Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 7/4/2014 21:26'(GMT+7)

Để câu Xoan còn vang mãi



1. Phú Thọ là vùng đất Tổ, là địa phương có những di sản văn hóa với nhiều dấu tích lịch sử khẳng định từ xa xưa con người đã xuất hiện, sinh sống, tương thích với thiên nhiên, tồn tại và làm nên nền văn hoá truyền thống với những giá trị đặc biệt của thời đại Hùng Vương dựng nước.
Với số dân trên 1,3 triệu người, gồm hơn 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó đại đa số là người Kinh, tiếp đến là người Mường, Dao, Cao Lan và các dân tộc khác; dân cư Phú Thọ có sự hòa quyện giữa những người bản địa trên vùng đất Tổ Việt Nam với những người từ nơi khác đến. Trải qua bao năm tháng trên con đường phát triển của lịch sử, đã diễn ra quá trình giao lưu, đan xen văn hóa giữa các dân tộc tạo nên một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc; trong đó nền tảng và dòng chảy văn hóa truyền thống Hùng Vương vẫn không ngừng được bảo tồn và phát huy.
Vùng đất này hiện đang bảo tồn, phát huy giá trị 1.372 di tích lịch sử gồm 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong số đó (tính đến hết tháng 12-2012), có 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Ca trù của người Việt; Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng quốc gia, 12 di tích lịch sử; 218 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Có 260 lễ hội, gồm 223 lễ hội dân gian, 5 lễ hội tôn giáo, 32 lễ hội cách mạng. Hiện còn 97 lễ hội được duy trì hoạt động thường niên và mới khôi phục lại.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình, Ca môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa. Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Hùng Vương dựng nước. Hát Xoan thường biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất Tổ Hùng Vương, nên ngày nay được gọi là Hát Xoan Phú Thọ.
Theo đánh giá của UNESCO, Hát Xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết để được vinh danh, đó là: Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác; sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan cũng như cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
Sách xưa còn ghi lại: Hát Xoan Phú Thọ đã ra đời từ thời các Vua Hùng dựng nước; tồn tại cho đến ngày nay là di sản văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng đất Tổ. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang xưa như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta.
Hát Xoan vừa là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương. Là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề; có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng cư dân nông nghiệp. Người dân Phú Thọ quan niệm rằng: Đầu xuân năm mới, đi thắp hương Đền Hùng, thờ cúng tổ tiên; được nghe câu Hát Xoan sẽ mang lại sự nhân đôi những điều may mắn trong suốt cả năm. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24-11-2011.
Cuộc sống của con người ngày nay đã có rất nhiều thay đổi cả về trình độ, thói quen, lối sống cũng như nhu cầu về văn hóa tinh thần, đặc biệt là ở giới trẻ. Vậy làm thế nào để bảo tồn và phát huy được những giá trị di sản văn hoá (DSVH) nhất là các DSVH phi vật thể trong đời sống CNH- HĐH hiện nay. Vấn đề này là một bài toán khó trong việc tìm lời giải đáp trọn vẹn, đầy đủ. Hiện tại chỉ nội hàm vấn đề bảo tồn cái gì, bảo tồn như thế nào; phát huy cái gì, phát huy như thế nào đối với các DSVH do tiền nhân để lại cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau, khó tìm được sự thống nhất hoàn toàn trong cách hiểu, cách đánh giá cũng như cách ứng xử với các DSVH. Hát Xoan cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành cầu nối làm tăng thêm gấp bội niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đoàn kết toàn dân và đề cao tinh thần hướng về cội nguồn, tổ tiên, dân tộc, giống nòi.
Vấn đề bảo vệ DSVH Hát Xoan Phú Thọ cũng đang đứng trước thời cơ thuận lợi và thách thức lớn lao. Nghệ nhân Hát Xoan là nhân tố hàng đầu để bảo tồn và truyền dạy Hát Xoan. Họ là  những người đang nắm giữ di sản, lưu giữ nghệ thuật trình diễn Hát Xoan nhưng hiện nay số người này đang dần mất đi. Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao, sức yếu, trí nhớ bị mai một, do vậy khả năng truyền dạy Hát Xoan bị hạn chế. Mặc dù nhiều nghệ nhân đã được phong tặng nhưng chưa có chính sách đãi ngộ cụ thể, trong khi đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa động viên kịp thời được nghệ nhân truyền dạy.  Đối với lớp trẻ, sự xâm nhập của nền văn hóa nhiều luồng từ bên ngoài vào làm cho thanh thiếu niên dễ hướng tới cái mới mà chưa ý thức được vấn đề bảo tồn DSVH dân tộc, điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc truyền dạy Hát Xoan để xây dựng đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận.
 Hệ thống các di tích có tục Hát Xoan truyền thống phần lớn đã bị xuống cấp hoặc mất hoàn toàn do chiến tranh hoặc thiên nhiên hủy hoại. Theo kết quả điều tra năm 2012, có 16/31 di tích có Hát Xoan đã mất hoàn toàn. Một số di tích khác đã xuống cấp nặng nề và đang có nguy cơ huỷ hoại. Trong khi đó ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để đầu tư  tu bổ, tôn tạo, khôi phục các di tích. 
 Công tác nghiên cứu, phục dựng diễn xướng Hát Xoan tại các di tích có Hát Xoan truyền thống, cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế; mới chỉ có 4/31 di tích còn bảo tồn được tục Hát Xoan cửa đình.
Việc phổ biến, truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng đạt chất lượng chưa cao, chưa thường xuyên. Các nghệ nhân truyền dạy Hát Xoan còn ở mức độ tình nguyện, chưa có chế độ đãi ngộ cụ thể cho người truyền dạy. Giáo dục Hát Xoan trong các trường học còn nhiều lúng túng do chưa biên tập được tài liệu, giáo trình phổ biến, dạy Hát Xoan phù hợp cho từng cấp học.
Thiếu những ấn phẩm giới thiệu về Hát Xoan bằng tiếng ngoại ngữ để tuyên truyền quảng bá Hát Xoan đến bạn bè thế giới. Chưa lập được trang Website điện tử giới thiệu về Hát Xoan trên mạng internet.
Việc xây dựng và quản lý các tua, tuyến du lịch gắn với DSVH đặc biệt là di sản Hát Xoan hiện nay còn đơn điệu, nhỏ lẻ, chưa có sức hấp dẫn du khách; chưa xây dựng được các chương trình du lịch trải nghiệm, nghiên cứu về Hát Xoan gắn với các dịch vụ khác tại địa phương. Hệ thống đường giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ du khách tham quan du lịch tại các di tích còn chưa đáp ứng được yêu cầu du lịch cũng như nâng cao đời sống cho cộng đồng Xoan.
Cùng với Đền Hùng - Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, là trung tâm bảo tồn và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hàng trăm di tích lịch sử văn hóa trên hàng ngàn di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh; hàng trăm lễ hội dân gian được cộng đồng lưu giữ, khôi phục tổ chức sẽ là nguồn lực vô cùng mạnh mẽ để đưa Phú Thọ trở thành tỉnh ổn định về chính trị; phát triển về kinh tế, văn minh trong xã hội; có đời sống văn hóa phát triển; vững mạnh về quốc phòng an ninh; giàu lên từ hoạt động du lịch dịch vụ...
DSVN không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. DSVH là một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, huy động được nhiều sự đóng góp của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản về quản lý di sản. Nhiều đề tài khoa học, nhiều dự án quy hoạch được thực hiện, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian được khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy; một số DSVH phi vật thể nằm ở tầng sâu của văn hóa dân gian đã được nghiên cứu, khôi phục và trở thành DSVH thế giới như: Hát ca trù, Hát Xoan Phú Thọ...
Hiện nay công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH cũng còn nhiều bất cập. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình DSVH phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích vẫn còn ở mức báo động. Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả. Sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam, thắng cảnh vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu...
2. Với mục tiêu đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015, các ngành chức năng tập trung vào những giải pháp sau:
Một là, chú trọng công tác khảo sát điền dã, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân cũng như các cộng đồng lưu giữ DSVH Hát Xoan nhằm sưu tầm, ghi chép những bài Hát Xoan. Những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hoá Hát Xoan cần phải được tập trung thực hiện nhằm thiết lập cơ sở cụ thể, xác thực, vững chắc những vấn đề liên quan đến văn hóa Hát Xoan. Trong đó, chú trọng việc sao chép các tài liệu về văn hoá Hát Xoan bằng máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số, băng, đĩa ghi âm để lưu giữ tại các cơ quan Trung ương và địa phương như: Viện Âm nhạc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương.
Tiến hành điều tra kiểm kê di sản Hát Xoan bằng các phương pháp: phỏng vấn, ghi hình, ghi âm, ghi chép tư liệu, lập biểu mẫu kiểm kê, tổng hợp hệ thống hóa tư liệu. Khai thác kiến thức, kỹ năng Hát Xoan của các nghệ nhân cùng với lý lịch cá nhân của họ để thu băng quay phim, chụp hình. Áp dụng công nghệ số hóa để quản lý, lưu giữ di sản văn hoá Hát Xoan.
Hai là, tăng cường phục hồi, truyền dạy và thực hành, coi đây là công tác quan trọng quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản. Kịp thời phát huy vai trò của các nghệ nhân lão thành và đào tạo các nghệ nhân trẻ, tiến hành mở các lớp học Hát Xoan trong cộng đồng và những người thực hiện công tác truyền dạy cho các thế hệ sau này. Mục đích nâng cao khả năng trình diễn của các nghệ nhân trẻ, đến năm 2015 đưa họ trở thành lớp nghệ nhân kế cận, tiếp tục thực hiện truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng, mở các lớp truyền dạy Hát Xoan rộng rãi cho lớp thanh thiếu niên các địa phương trong tỉnh. Giáo dục với mục đích là để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh hiểu biết về Hát Xoan, về niềm tự hào với truyền thống và di sản Hát Xoan Phú Thọ, từ đó xác định trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di sản.
 Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những giá trị của DSVH Hát Xoan trong cộng đồng, nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu Hát Xoan ở trong nước và ngoài nước. Mở chuyên mục Hát Xoan trên báo và đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Thọ, trên trang iện tử của Sở VHTTDL, trên báo, đài Trung ương...
Xây dựng ngân hàng dữ liệu, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận thông tin tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ, Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Viện âm nhạc Việt Nam…
 Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân và hỗ trợ các phường Hát Xoan, các câu lạc bộ Hát Xoan: Cấp thẻ bảo hiểm y tế, phụ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân đang thực hiện  truyền dạy và thực hành Hát Xoan tại  các địa phương; đồng thời hỗ trợ cho những người có năng khiếu tham gia học và truyền dạy Hát Xoan. Hỗ trợ kinh phí luyện tập, đầu tư trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ, trang phục cho các phường Xoan để duy trì luyện tập và biểu diễn.Tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, hội diễn, liên hoan tiếng hát dân ca từ cấp xã, huyện, tỉnh và toàn quốc, khuyến khích các phường Xoan và các câu lạc bộ tham gia.
Năm là, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với Hát Xoan, tạo không gian văn hóa, môi trường trình diễn Hát Xoan, đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan. Lựa chọn các di tích trọng điểm (tại các địa phương có phường Xoan gốc và di tích lân cận) để Quy hoạch  tổng thể, đầu tư khôi phục vừa bảo tồn, vừa để phát triển kinh tế - du lịch.
Tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong và ngoài nước, liên hoan tiếng hát làng Xoan hàng năm. Hội diễn Hát Xoan phục vụ các hoạt động chính trị và ngày kỷ niệm, ngày lễ, tết, lễ hội... Tham gia các chương trình giao lưu quốc tế về DSVH phi vật thể hàng năm.
Bảo tồn Hát Xoan gắn với phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Xoan, tạo môi trường trình diễn Hát Xoan tại các phường Xoan gốc, đồng thời xây dựng các khu di tích trở thành địa điểm hấp dẫn, linh thiêng đối với du khách và là một điểm nhấn về văn hoá cội nguồn của tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, chú trọng việc biểu diễn giới thiệu, quảng bá DSVH Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với du khách trong nước và quốc tế như một bảo tàng sống về di sản. Tại các di tích sẽ diễn ra những hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và Hát Xoan, tái hiện những hoạt động sinh hoạt của người Việt cổ từ kết quả nghiên cứu về văn hóa và thời đại Hùng Vương.
DSVH là một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền văn hóa dân tộc; là chứng tích cho sự phát triển của cộng đồng. Nhân dân lao động là người nắm giữ di sản, họ vừa là chủ nhân lại vừa là lực lượng nòng cốt để xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng DSVH ấy. Với ý nghĩa đó, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở Phú Thọ trong đó có Hát Xoan là trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội, song  ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn nghệ dân gian và Hội DSVH các cấp sẽ có vai trò to lớn trong việc phổ biến, giáo dục khoa học nâng cao trách nhiệm của nhân dân và huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của dân tộc./.

Phạm Bá Khiêm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất