Thứ Hai, 7/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 4/7/2016 9:13'(GMT+7)

Giảm phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn

Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là đúng đắn và cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn, thành phố Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông; các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông, nhưng việc đi lại trên địa bàn thành phố vẫn khó khăn, lộn xộn, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân chính là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy và xe ô-tô con quá lớn, tốc độ tăng quá nhanh. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có năm triệu xe máy, 500 nghìn xe ô-tô con. Với tốc độ tăng khoảng 10%/năm, ước tính đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 11 triệu xe máy và ô-tô con, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng. Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị. Đến năm 2020, dù thành phố có đạt được chỉ tiêu tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 13% đất đô thị như Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đề ra, thì vẫn kém xa so với tỷ lệ yêu cầu là từ 20% đến 26% trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội.

Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở TP Hồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp ở hai địa bàn trọng điểm này. Chính vì vậy, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành chức năng thí điểm việc hạn chế, hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe mô-tô, xe gắn máy trên một số tuyến phố trong đô thị, nhằm giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về tính khả thi của đề án giảm phương tiện giao thông cá nhân. Trước đây, không ít lần Hà Nội đề xuất xe biển số chẵn đi ngày chẵn, xe biển số lẻ đi ngày lẻ, cho thuê xe đạp công cộng, thí điểm tạm ngừng đăng ký xe máy tại bốn quận nội thành..., nhưng tất cả đề án này đều nhanh chóng bị “phá sản”, bởi đó không phải là những giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, chưa kể, các đề án đó không phù hợp thói quen của người dân và điều kiện hạ tầng thành phố. Nhiều người dân lo ngại, không biết sẽ sử dụng phương tiện gì để đi lại nếu không được sử dụng xe máy, trong điều kiện hạ tầng đô thị, phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế.

Lần này, Hà Nội xây dựng lộ trình thực hiện một cách thận trọng hơn, chủ yếu dùng các giải pháp “xây để chống”. Thành phố đã giao cho Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để giảm phương tiện giao thông cá nhân, bảo đảm các nguyên tắc như tuân thủ các quy định của pháp luật, ưu tiên phát triển phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, không cấm người dân sở hữu các phương tiện giao thông cá nhân mà chỉ hạn chế người dân sử dụng phương tiện đó tại các khu vực không bảo đảm điều kiện hoạt động, kết hợp hài hòa việc áp dụng các giải pháp quản lý hành chính và kinh tế đối với chủ phương tiện giao thông cá nhân.

Để giảm việc sử dụng xe máy, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng tám tuyến tàu điện ngầm, hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ, tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sử dụng xe máy của người dân khi tham gia giao thông,... phấn đấu đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2025 đáp ứng từ 35% đến 40% nhu cầu. Cũng là cần thiết và hợp lý khi xem xét áp dụng các kinh nghiệm tốt của các quốc gia khác để hạn chế dần phương tiện cá nhân bằng thu phí bảo vệ môi trường cao, thuế đường, cấp hạn ngạch lưu hành, chứng nhận sở hữu xe, đánh thuế giờ cao điểm,...

Viễn cảnh mở ra rất đẹp, nhưng để thực hiện cần nguồn vốn ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng và sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Người dân cũng phải chung tay cùng chính quyền để thay đổi quan niệm và thói quen. Rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng nếu không quyết tâm làm, thì tình trạng ùn tắc, quá tải giao thông sẽ không bao giờ được khắc phục, không thể thay đổi diện mạo hai đô thị lớn của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại.

Kiều Hương/Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất