Từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã huy động hơn 4.161 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 16,126 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 2.541 tỷ đồng; vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và nguồn khác là 1.027 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 135,9 tỷ đồng. Được ưu tiên nguồn vốn, triển khai xây dựng các công trình theo lộ trình dễ làm trước, khó làm sau và phải được sự đồng thuận, tích cực tham gia vào cuộc, giám sát của nhân dân nên 3 năm qua, nhiều công trình nông thôn mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện; 83/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 15 xã so với năm 2015. Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 18,42 tiêu chí, tăng 1,88 tiêu chí so với năm 2015.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2018, các địa phương đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn lực khác, cứng hóa được 280,6km đường trục xã; 209km đường trục chính giao thông nội đồng; xây mới và cải tạo 24 trung tâm văn hóa xã, 300 nhà văn hóa, sân thể thao thôn; 14 chợ nông thôn mới; 72 trạm y tế xã...Đến nay, toàn tỉnh có 102/112 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 25 xã so với năm 2015; 111/112 xã đạt tiêu chí thủy lợi, tăng 8 xã; 106/112 xã đạt tiêu chí trường học, tăng 15 xã; 96/112 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 26 xã so với năm 2015.
Đặc biệt, để nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã quy hoạch được 1.640ha vùng sản xuất rau an toàn; quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, với gần 1.100 trang trại , 33 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa. Về hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, tỉnh đã hỗ trợ hơn 2.680 tấn giống chất lượng cao, hơn 3.770 con lợn nái ngoại hậu bị; gần 12.500 con bò nái, góp phần nâng cao năng suất, giá trị cây lúa chất lượng cao từ 4,3-13 triệu đồng/ha/vụ; ngô biến đổi gen tăng 4,3 triệu đồng/ha so với giống lúa, ngô thường.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. 3 năm qua, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ học nghề cho hơn 4.200 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho hơn 63.600 lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đây cũng là tiền đề quan trọng để giai đoạn 2016 - 2018, Vĩnh Phúc có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn.
Để hết năm 2019 có 100% xã và đến hết năm 2020 có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến giai đoạn 2019-2020, Vĩnh Phúc dành khoảng 1.333 tỷ đồng cho các địa phương hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Rà soát các chính sách hiện hành và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã, huyện đã được công nhân đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao theo định hướng của Trung ương./.
TG