốt lõi của lớp người này đâu phải chỉ định hình do ở tinh thần chống đế quốc Mỹ mà được định hình chủ yếu lại do ở những yếu tố cao cả và bao quát hơn, đó là biết khẳng định những phẩm chất tích lũy từ truyền thống xa xưa của dân tộc mình; gắng thể hiện được thước đo tính công dân trọn vẹn, lòng vị tha đầy nhân ái, tâm thế biết dấn thân hết mình vì sự nghiệp chung, lòng yêu nước nồng nàn và bộc trực; yêu chân lý và lẽ phải, dám dấn thân vì quyền sống, quyền làm người có lương tri, từ đó, biết yêu cái Ðẹp, cái Thiện trong tinh thần dân chủ và công bằng, biết tiếp thu khá đầy đủ lý tưởng nhân văn và tư duy khoa học của thế giới văn minh. Và cả nền thơ chống đế quốc Mỹ cũng vậy, đâu phải chỉ đơn giản bó khuôn trong có một việc là "chống đế quốc Mỹ", mà hơn thế nhiều, đây là nền thơ về toàn bộ cuộc sống con người trong hơn hai thập kỷ mà dân tộc ta phải chiến đấu và vươn lên để sống, để ngẩng cao đầu làm người với đầy đủ ý nghĩa của con người, giàu khát vọng, biết hào phóng và mở rộng tầm cao cho suy tư hòa cùng diện rộng của cảm xúc, ngay ở nơi mà cách sống hòa bình và cách sống chiến tranh luôn đan xen vào nhau từng khoảnh khắc.

Biểu hiện rõ nét nhất của thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là đã dám dấn thân để tham dự vào tất cả mọi tình huống từ phổ quát đến chi tiết của đời sống, dám chia sẻ hết mọi tâm trạng của mọi lớp người thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và công tác, dám dung nạp mọi khía cạnh và góc độ để quan sát cũng như để diễn giải một cách đa dạng và sâu sát từ suy tưởng đến hành động, từ khách quan đến chủ quan... mọi mặt đời sống tinh thần của con người, trên cái nền bao la của hiện thực phong phú hằng ngày. Thơ đủ sức để thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của nếp sống xã hội, tâm lý và lề thói ứng xử của con người, từ cái Ta chung đến cái Tôi riêng của mỗi cá nhân đơn lẻ, với chủ thể là từng anh bộ đội, từng cô dân quân, du kích, từng người công nhân, bậc trí thức, nhà khoa học, đến mỗi tín đồ Phật giáo, Thiên chúa giáo và mọi giáo phái khác. Cảm hứng chủ đạo của thơ không ra ngoài mọi nỗi vui buồn thường trực của hiện thực gắn liền với cuộc chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước. Nhân vật của thơ trải rất rộng, có mặt khắp các điểm nóng ở mọi miền Tổ quốc, từ cô giáo trẻ tự nguyện lên dạy học tận bản làng heo hút vùng cao đến cô thanh niên xung phong đêm ngày dầm mình ngoài hỏa tuyến. Hoàn cảnh của nhân vật có thể rất éo le khi phải một mình rơi vào một hòn đảo vắng lặng ngoài khơi, hoặc đóng chốt tận một kho vũ khí biệt lập, ẩn sâu trong hang núi Trường Sơn tít tắp; cho đến vị trí cận kề nguy hiểm trên một trận địa pháo, trận địa tên lửa, ngang nhiên phơi ra dưới tầm ngắm của máy bay địch; lại cũng có thể có mặt thật can trường ngay giữa một cuộc xuống đường ồ ạt của sinh viên, học sinh và tín đồ Phật giáo các đô thị miền nam; hay có khi còn ở giữa cuộc biểu tình phản chiến mãi tận nước ngoài, cách xa ta đến nửa vòng trái đất.

Nếu như cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô (trước đây) chỉ kéo dài có bốn năm (1941 - 1945) hay cuộc nội chiến Tây Ban Nha chỉ kéo dài có ba năm (1936 - 1939) mà đã đủ sản sinh ra cả một thế hệ nhà thơ tài năng và nhiều bài thơ bất hủ, thì chúng ta cũng có thể nói rằng, cuộc chiến tranh 21 năm (1954 - 1975) để đi đến thống nhất đất nước và tách riêng ra, nếu cần nhấn mạnh một vệt đặc thù, là cuộc đánh trả của miền Bắc Việt Nam chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, khởi đầu từ ngày 5-8-1964 với sự kiện Vịnh Bắc Bộ và kết thúc là trận Ðiện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, đánh thắng tập đoàn pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, dẫn đến Hiệp định Pa-ri và kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại, cũng sản sinh ra biết bao bài thơ để đời, những bài thơ thật sự là niềm tự hào chính đáng của một lớp nhà thơ đã trưởng thành từ chính những tháng năm sôi động đó. Họ đã dám sống hết mình với thời đại của mình, mà nói như nhà thơ lớn của Ðức thế kỷ 18 là Fri-đrich Sin-le, thì: "Ai đã dám sống hết mình với thời đại của mình thì cũng sẽ còn để lại giá trị có ý nghĩa cho cả mọi thời sau đó nữa!".

TINH thần "người trong cuộc", người dám sống hết mình với thời đại của mình giữa những năm tháng thử thách khốc liệt đó còn được nâng cao lên với khát vọng cháy bỏng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang hơi thở sử thi, của tinh thần tự hào dân tộc hết sức sâu đậm. Ngày hôm nay, có thể chính bản thân tôi cũng mỉm cười có phần rộng lượng khi đọc lại những câu thơ chừng như hơi thậm xưng của bản thân mình viết về Hà Nội năm 1967: "Hà Nội mang tầm vóc hôm nay / Cộng với tầm cao quá khứ / Tôi đi dọc những lối vào lịch sử / Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần / Tôi đi ngang những cuộc đời thường/ Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại", nhưng phải chăng, đó lại chính là những suy nghĩ chính thống của chúng ta trong suốt những năm đánh đế quốc Mỹ xâm lược ấy? Nếu không như thế, thì làm sao lại có những hành động quả cảm và quên mình ủng hộ Việt Nam của No-man Mô-ri-xơn, của Giên Phôn-đa, của Gioan Ba-ê ngay từ trong lòng nước Mỹ? Và những dòng người rầm rập đồng tình từ các phong trào phản chiến ở Thụy Ðiển, Anh, I-ta-li-a, Pháp, Ðức nối dài suốt những năm tháng đó, với điệp khúc trầm hùng sâu thẳm trong bài ca rất phổ cập của một nhạc sĩ người Anh: "Hồ, Hồ..., Hồ Chí Minh". Làm sao lại có những tiếng nói ủng hộ từ lương tâm cao cả của các nhân sĩ trí thức lớn trên thế giới như Giăng Pôn Xac-tơ-rơ, Ô-lôp Pan-mơ, Lu-y A-ra-gông, Pa-blô Nê-ru-đa, Bla-ga Ði-mi-tơ-rô-va, Công-xtăng-tin Xi-mô-nôp... với chúng ta?

Còn có thể dẫn thêm những câu thơ thật chân thành từ suy nghĩ nội tâm của thời đó, mà hôm nay đọc lại, ai đó dễ quy chụp là có phần nào cao giọng, cường điệu. Sự thật, nó vẫn phản ánh trung thực những suy nghĩ tâm huyết và phổ biến của một thời. Phải đặt vào đúng văn cảnh của nó, thì mới thấy hết được rằng đó là những câu thơ hay, những câu thơ gan ruột. Thí dụ: "Ði qua hết tuổi thanh xuân / Ðể lại trong rừng những gì quý nhất / Mất mọi thứ để nhân dân không mất" (Phạm Tiến Duật). Hay là: "Trời ơi! Nếu kẻ thù chiếm được / Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn / Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc!" (Hữu Thỉnh). Hoặc giản dị làm sao, khi được soi lại một khoảnh khắc ngẫu hứng những gì mà ta từng nhất mực hy sinh: "Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ: / - Ðây là những gì chúng ta đã sống và đã chết / Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó: / - Ðây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca!". (Nguyễn Khoa Ðiềm)...

Thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước tự hào đứng ở tầm cao của lý tưởng nhân bản và chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình, hướng tới dân chủ và công bằng trên trái đất; từ tầm cao đó, cảm hứng trong thơ dễ có điều kiện xuất thần, dễ thăng hoa, tạo được sự lay động, chói sáng một khoảnh khắc nhưng lại có giá trị lâu dài. Các nền thơ hay thế giới đều có đủ dẫn chứng về điều này. Chúng ta sẽ không có Loóc-ca, An-béc-ti... nếu không gắn họ vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha, cũng không có Ê-luy-a, A-ra-gông... nếu không gắn vào thơ kháng chiến Pháp, không có Xi-mô-nôp, Tvac-đôp-xky... nếu không gắn họ vào cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên bang Xô-viết. Cũng như vậy, ở ta, những tên tuổi lớn từ thời tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ..., cũng như các nhà thơ được tôi luyện trong lò lửa cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Ðình Thi, hoặc xuất hiện trong thời kỳ chống thực dân Pháp như Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Vũ Cao..., tất cả họ cùng tiếp tục sáng tác trên những ngả đường chiến đấu chống đế quốc Mỹ và có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu của cả nền thơ chống Mỹ. Nhưng phải kể đến hiện tượng lý thú và hào hứng bậc nhất trong thơ thời kỳ này, là cùng với lớp đàn anh kể trên, một thế hệ hàng trăm nhà thơ trẻ ở độ tuổi chỉ mới 20-35 trong những năm 60 của thế kỷ 20, đã xuất hiện liên tục và đồng đều, tạo thành một lứa thơ mạnh mẽ và đông đảo, dần khẳng định được vị trí và giá trị của mình giữa hai cột mốc 1964 - 1975, khi họ dám dấn thân sống và trải hết mình vào cuộc chiến đấu vì Tổ quốc, có ý thức trách nhiệm cao nhất, trước hết với tư cách công dân, còn tư cách nhà thơ thì họ khiêm tốn gắn liền cùng tư cách người chiến sĩ.

Khi ý thức về sứ mệnh của cả thế hệ ấy, bản thân tôi đã từng có hình tượng ví von: "Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai". Nhưng tôi không thể nào không gai người lên vì những câu thơ còn cụ thể hơn nữa và trần trụi đến tận cùng của Thanh Thảo: "Người ta không thể chọn để được sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng, phút giây, năm tháng ấy..." Và: "Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/... Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?". Cách nói ấy, phải ghi nhận rằng, thơ thời tiền chiến và cả thời chống thực dân Pháp đều chưa thể có, khi hãy còn thi vị hóa, có phần nào hoài cổ chất tráng sĩ cùng thanh gươm yên ngựa, đi để chết như tư thế hiệp khách Kinh Kha sang Tần, với những câu thơ khí phách như: "Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ/ Chí lớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại / Ba năm, mẹ già cũng đừng mong!" (Thâm Tâm). Hoặc một câu thơ hay theo kiểu khác, có thêm chút âm hưởng "tiểu tư sản" cao ngạo (như cách nói quen thuộc một thời), dầu vẫn chịu đó là câu thơ hay đúng chất hào khí tráng sĩ : "Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa!" (Chính Hữu).

Theo NhanDan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất