Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 14/8/2008 10:2'(GMT+7)

Quảng Ngãi: Phát huy giá trị lễ hội truyền thống trong xây dựng đời sống văn hoá và phát triển du lịch

Tưởng niệm chiến binh Hoàng Sa ở nhà thờ họ Phạm, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi

Tưởng niệm chiến binh Hoàng Sa ở nhà thờ họ Phạm, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi

Đây là những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, phong tục của các cộng đồng người trong từng làng xã nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần, tâm linh và sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá tiêu biểu ở các làng xã, là yếu tố văn hoá truyền thống có giá trị đặc biệt trong sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sự cộng cảm sâu sắc của mỗi con người đối với quê hương, vì vậy nó có ảnh hưởng sâu sắc đối với mỗi cá nhân, cộng đồng và đời sống văn hoá ở nông thôn nói chung. Hiện nay, theo thống kê bước đầu, toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 40 lễ hội truyền thống, trong đó nhiều lễ hội tiêu biểu, có ảnh hưởng rộng và thu hút nhiều du khách đến tham dự như: Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh, lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn, Tịnh Long, Bình Châu, lễ hội đền Trường Bà (huyện Trà Bồng), lễ hội đâm trâu của các dân tộc Kor, H're, K'dong, lễ tế cá Ông và hát múa bả trạo ở Bình Chánh...

Đặc trưng nổi bật trong sinh hoạt lễ hội của vùng đất Quảng Ngãi là sự giao thoa và tiếp biến văn hoá giữa văn hoá Chămpa và văn hoá Việt diễn ra mạnh mẽ khi người Việt di cư vào khai khẩn và sinh sống tại vùng đất này, quá trình đó đã để lại nhiều giá trị văn hoá truyền thống mang đặc trưng văn hoá của Quảng Ngãi, thông qua các lễ thức trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội và phong tục tập quán của cư dân sống tại các huyện đồng bằng ven biển và miền núi trong tỉnh, đặc biệt là tại huyện đảo Lý Sơn. Một số lễ hội có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử và nhân văn được tổ chức thường niên, có quy mô và tầm ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm linh đối với cộng đồng như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn, Lễ ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh, Lễ hội đền Trường Bà (Trà Bồng)... Những lễ hội này được tổ chức trang trọng, kéo dài trong nhiều ngày với nhiều lễ thức tín ngưỡng phong phú, mang nét đặc trưng văn hoá truyền thống của người Việt, là tiềm năng để phát triển du lịch Quảng Ngãi trên cơ sở khai thác các giá trị văn hoá và nhân văn kết hợp với du lịch sinh thái biển đảo.

Ngoài ra ở Quảng Ngãi, những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt còn được lưu giữ khá đậm nét ở từng tộc họ thông qua lễ hội cúng tiền hiền hoặc lễ giỗ họ. Hiện nay tại các địa phương trong tỉnh, nhiều tộc họ hằng năm đều tổ chức lễ tế tiền hiền tại nhà thờ tiền hiền của làng hoặc lễ giỗ họ của từng tộc họ mang ý nghĩa thờ cúng tổ tiên và thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", qua đó giáo dục truyền thống quê hương, tộc họ và thế hệ cha ông đi trước trong sự nghiệp khai phá xây dựng quê hương. Tiêu biểu có các lễ hội tưởng nhớ các nhân vật lịch sử do tộc họ tổ chức: Lễ hội đền thờ Bùi Tá Hán, lễ tế tiền hiền mở đất lập làng tại các nhà thờ Trần Cẩm (xã Đức Chánh - Mộ Đức), lễ tế tiền hiền Nguyễn Mậu Phó (thôn Tú Sơn, xã Đức Tân - Mộ Đức), lễ tế tiền hiền tại các làng An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn)... Đặc biệt, ở huyện Lý Sơn hằng năm các tộc họ trên đảo đều tổ chức lễ cúng việc lề - một dạng giỗ họ, để tưởng nhớ tổ tiên và thắt chặt, củng cố mối quan hệ huyết thống gia tộc. Đây là vốn văn hoá dân gian hết sức đặc sắc, quý giá, cần phải được bảo tồn phát huy để phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần cho nhân dân và phát triển loại hình du lịch văn hoá.

Tổ chức lễ hội là nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân làng được bình yên nên thường gắn với các nghi lễ tế thần linh tại các di tích đền miếu thờ thần hoặc có lễ hội được tổ chức trong không gian văn hoá của làng như lễ hội đâm trâu của các dân tộc ở miền núi, nên thu hút đông đảo người dân tham dự và tạo nên sự cộng cảm sâu sắc cũng như cố kết cộng đồng bền chặt thông qua sự hợp tác của các thành viên trong làng để thực hiện các nghi thức trong lễ hội nhằm đạt mục đích chung.

Trong những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức các lễ hội, tiêu biểu có các công trình: Văn hoá dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Lễ hội truyền thống Quảng Ngãi, Văn hoá truyền thống huyện đảo Lý Sơn, Lễ hội đình làng An Hải, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh, Lễ hội cúng cá Ông, văn hoá tín ngưỡng - lễ hội của các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, Lễ hội ăn trâu của dân tộc Kor, K'dong, H're... nhằm nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các lễ hội. Ngoài ra, để phát huy giá trị văn hoá truyền thống, các địa phương và ngành văn hoá đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, với định hướng khai thác các giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh để bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Sự đa dạng và phong phú của các loại hình sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và lễ hội của các tộc người ở Quảng Ngãi đã tạo nên bản sắc văn hoá khá độc đáo, là tiềm năng để địa phương và cơ quan chức năng khơi dậy, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần cho nhân dân và phát triển du lịch./.
CTV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất