Nếu tính về số lượng, thì có lẽ chưa bao giờ đời sống nghệ thuật chuyên nghiệp lại tưng bừng như hiện nay, với rất nhiều giải thưởng ở cấp quốc gia, cho hầu hết các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, có loại hình, như âm nhạc, đến vài chục giải thưởng được tổ chức định kỳ. Nhưng, nếu để tìm chọn trong số đó một vài giải thưởng thật sự có tác động tích cực đến đời sống nghệ thuật và công chúng, lại là điều cần phải suy nghĩ...
Sự "bùng nổ" số lượng các giải thưởng nghệ thuật mới chỉ diễn ra trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đi liền với sự phát triển ngày càng sôi động của đời sống nghệ thuật. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các giải thưởng nghệ thuật, với những tiêu chí và cách thức tổ chức học theo cách của các nền công nghiệp giải trí phát triển, đã góp phần mở thêm những cánh cửa mới cho công chúng, cho cả những ai đam mê, muốn cống hiến cho nghệ thuật. Ðó cũng là dấu hiệu cho thấy nền công nghiệp giải trí Việt Nam đang manh nha hình thành.
Trên thực tế, tập trung nhiều nhất số lượng các giải thưởng chính là những loại hình nghệ thuật đang được đông đảo công chúng yêu thích, nhất là công chúng trẻ. Nói một cách khác, thì việc ra đời những giải thưởng ít nhiều hướng đến mục đích thu hút sự chú ý của công chúng, và qua đó, bằng việc tìm kiếm, tôn vinh những tài năng nghệ thuật, sẽ tạo nên lợi nhuận dưới nhiều hình thức cho đơn vị tổ chức.
Không thể phủ nhận, rất nhiều giải thưởng mới, trong giai đoạn đầu, đã tạo được dấu ấn đáng kể, thu hút sự chú ý của công chúng, tìm kiếm và phát hiện, trở thành bệ phóng của nhiều tài năng trẻ vẫn đang tiếp tục chiếm vị trí không dễ thay thế cho đến tận hôm nay, như Làn sóng xanh, Bài hát Việt, VTV Bài hát tôi yêu... ở thời kỳ sung sức nhất, nhìn vào một số giải thưởng, có thể hình dung phần nào diện mạo của một loại hình nghệ thuật trong một giai đoạn. Tiếc là, những bước đi rất tích cực và chuyên nghiệp đó, lại không dài. Hầu hết các giải thưởng uy tín nhất, dù được đầu tư công phu và bài bản, ngay cả khi gặt hái thành công ngoài mong đợi, lại không duy trì được phong độ, mà "xuống sức" rất nhanh, và buộc phải tìm kiếm thêm những hình thức hỗ trợ, hoặc dừng lại. Uy tín và lâu năm nhất, từng có thời được coi là "hàn thử biểu" của thị trường ca nhạc, băng đĩa, giải thưởng Làn sóng xanh (năm thứ 15) đang tiếp tục "rơi tự do" với những nghi vấn và bất bình của công chúng về cách thức và kết quả bình chọn. Nếu không có những điều chỉnh hiệu quả và quyết liệt, thì công chúng sẽ quay lưng hoàn toàn với giải thưởng này.
Bền bỉ, nhưng ngày càng lặng lẽ, chính là các giải thưởng của các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Ðược tổ chức định kỳ 5 năm một lần, từng có thời, đó chính là những bệ phóng duy nhất và hiệu quả cho nhiều nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ. Những tấm huy chương được trao tặng thật sự là những "cân đo đong đếm" cẩn trọng của những vị giám khảo tài năng và hết mực công tâm, vì nghệ thuật. Sự vinh danh, vì thế, là dấu ấn lớn đối với cả bạn nghề, và công chúng. Bước ra khỏi giải thưởng, những tác phẩm vẫn tiếp tục có đời sống. Những tên tuổi được vinh danh, hầu hết đều tiếp tục hành trình sáng tạo, với những nấc thang mới trong sự nghiệp. Nhưng, chuyện đó... xưa rồi. Nhiều kỳ hội diễn nghệ thuật toàn quốc gần đây, công chúng đã quen với những... cơn mưa huy chương, với những giải thưởng đồng hạng cho tác phẩm. Ngay chính các nghệ sĩ cũng chỉ coi hội diễn như là dịp để tìm kiếm huy chương, nhằm lấp đầy bảng kê khai thành tích xin phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Thế nên, nhiều tác phẩm giành giải vàng hội diễn, rồi... lặng lẽ cất kho. Người trong nghề thì bảo: Làm tác phẩm đi hội diễn là theo "gu" của ban giám khảo. Hay giải vàng điện ảnh thường được trân trọng trao cho tác phẩm của dòng phim nghệ thuật, và những người làm nghề lại tự an ủi: Phim ấy kén người xem.
Nhìn một cách công bằng, giải thưởng không có lỗi. Giải thưởng chỉ hình thành trên cơ sở của một đời sống nghệ thuật phát triển. Và trong chiều hướng tác động tương hỗ, việc hình thành nên các giải thưởng còn là động lực khích lệ nghệ sĩ dồn tâm sức sáng tạo để khẳng định mình.
Thế nên, sự sa sút hay thiếu sức hấp dẫn của hầu hết các giải thưởng chịu những tác động từ nhiều phía. Nhưng, trong rất nhiều nguyên nhân, thì sự thiếu chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức, không kiên trì với hướng đi dài hơi, mà dễ bị tác động và chi phối bởi những lợi ích ngắn hạn của những người chịu trách nhiệm tổ chức được xem là yếu tố có ý nghĩa lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của giải thưởng.
Giấc mơ Ô-xca có lẽ vẫn còn là quá xa xôi đối với điện ảnh nước nhà, song, nhìn vào cách thức tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp, với những tôn vinh dành cho những tác phẩm, nghệ sĩ thật sự xứng đáng của giải thưởng luôn thu hút hàng chục triệu người theo dõi lễ trao giải này, những người đã, đang và sẽ tạo nên những giải thưởng nghệ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam cũng có thể học hỏi được nhiều điều. Ðể những giải thưởng thật sự là tấm gương phản ánh đời sống nghệ thuật chuyên nghiệp một cách khách quan, công tâm và sinh động nhất.
Theo Nhân Dân