Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 1/4/2014 16:18'(GMT+7)

Ì ạch sân khấu rối?

Hát quan họ - Tiết mục của phường rối nước Đồng Ngư, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Hát quan họ - Tiết mục của phường rối nước Đồng Ngư, Thuận Thành, Bắc Ninh.


Nan giải mọi mặt

Nhìn rối biểu diễn tưng bừng nhiều suất một ngày và đời sống nhiều nghệ sĩ múa rối sung sướng, đủ đầy, chắc nhiều suy nghĩ hài lòng và yên tâm về quang cảnh sung túc của rối! Nhưng lại có quá nhiều điểm yếu của múa rối Việt Nam vừa được chỉ ra bởi những người trong ngành sân khấu.

Một hội thảo mới diễn ra tại Nhà hát múa rối trung ương – “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới” do Hội NSSK Việt Nam cùng hai nhà hát múa rối trung ương và Thăng Long tổ chức. Theo phân tích của nhiều người thì quả là đáng lo khi múa rối thiếu và yếu một cách “toàn diện”, khâu đầu là đào tạo cho đến đội ngũ làm nghề, xây dựng tác phẩm, hoạt động biểu diễn. Rồi những hạn chế về chế độ như nhuận bút, thù lao dàn dựng, biểu diễn… cũng cản trở cảm hứng và sáng tạo của những người làm nghề rối – vốn từ các bộ môn sân khấu khác chuyển sang chứ ít người được đào tạo chuyên ngành.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam cho rằng: Cả múa rối chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều tồn tại manh mún, mạnh ai nấy lo, ít cơ hội tương hỗ, trao đổi. Trong hoạt động thì thiếu hơi thở, sức bật mới, biểu diễn chưa tinh tế. Về đề tài thì nhiều tiết mục mới còn “lạnh lùng” với chuyện lịch sử, dân gian Việt Nam. Với lực lượng thì càng lo khi thiếu đội ngũ kế thừa về biên kịch, đạo diễn, tạo hình. Đào tạo thì “Thiếu giáo trình, thiếu thầy giỏi, thiếu cơ sở vật chất, đến lúc ra trường nghề rối vẫn còn nhiều bỡ ngỡ”.

Đi vào đánh giá nghề nghiệp một cách cụ thể, NSƯT đạo diễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long dũng cảm “vạch áo ngành rối”: “Nhiều tiết mục nếu không mô phỏng sân khấu kịch người, bắt con rối diễn tình cảm phức tạp, trò ít, lời nhiều, giáo lý khô khan, khiên cưỡng, nếu không phù hợp với tâm lý trẻ thơ thì lại rơi vào hời hợt, dễ dãi. Không những thế, theo ông Tuấn, hình thức biểu diễn còn cũ kỹ, lạc hậu, ấu trĩ như kiểu trẻ con ngày xưa lấy một cái dép nhựa buộc sợi dây rồi kéo chạy, cứ tưởng tượng là cái ô tô đang bon bon trên đường”.

Cứu rối thế nào?

Vậy là có quá nhiều đầu việc phải xử lý để từng bước củng cố và phát triển ngành rối trong tình thế vẫn hăng say biểu diễn nhưng kinh phí thì tăng, còn nghệ thuật và các điều kiện liên quan lại “dậm chân” như chính người trong nghề nhìn nhận. Và cũng chỉ múa rối chuyên nghiệp có thể coi là đủ đầy với các suất diễn phục vụ du lịch và các chuyến lưu diễn nước ngoài, còn các phường rối nước dân gian thì vẫn đã quá lâu ở trong cảnh chật vật tự lo.

Một màn diễn rối đầu gỗ của các “nghệ sĩ nông dân” Nam Định.

Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, điểm yếu “lắng nghe hơi thở thị trường” của các đơn vị rối cần được cứu chữa ngay. Dường như những khái niệm như “marketing”, “nghiên cứu thị trường”, “nghiên cứu khán giả” còn là “trò chơi xa xỉ”, “tốn tiền vô ích”. Trong khi ở nhiều nước phát triển, từ hàng nửa thế kỷ trước, các tổ chức nghệ thuật đã coi đây là hoạt động sống còn của mình. Còn Giám đốc Nhà hát múa rối trung ương Ngô Thanh Thủy thì đề xuất thành lập một trung tâm hoặc viện nghiên cứu, đào tạo múa rối với các môn học về diễn viên, biên kịch, đạo diễn, tạo hình và kỹ thuật sân khấu.

Nghệ nhân phường rối Bình Phú – Thạch Thất – Hà Nội và trẻ em địa phương với một số quân rối cổ.

Một điều còn đáng tiếc trong hội thảo vừa qua, là chưa khơi gợi, lắng nghe được mấy về những nguyện vọng của các phường rối dân gian. Cũng như lâu nay, những người tâm huyết nhưng sức lực có hạn ở những phường rối này, hầu như không có cơ hội bộc bạch những trăn trở của mình. Ví dụ: Trong khi 17 trò rối nước cổ truyền – vốn cũng được học từ các phường đã biểu diễn liên tục nhiều năm nay tại các đơn vị chuyên nghiệp mà lâu chịu thay đổi, bổ sung, thì còn nhiều trò rối cổ độc đáo tại các phường, ít được biểu diễn, giới thiệu đến công chúng. Hoặc có những trò rối đứng trước nguy cơ thất truyền thì các nghệ nhân lại không đủ điều kiện, không được hỗ trợ phục dựng.

Bên cạnh đó, việc tạo cơ chế động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phường rối dân gian được biểu diễn thường xuyên hơn nhằm tăng thêm nguồn thu duy trì phường rối, thì hầu như không mấy ai nghĩ đến. Những tồn đọng này, hiện không hiểu có đáng là những câu hỏi lơ lửng trên đầu các cơ quan quản lý như Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục văn hóa cơ sở, Cục di sản văn hóa, cùng với hội nghề nghiệp và các đơn vị chuyên nghiệp vốn cũng từng là học trò từ dân gian?

LƯU NGUYỄN/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất