Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 14/8/2008 21:59'(GMT+7)

Giá trị của một bức họa

 Sự kiện bức tranh Hoa hướng dương và Bác sĩ Gachet của Van Gogh bán đấu giá từ 50 - 80 triệu USD thì không còn ai hiểu ra sao nữa. Rồi đến bức Cậu bé với chiếc tẩu của Picasso gần đây được bán với giá hơn 100 triệu USD tiếng cười trừ đã thay cho sự ngờ vực. Nhiều bạn hỏi không biết bức tranh đẹp thế nào mà giá đắt như vậy. Như thế là theo quan niệm thông thường bức tranh càng đẹp thì giá càng đắt, vậy mà đó là cái đẹp rất khó chiêm ngưỡng, gợi ra sự tò mò hơn là niềm đam mê. Năm 1996, ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khó khăn lắm mới quyết định mua bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí với giá 600 triệu đồng, tương đương 100 nghìn USD lúc đó. Nhiều ý kiến đã phản đối rằng trong khi đồng bào đang trầm luân trong lũ lụt, hạn hán, không nên làm cái việc lãng phí như vậy. May rằng, bức tranh vẫn được mua và đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Câu hỏi tại sao tranh của danh họa lại đắt giá không dễ trả lời. Chắc chắn giá tranh Van Gogh và Picasso luôn đạt kỷ lục không phải vì hai ông vẽ đẹp hơn các danh họa khác. Sự phát triển tự nhiên của đời sống văn hóa và thị trường nghệ thuật đã thúc đẩy giá tranh lên cao đến vậy. Khi đặt nhu cầu ăn ở là quan trọng, không thể hiểu được hiện tượng đó. Vua chúa chẳng thể hiểu được bọn thi sĩ ngông cuồng. Người kinh doanh chẳng thể hiểu đám nghệ sĩ theo đuối cái hư danh phù du. Và dân chúng cũng chẳng thể hiểu được tính tiên lượng và quái dị của nghệ thuật. Khi Van Gogh đi vẽ ngoài đồng ở Hà Lan, người cùng làng đã chặn lại mà nói sao ông không đi cày cuốc mà vẽ vời nhăng nhít như vậy. Khi sống ông cũng chỉ bán được một bức tranh giá 300 quan. Trên thực tế nghệ thuật vừa là vô giá vừa là vô ích, hoặc chẳng có giá trị nhất định. Thang giá trị tính bằng tiền, chung quy là hoạt động của giới kinh doanh nghệ thuật, thấp thì bán cho những trí thức trung lưu, cao thì bán cho cánh tư sản. Và mua cũng không mường tượng được món hàng đắt giá này sẽ đi đến đâu. Nhưng quy luật “Người giàu trồng lau ra mía. Người nghèo trồng củ tía ra củ nâu” làm họ yên tâm. Không chỉ có nghệ thuật mà mọi hoạt động văn hóa thể thao ở các nước phát triển đều là kinh doanh bậc cao, không ô nhiễm, mà “nhất bản vạn lợi”.

Việc đánh giá sáng tạo khoa học và nghệ thuật chỉ như các lao động thông thường dẫn đến sự không hiểu được tại sao các công trình phát minh khoa học và nghệ thuật lại đắt giá, do đó mà không biết thu lời, không trọng hiền tài, và chỉ có khả năng lao động giản đơn. Từ việc giặt vải bông chày vồ và dùng chày khuấy nước, người phương Tây đã nghĩ ra cái máy giặt. Còn nếu không ở phương Đông vẫn cứ giặt bằng tay và chày vồ. Người Việt đã biết giặt sạch bằng bong bóng quả bồ hòn, nhưng lại chả tài nào nghĩ ra xà phòng, ôtô, xe máy, ti vi, tủ lạnh, quạt, bàn là... tóm lại là các tiện nghi công nghiệp sử dụng năng lượng điện, chúng ta tiếp nhận không từ phương Tây, mà không cần sáng chế gì cả. Họ thu lời chán chê từ xuất khẩu công nghiệp đến cho vay tiền, và cao hơn buôn thông tin, tạo ra một khoảng cách giầu nghèo giữa những nước công nghiệp phát triển và còn lại ở những nước đó những tích tụ và hoạt động văn hóa lâu đời đã đẩy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật lên một mức cao chưa từng thấy và dường như là độc quyền ở phương Tây cho dù các giá trị nghệ thuật các dân tộc là không thể so sánh, cũng đều là phản ánh những đời sống xã hội khác nhau. Việc bán những cầu thủ bóng đá như Zidance, Ronaldo quá 50 triệu USD đã từng được coi là sự xỉ nhục những người lao động. Còn việc bán các tác phẩm hội họa đến hàng trăm triệu USD phần là kết quả tất yếu của những nền văn hóa tự xưng là đỉnh cao và chuẩn mực của nhân loại, là sự tích tụ dần dà có chiều sâu của hoạt động văn hóa, phần là giải tỏa những năng lượng thừa của xã hội tư bản giàu có, và sự đam mê điên rồ với các siêu sao. Những quy luật đó không thể và không phổ cập, cho các nền nghệ thuật phương Đông, nhưng có ảnh hưởng kích thích các thị trường nghệ thuật châu á ở mức độ thấp. Ví dụ trong thang giá trị và tiền đối với hội họa, những năm 1996 - 1998 ở Pháp, về thời giá cao nhất là Van Gogh, thấp nhất là Lê Bá Đảng. Và khi thị trường nghệ thuật Âu Mỹ phát đạt thì thị trường nghệ thuật Việt Nam cũng dễ thở.

Khi Van Gogh vẽ Cánh đồng sau cơn mưa, đoàn tàu hỏa nhả khói đên trên cánh đồng sũng nước và xanh ngắt hoa mầu. Cảnh tượng mơ mộng của cái thời tiền công nghiệp đó là một hình ảnh không bao giờ còn được trông thấy nữa. ấy thế mà vào thời Van Gogh không ít người còn dị ứng với tầu hỏa và điện như là một thứ quái vật. Sự lưu giữ đời sống xã hội một cách thấu đạt tình người chỉ có thể thấy trong nghệ thuật, chính là giá trị của tranh Van Gogh. Khi Leonardo vẽ Monalisa với nụ cười bí hiểm, ông đã biểu hiện được vẻ đẹp của trí tuệ con người, cũng sâu thẳm và vô cùng như thiên nhiên. Còn Pịcasso lại là hiện thân của liên tục sáng tạo và liên tục từ bỏ trong suốt thế kỷ 20 vừa qua. Những giá trị nghệ thuật và tư tưởng do các thiên tài đưa ra, có liên quan, nhưng không chặt chẽ đến các mức độ tiền bạc. Nhưng kể cả về mặt tinh thần và tiền bạc nó được đẩy lên bằng mô hình kim tự tháp, mà chóp là các danh nhân châu Âu, sau đó phần giữa và phần đáy mới là các châu lục khác. Dù nền kinh tế các nước khác có phát triển đến đâu, cũng khó lòng đảo lộn cái kim tự tháp này. Sự tăng giá cho một danh họa phụ thuộc phần nào thôi vào thị trường nghệ thuật thế giới, mà trước tiên phụ thuộc vào sự đánh giá của chính dân tộc có danh họa đó. Người Thái Lan, Philippine, Trung Quốc, Nhật Bản đã mua tác phẩm của các họa sĩ của họ tới triệu USD, nhằm bắt phương Tây phải đi theo thang giá đó. Nếu dân tộc không tự đánh giá và mua sáng tác của nghệ sĩ dân tộc mình thật cao thì hy vọng gì vào người khác đánh giá. Nhiều người ở Việt Nam đã có nhiều tiền. Họ đi picnic tốn kém, mua ôtô hàng trăm triệu đồng, mua salon vài nghìn USD. Nhưng nếu bỏ vài nghìn USD mua một bức tranh thì khó khăn lắm. Những đồ công nghiệp như vậy rẻ thối ra ở Âu Mỹ, những triệu phú ở đó chẳng bao giờ xa xỉ như vậy. Nhưng hàng tuần họ đi nghe nhạc giao hưởng, xem ca kịch opera, mua tranh, mua sách, đi du lịch sang các nước có văn hóa cổ lâu đời. Chúng ta đã thoát ra khỏi cảnh thiếu ăn thiếu mặc, nhưng thói quen của kẻ đói rét lâu năm đã giữ chúng ta lại với việc kiếm tiền, ngày ngày bằng mọi cách kiếm cho thật nhiều tiền, cất vào tủ khóa lại và cam phận là kẻ nghèo đói văn hóa.

(Theo Tạp chí Mỹ Thuật)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất