Trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842, Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do một thuỷ thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu cuả An Nam”.
Trong kỳ trước chúng ta đã xem xét các hải đồ của các nhà hàng hải châu Âu và triều đình phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII thể hiện các đảo ngoài khơi miền Trung Việt Nam dưới cùng một tên gọi Paracels hoặc Dangereux Grounds, không phân biệt rõ đâu là Paracels đâu là Spratlys như chúng ta ngày nay.
Nhận thức và kỹ thuật bản đồ hạn chế thời đó của người An Nam và nước ngoài chưa cho phép phân biệt rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như ngày nay mà đơn giản gọi gộp chung chúng dưới tên gọi Paracels, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa để chỉ dãy cồn cát, đá ngầm dài hàng trăm dặm là mối đe doạ tiềm tàng cho người đi biển.
Ngay cả các sách Trung Quốc cũng ghi nhận cùng nhận thức như vậy.
Chúng ta có thể đọc được điều đó trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842 trong đó Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thuỷ thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”.
Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 quyển III đoạn thuật lại chuyến đi về Quảng Đông bắt đầu đi từ Quảng Nam viết:
“Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau ngày lập thu. Chừng ấy gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4,5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn.
Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn.
Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; Động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là "Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi.
Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Các quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào.
Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ gặp hiểm hoạ Trường Sa".
Đoạn văn mô tả này đã xác nhận việc hành xử chủ quyền của thời Chúa Nguyễn qua hoạt động thu lượm hoá vật của Đội Hoàng Sa.
Tuy các tài liệu và bản đồ nước ngoài thời kỳ này đều quy thuộc Paracels vào Cochinchine (Nam Kỳ) nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: vào thời điểm nào người ta mới phát hiện Paracels và Spratleys là hai quần đảo riêng biệt.
Theo nhiều tác giả chính các thuỷ thủ Anh, thường qua lại trên con đường giữa Malaca và Borneo, đã được coi là những người đầu tiên phân biệt các đảo, đá nhỏ này và đặt tên chúng.
Nước Anh đã từng đưa ra lý do này để yêu sách Spratlys. G. Marston trong bài "Abandonment of territorial claims: the cases of Bauvet and Spratly islands”, BYIL, 1986, tr. 351 (“Sự từ bỏ các yêu sách lãnh thổ: trường hợp của các đảo Bouvet và Spratleys”, Niên giám Luật quốc tế Anh năm 1986) đã nhắc lại sự kiện công hàm ngày 21 tháng 5 năm 1930 của Toà Đại sứ Anh tại Paris, thừa lệnh Chính phủ họ truyền đạt lại Chính phủ Pháp rằng ông Graham, người Mỹ và các ông Simpson và James, người Anh đã đăng ký, vào năm 1877, tại thuộc địa Labuan, yêu sách của họ đối với đảo Trường Sa.
Ngày 13 tháng 12 năm 1878, Chính phủ Anh đã thông báo cho Tổng Lãnh sự Anh tại Borneo rằng họ không có phản đối gì về việc đăng ký tại Tổng Lãnh sự tại Borneo yêu sách của ba công dân trên các đảo này cũng như việc họ kéo cờ Anh lên và do đó các đảo này thuộc lãnh thổ Anh quốc, trừ phi hoàng gia từ bỏ chúng một cách dứt khoát. Người Anh cũng khẳng định Tàu đánh cá voi của Anh Cyrus đã phát hiện ra Spratleys vào năm 1843.
|
Tuy nhiên đây đều là các bằng chứng dựa trên sự chiếm hữu cá nhân. Chính vì vậy, vào năm 1939, Chính phủ Anh đã chính thức thông báo không duy trì yêu sách chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
Theo thông tin kể trên, chỉ vào đầu thế kỷ XIX, các nhà hàng hải mới phân biệt rõ hai quần đảo Paracels và Spratlys.
Năm 1993, tác giả bài này đã có dịp tiếp xúc với tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia Pháp, ký hiệu Mar. B 4/278, tr. 192-193 về cuộc khảo sát của Kergariou-Locmaria cùng bản đồ hành trình.
Căn cứ vao bản đồ và lời văn đây có nhẽ lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải, hai quần đảo này đã phân biệt rõ ràng.
“Tôi rời Macao ngày 29 tháng 4 năm 1788, trời xanh, biển lặng. Tôi nghĩ rằng, khi đi cắt sẽ bị ngược gió và nước; nhưng khi bị dạt không ngờ tới về phía bờ biển Cochinchine (Nam Kỳ) ngày 8 tháng 5 ở khoảng cách mà tôi tìm kiếm nhóm đảo có tên Đuôi Rồng Scorpion, sau khi dứt khoát đã đi qua Paracels, do gió lặng, trời xanh, biển nước một màu, trong suốt đến đáy, không thấy các đá ngầm có ghi trên hải đồ…
Được khích lệ bởi thời tiết trời biển thuận hoà, tôi đã phát hiện ra một nhóm nhiều đảo chưa từng thấy trên bất kỳ hải đồ nào cả mới cả cũ, mà tôi đã quan sát các điểm chính trên hải trình của người Anh, tuy không theo kỹ. Tôi đã hoàn toàn dứt ra khỏi các đảo này khi tôi đi đến gần bờ biển của đảo Borneo…”.
Phát hiện này đã bị lãng quên và trong các sách báo vẫn ghi nhận người Anh là những người đầu tiên phát hiện và ghi tên quần đảo Spratlys lên bản đồ thế giới.
Thế nhưng sự kiện này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.
Trước năm 1843, rất nhiều bản đồ và tài liệu của phương Tây, Việt Nam và Trung Quốc đã ghi nhận chủ quyền của các đảo đó thuộc về Việt Nam.
Đại Nam Nhất Thống toàn đồ, in năm 1838 thời Vua Minh Mạng đã thể hiện rõ sự thật lịch sự theo đúng nhận biết của các nhà hàng hải thế giới thời kỳ đó.
TS. Nguyễn Hồng Thao (VIetNamNet)