Chủ Nhật, 29/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 26/12/2011 22:27'(GMT+7)

Gia Lai: Thực hiện Quy chế dân chủ - những kết quả đáng ghi nhận

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân có sự chuyển biến rõ nét; nhân dân ngày càng ý thức được vai trò của mình trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp tiếp tục được kiện toàn, hoạt động có nền nếp theo kế hoạch đề ra, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, hướng dẫn các loại hình cơ sở, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ đạt kết quả cao.

Thực hiện quy chế dân chủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã phối hợp với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân tăng cường tổ chức thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để nhân dân biết, có cơ sở để bàn và tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại cơ sở. Đến nay, 100% số xã đã hoàn thành rà soát, đánh giá thực trạng theo bộ tiêu chí nông thôn mới; vận động nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; trên 3 tỷ đồng ủng hộ từ thiện, nhân đạo; có 100% xã, phường triển khai xây dựng hương ước, quy ước.

Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong đấu tranh tố giác tội phạm, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc cảm hóa, giáo dục các đối tượng lầm lỗi, hòa nhập với cộng đồng dân cư; vận động con em tham gia nghĩa vụ quân sự. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được cải tiến; ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, tổ hòa giải ở thôn, làng, tổ dân phố hoạt động có hiệu quả; hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư được tăng cường làm giảm tình trạng đơn thư, khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn. Kết quả tự phân loại xã, phường, thị trấn thực hiện Pháp lệnh 34/2007/UBTVQH 11 năm 2011 có 55 đơn vị đạt loại tốt, chiếm 24,8%; khá: 72, chiếm 32,4%; trung bình: 80, chiếm 36%; yếu: 15, chiếm 6,8%.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đã chủ động xây dựng quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị; quy chế phối hợp giữa công đoàn cơ sở với lãnh đạo cơ quan; quy chế làm việc của ban thanh tra nhân dân, quy chế hoạt động của ban chấp hành công đoàn; quy chế làm việc của thủ trưởng cơ quan… Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức hội nghị cán bộ, công nhân viên chức để lấy ý kiến xây dựng các quy chế, quy định và những nội dung liên quan trực tiếp đến lợi ích của cán bộ, công chức trong cơ quan; đồng thời những thắc mắc trong nội bộ cơ quan, đơn vị được thủ trưởng trả lời, giải quyết trực tiếp thông qua đối thoại, công khai kết quả kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân có nhiều chuyển biến. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị thành lập ban thanh tra nhân dân, trong đó có 70% ban thanh tra tại cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò và trách nhiệm. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng tinh giảm được các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện thường xuyên, kịp thời, công khai, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kết quả tự phân loại có 392 cơ quan, đơn vị đạt loại tốt, chiếm 41,5%; khá: 433, chiếm 45,9%; trung bình: 119, chiếm 12,6%.

Các doanh nghiệp đã phát huy trách nhiệm và sức sáng tạo của cá nhân, tập thể lao động trong phong trào thi đua yêu nước; tinh thần đoàn kết đấu tranh xây dựng nội bộ được tăng cường; các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công nhân và người lao động được đảm bảo, vai trò của các tổ chức trong từng doanh nghiệp được nâng cao; tổ chức và hoạt động của ban chỉ đạo, ban thanh tra nhân dân được phát huy, góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2011, qua phân loại có 19 đạt loại tốt, chiếm 34,5%; khá: 23, chiếm 41,8%; trung bình: 13, chiếm 23,6%.

Đến nay có 70,1% số công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn trên địa bàn tỉnh thành lập tổ chức công đoàn thực hiện chế độ công khai, lấy ý kiến và giám sát thực hiện các nội dung có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động và trên 70% doanh nghiệp thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần xây dựng, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị; giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo hoàn thiện hơn về phẩm chất chính trị, năng lực công tác và lòng nhiệt thành đối với trách nhiệm được Đảng và Nhà nước phân công. Chính quyền các cấp đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ, thiếu thống nhất; vai trò, trách nhiệm đại diện quyền lợi và nghĩa vụ cho người lao động của một số tổ chức công đoàn, nhất là trong các doanh nghiệp chưa thể hiện rõ; việc củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở một số xã, phường, thị trấn chưa kịp thời; chưa xây dựng chương trình, quy chế hoạt động và phân công thành viên cụ thể; việc tổ chức sơ, tổng kết và chế độ thông tin báo cáo ở một số cơ quan, đơn vị thiếu nghiêm túc, chưa kịp thời.

Năm 2012, để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; ban chỉ đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa nội dung từng nghị định, pháp lệnh đối với từng loại hình cơ sở. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản về quy định thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, làm tốt công tác vận động nhân dân phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội trên từng địa bàn cơ sở; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện cải cách hành chính. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy ước, hương ước ở thôn, làng, tổ dân phố; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở phù hợp với tình hình thực tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về thực hiện quy chế dân chủ; tiếp tục cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…/.

Mai Ca

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất