Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 12/12/2014 9:37'(GMT+7)

Giao lưu trực tuyến: "Dịch vụ y tế công và người bệnh"

(Ảnh: Thanh Hải)

(Ảnh: Thanh Hải)

Tình trạng quá tải, nằm ghép; thủ tục hành chính phức tạp; nhân viên y tế thiếu nụ cười; tình trạng phân biệt đối xử giữa bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu; nguy cơ nhiễm chéo, từ một bệnh nhiễm thêm mầm bệnh tại nơi điều trị khiến tình trạng bệnh trở nặng... là thực trạng nhiều năm qua tại một số bệnh viện công lập.

Trước thực tế đó, hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng điều trị trong khu vực y tế công đã được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai nhằm giảm tải, giảm nằm ghép; chống nhiễm chéo, tăng cường an toàn người bệnh.

Các hoạt động này được đặc biệt chú trọng tại các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được khám chữa bệnh thuận lợi với chất lượng được đảm bảo.

Chương trình Giao lưu trực tuyến “Dịch vụ y tế công và người bệnh” được Báo Thanh Niên, Bộ Y tế tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 11/12 tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với sự tham dự của các khách mời là những nhà quản lý, các chuyên gia của Bộ Y tế, của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương, Nhi Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Buổi trực tuyến bên cạnh việc phản ánh những khó khăn của các bệnh viện công trong hoat động khám chữa bệnh; chia sẻ kết quả bước đầu trong nâng cao chất lượng y tế công về tinh thần phục vụ và chuyên môn còn thông tin đến cộng đồng về những dịch vụ mới trong khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh tại một số bệnh viện đầu ngành thuộc Bộ Y tế và bệnh viện tuyến cơ sở để người dân được biết và tiếp cận.

Buổi giao lưu với sự có mặt của các chuyên gia, các nhà quản lý y tế trong các bệnh viện công sẽ tiếp nhận phản ánh từ người dân về những tồn tại trong bệnh viện công lập, từ đó tiếp tục khắc phục. Dịp này, một số thành công từ nỗ lực của bệnh viện tuyến dưới trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hỗ trợ giảm tải tuyến trên qua các chương trình: bệnh viện vệ tinh; chương trình 1816 bác sĩ về tuyến dưới công tác cũng sẽ được chuyển tải đầy đủ hơn, toàn diện hơn./.

Dưới đây là những nội dung trong chương trình Giao lưu trực tuyến

* Tôi có con khám lâu dài về bệnh chuyển hóa tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cứ hai tháng, bệnh viện yêu cầu chuyển bảo hiểm y tế 1 lần, trong khi theo tôi biết, hạn chuyển bảo hiểm y tế trong 12 tháng. Vì sao bệnh viện lại có yêu cầu riêng như vậy?

- PGS. TS. Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:

Hiện nay trong danh mục các bệnh mãn tính, bảo hiểm y tế cho phép sử dụng giấy chuyển viện trong 1 năm cho danh mục 33 bệnh mãn tính, trong đó chưa có bệnh rối loạn chuyển hóa của con bạn. Đây cũng là một bệnh bẩm sinh phải chữa kéo dài nên chúng tôi đang trong quá trình đề nghị thêm danh sách bệnh lên bảo hiểm y tế để được phép sử dụng giấy chuyển viện trong 1 năm.

Hiện tại, các bệnh chưa có trong danh mục thì mỗi lần giấy chuyển viện chỉ có giá trị 1 lần hoặc lần thứ 2, khi có giấy hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

* Nhiễm chéo trong bệnh viện là vấn đề quá nóng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tại bệnh viện, tình trạng này đã được khắc phục như thế nào?

- GS. TS. Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:

Nhiễm khuẩn chéo là vấn đề rất lớn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối có nhiều giường hồi sức cấp cứu.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối nên các bệnh nhi điều trị rất nặng, bệnh khó, nhỏ tuổi, tình trạng miễn dịch kém, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao.

Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã đưa tiêu chí chống nhiễm khuẩn bệnh viện là tiêu chí thi đua của các khoa phòng.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thành lập từ năm 1997 là đơn vị chịu trách nhiệm điều phối tổ chức hoạt động, phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Bệnh viện có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, hoạt động thường xuyên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cập nhật và ban hành nhiều hướng dẫn thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, như thực hành chăm sóc bệnh nhân thở máy, thực hành chăm sóc ống thông mạch máu, chiến lược vệ sinh bàn tay vì sự an toàn của người bệnh.

Hệ thống giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện hoạt động liên tục, phản ánh thường xuyên số liệu về tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện của các khoa phòng và thông qua các hoạt động trên để thực hành giảm nhiễm khuẩn bệnh viện.

* Tôi thấy các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương thường kê các thuốc kháng sinh mạnh, thế hệ mới, điều này khiến cho các cháu không thể quay lại sử dụng các thuốc “nhẹ” hơn. Có phải bệnh viện tuyến Trung ương là được kê đơn thuốc mới, chi phí lớn không?

- PGS. TS. Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương:

Chúng tôi không lạm dụng kháng sinh. Bệnh viện luôn kiểm soát việc kê đơn của bác sĩ thông qua hệ thống in đơn điện tử và bình đơn trong các buổi giao ban. Kháng sinh phải kê đơn theo phác đồ điều trị của bệnh viện.

Tuy nhiên, bệnh viện chúng tôi là tuyến cuối của hệ thống nhi khoa, các bệnh nhân chuyển lên chủ yếu là bệnh nhân nặng đã được điều trị tại các tuyến dưới mà không khỏi, do đó chúng tôi phải dựa vào các bằng chứng lâm sàng, xét nghiệm, kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc tốt nhất, chữa trị cho bệnh nhân.

Mục tiêu của bệnh viện là hướng đến đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công bằng trong khám và chữa bệnh cho trẻ em.

* Tôi đọc báo thấy Bệnh viện Nội tiết Trung ương có nhiều bác sĩ nước ngoài đến học kỹ thuật phẫu thuật mổ nội soi điều trị bướu cổ. Vậy kỹ thuật này đã được chuyển giao cho cơ sở điều trị khác ngay trong nước hay chưa?


- Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương:

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Lương đã cải tiến phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp và đã được những nhà chuyên môn không chỉ Việt Nam mà trên thế giới đánh giá cao.

Phương pháp cải tiến được mang tên “Dr.Luong”. Trong những năm qua đã có rất nhiều nhà ngoại khoa đến từ các nước đông nam Á, châu Á, châu Âu đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để học tập phương pháp phẫu thuật này. Trong nước, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Lương đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho các bác sĩ phẫu thuật của các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh trên toàn quốc về phương pháp phẫu thuật tuyến giáp, đặc biệt là phẫu thuật nội soi tuyến giáp.

Hiện nay, đã có rất nhiều bệnh viện không chỉ phía Bắc và miền Trung mà cả những bệnh viện lớn ở phía Nam như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, Kiên Giang ở phía Nam cũng đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi của phó giáo sư, tiến sĩ Lương.

* Tôi từng đi khám ở Bệnh viện Nội tiết, tôi thấy có bác sĩ rất tận tình, cẩn thận nhưng vẫn còn tình trạng khám “cấp tốc”, hình như chủ yếu phụ thuộc vào xét nghiệm. Bệnh viện có cho rằng, hiện tại chất lượng khám của đơn vị mình đã được đảm bảo yêu cầu cho điều trị hay không?

- Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương:

Chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương được bảo đảm và không ngừng được nâng cao. Do đặc thù bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thường xuyên tái khám và nhịn đói khi đi khám, vì vậy, bệnh viện cố gắng giảm thời gian chờ đợi, thời gian khám ban đầu cho bệnh nhân, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh viện có quy định khám, xét nghiệm cụ thể đối với từng bệnh, từng giai đoạn tái khám; đã áp dụng hệ thống máy tính phục vụ công tác khám chữa bệnh nên các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng, kê đơn thuốc đều thực hiện trên mạng, giúp thời gian khám nhanh hơn rất nhiều so với các thao tác thủ công trước đây.

Mặt khác, các kết quả khám bệnh, đơn thuốc các lần khám trước đều được lưu đầy đủ trong sổ khám bệnh. Các xét nghiệm cận lâm sàng khác nếu cần sẽ được chỉ định thêm khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường. Điều này giúp các bác sĩ khám nhanh hơn nhưng không bị bỏ sót các yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.

Bệnh viện chỉ cho phép các bác sĩ có có kinh nghiệm, chuyên môn cao mới được ra phòng khám để khám bệnh.

Tại phòng khám 2 cơ sở đều có phòng đo huyết áp, cân nặng, chiều cao cho bệnh nhân; hướng dẫn bệnh nhân tiêm insulin (nếu có).

Ngoài ra, bệnh viện có phòng tư vấn dinh dưỡng. Khi bệnh nhân cần phải tư vấn về chế độ dinh dưỡng và tập luyện, bác sĩ phòng khám sẽ chỉ định ra phòng tư vấn để được hướng dẫn đầy đủ hơn, mỗi bệnh nhân được tư vấn ít nhất 30 phút.

Việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nội tiết chuyển hóa, ngoài việc khám lâm sàng của bác sĩ, còn phải dựa nhiều vào các kết quả cận lâm sàng, như đường huyết, mỡ máu, chức năng gan thận… Vì vậy, khám ban đầu chỉ mới định hướng cho bác sĩ cần thiết đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán và điều trị bệnh. Sau khi có kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh, hướng dẫn, tư vấn bệnh nhân điều trị. Do vậy, sau khi có đơn điều trị, công tác khám bệnh mới kết thúc.

Bệnh viện thường xuyên kiểm tra công tác khám bệnh của các bác sĩ cũng như phản ánh của bệnh nhân để có các xử lý kịp thời.

* Tôi thấy dinh dưỡng với bệnh nhân mắc đái tháo đường rất quan trọng, nhưng Bệnh viện Nội tiết Trung ương chưa chú trọng về vấn đề này với các bệnh nhân nội trú, bệnh nhân vẫn tự lo bữa ăn khi nằm viện?

- Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương:

Chế độ dinh dưỡng, tập luyện đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy, bệnh viện hết sức quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của người bệnh. Bệnh viện có riêng Phòng tư vấn dinh dưỡng để người bệnh hiểu sâu về dinh dưỡng, luyện tập để có thể tự lựa chọn thực phẩm phù hợp với thói quen, tình trạng bệnh lý của mình. Việc tư vấn này không chỉ để phục vụ khi người bệnh nằm viện mà để người bệnh còn biết thực hiện khi ra viện.

Hiện tại, bệnh viện chưa cung cấp được phần ăn cho người bệnh nội trú do cơ sở vật chất còn hạn chế. Cơ sở Thái Thịnh xuống cấp, bệnh viện đang có kế hoạch xây dựng lại. Cơ sở Tứ Hiệp hiện đang hoàn thành nhà điều trị 9 tầng. Sau khi hoàn thành nhà 9 tầng, bệnh viện đã có kế hoạch sẽ thực hiện việc cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh. Vì đây cũng là nhiệm vụ của bệnh viện.

* Thuốc điều trị đái tháo đường có chi phí khá cao, bệnh viện có biện pháp nào để thuốc vào bệnh viện được kiểm soát giá ở mức hợp lý nhất?

- Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương:

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, giá cả và chất lượng phải được lựa chọn đi đôi với nhau. Bệnh nhân bị đái tháo đường không chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà còn có các thuốc điều trị đi kèm như huyết áp, mỡ máu... Nếu bệnh nhân bị lâu năm, nhiều biến chứng thì đòi hỏi phải phối hợp nhiều nhóm thuốc nên chi phí cho thuốc tăng lên. Còn những bệnh nhân chưa có biến chứng thì việc điều trị bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện rất quan trọng, lượng thuốc sử dụng không nhiều.

Thuốc vào bệnh viện thực hiện đúng quy định của đấu thầu. Hiện nay thông tư mới về đấu thầu (Thông tư 01) đã giúp các thuốc trúng thầu tại bệnh viện giảm chi phí hơn. Hơn nữa, Hội đồng thuốc và điều trị tham mưu cho bệnh viện trong lựa chọn danh mục thuốc đấu thầu theo tên Generic để thực hiện đấu thầu cũng giúp cho giá thuốc giảm nhiều.

Ngoài ra, bệnh viện chúng tôi ưu tiên xây dựng một tên hoạt chất trong nhiều nhóm thuốc nhằm tăng tính cạnh tranh, giúp bác sĩ có nhiều lựa chọn, cuối cùng giảm được tổng chi phí điều trị; đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ưu tiên sử dụng thuốc nội trong điều trị bệnh.

* Bệnh viện Nội tiết là nơi đầu ngành có nỗ lực nào để nâng cao chất lượng khám chẩn đoán và trị bệnh về nội tiết và đái tháo đường tại các bệnh viện tuyến dưới hay không?

- Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương:

Bệnh viện Nội tiết Trung ương không chỉ là bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực nội tiết -chuyển hóa mà còn quản lý hệ thống nội tiết toàn quốc, bao gồm các bệnh viện nội tiết, Trung tâm nội tiết Nội tiết tuyến tỉnh, để cùng tham gia khám chữa bệnh trong lĩnh vực này. Do vậy, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới là nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng tôi, với rất nhiều hoạt động cụ thể.

* Sau khi sửa đổi quy định về bảo hiểm y tế, có còn tồn tại việc khám đúng tuyến và trái tuyến nữa không? Trong bệnh viện còn phân biệt khám bảo hiểm và khám thường không? Khám bảo hiểm còn bị hạn chế về các loại xét nghiệm và các loại thuốc khi bác sĩ kê toa nữa không? Đã có quy định "Bảo hiểm y tế trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc, nhằm thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân" mà còn tồn tại những việc trên thì bảo hiểm y tế cũng chỉ là hình thức. Tham gia cũng chỉ vì "bắt buộc".


- Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1.1.2015, quy định hướng dẫn một số nội dung của luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 37/2014/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh và thông tư quy định danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế. Vì vậy, độc giả có thể tìm đọc các quy định và thông tư Bộ Y tế đã ban hành.  

* Tôi thấy tỷ lệ bệnh viện đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện cao, nhưng thực tế, bệnh nhân vẫn rất vất vả khi làm thủ tục khám chữa bệnh. Có phải bệnh viện nào càng quá tải, công suất giường bệnh càng cao thì càng có nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn hay không?


- Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):


Từ năm 2011 trở về trước, Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đánh giá bệnh viện hàng năm. Trên cơ sở kết quả đó để xem xét, công nhận danh hiệu bệnh viện xuất sắc toàn diện.

Tuy nhiên, có bệnh viện đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện nhưng còn tình trạng quá tải, làm bệnh nhân vất vả khi làm thủ tục khám chữa bệnh đúng như bạn nêu. Để khắc phục, từ năm 2012, Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo thay đổi phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện, thông qua bộ tiêu chí (83 tiêu chí) đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện của Việt Nam hiện nay đang ở đâu, để từ đó có những giải pháp phù hợp cho việc phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

* Tai biến sản khoa xảy ra liên tục tại bệnh viện tuyến dưới, ở các tỉnh, huyện. Bộ Y tế có giải pháp gì để giảm thiểu thực trạng này?

- Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):


Tai biến trong chữa bệnh, khám bệnh nói chung và tai biến sản khoa nói riêng là vấn đề hiện nay Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo để khắc phục nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Cụ thể, các bệnh viện có nhiệm vụ tăng cường chất lượng hoạt động chuyên môn như xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, thực hiện đúng các quy chế bệnh viện...; đồng thời, phải quán triệt việc tuân thủ các quy định chuyên môn và tinh thần thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh.

* Bộ Y tế đã xây dựng, nâng cấp nhiều bệnh viện tuyến huyện từ các nguồn vốn nhưng nhân lực còn chưa đáp ứng; có nơi có trang thiết bị nhưng thiết bị chưa được vận hành, gây lãng phí lớn. Bộ Y tế có giải pháp gì khắc phục tình trạng này ?

- Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

Những năm gần đây, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Trước hết là đào tạo, phát triển nhân lực cho y tế cơ sở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa theo nhiều hình thức: cử tuyển, liên thông, trên cơ sở nhu cầu của các địa phương để có nguồn nhân lực lâu dài cho địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua các hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức mới, chuyển giao các gói kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, cử cán bộ xuống các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện tuyến Trung ương xuống tỉnh, bệnh viện tỉnh xuống huyện, bệnh viện huyện xuống xã khám chữa bệnh.

* Bộ Y tế đã triển khai Đề án 1816 về việc tăng cường bác sĩ tuyến trên về công tác tại bệnh viện tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, xin cho biết có kết quả như thế nào? Có bao nhiêu kỹ thuật đã được bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận từ bệnh viện tuyến trên một cách thuần thục?

- Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):


Đề án 1816 về việc luân phiên cán bộ từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với 3 mục tiêu: đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới; đào tạo, nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nhất là vùng núi, vùng sâu vùng xa; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Đề án được thực hiện từ năm 2008 đến nay đã được 6 năm và thu được các kết quả rất đáng khích lệ. 3 mục tiêu của đề án về cơ bản đã được thực hiện. Các bệnh viện tuyến trên đã tổ chức hàng ngàn lớp đào tạo cho hàng chục ngàn cán bộ y tế, chuyển giao được hàng ngàn kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện tốt các kỹ thuật nhận chuyển giao.

Người bệnh được khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến dưới không phải về bệnh viện tuyến trên đã giảm tải bớt cho bệnh viện tuyến trên.

* Tôi thấy Trung tâm phẫu thuật Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai công khai lịch phẫu thuật trên bảng ngay khu vực hành lang, tên bệnh nhân, tên bác sĩ phẫu thuật, ngày giờ mổ, tình trạng sức khỏe sau mổ... Việc này rất rất ít nơi thực hiện, thường chỉ có điều dưỡng của Khoa thông báo miệng cho bệnh nhân và người nhà để chuẩn bị... tiền đóng. Cục Quản lý khám chữa bệnh có yêu cầu việc minh bạch thông tin trên hay không? Có kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện hay không?


- Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):


Rất cảm ơn độc giả Hải Phong, hiện nay theo quy chế, các bệnh viện phải xem xét, bố trí và phê duyệt lịch mổ của tuần tiếp theo, thông báo công khai tại khoa Ngoại và bệnh viện để các khoa phòng liên quan phân công bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia thực hiện ca mổ; đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho ca mổ thành công, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bệnh viện phải thông báo lịch mổ cho người bệnh và đại diện hợp pháp của người bệnh biết để chuẩn bị điều kiện trước khi mổ. Một số bệnh viện lớn của Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, TP.HCM... đã công khai lịch mổ cho người bệnh và gia đình người bệnh biết, rất đáng được khuyến khích. Cục Quản lý khám chữa bệnh ghi nhận câu hỏi của bạn để nghiên cứu, xem xét việc quy định công khai lịch mổ cho người dân biết.

* Tôi thấy nói về điều trị “đích” trong điều trị bệnh ung thư, xin cho biết về phương pháp này? Hiệu quả ra sao? Thuốc cho điều trị “đích” có được thanh toán bảo hiểm y tế không?


- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Điều trị đích là phương pháp điều trị mới nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học, theo đó các thuốc này sẽ nhằm vào các tế bào ung thư để tiêu diệt và ít ảnh hưởng tới tế bào lành. Có thể nói đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao, đặc biệt khi được kết hợp với hóa chất.

Tuy nhiên, việc điều trị phải căn cứ vào từng bệnh và đặc thù theo típ mô bệnh học, giai đoạn... Hiện phần lớn thuốc điều trị đích được thanh toán bảo hiểm y tế, thường là 50%, cá biệt có thuốc hiệu quả cao như retuximab được thanh toán bảo hiểm y tế 100%.

* Đề nghị chuyên gia cho biết, hiện nay tại Viện nghiên cứu phòng chống Ung thư có chương trình nghiên, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân ung thư vú không? Tôi đã bị ung thư vú từ hơn 4 năm nay, qua 2 lần phẫu thuật và vừa xong hóa trị (sau khi phẫu thuật lần 2) cách đây khoảng 4 tháng. Làm sao các bệnh nhân muốn tham gia chương trình cấp thuốc miễn phí có thể biết về các đợt nghiên cứu để đăng ký tham gia?

- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Bên cạnh nghiên cứu về ung thư vú, Viện còn triển khai nghiên cứu với nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, gan..., tùy thuộc vào chương trình hợp tác của Viện với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất, sau khi được sự cho phép của Bộ Y tế. Người bệnh quan tâm có thể tìm hiểu thêm trên trang web: benhvienk.com, hoặc ungbuou.vn, hoặc trực tiếp tới Viện để được giải đáp, tư vấn.

* Tôi thấy thuốc điều trị ung thư trong giai đoạn thử nghiệm được cấp cho bệnh nhân trong các trường hợp tự nguyện tham gia, nhưng cá nhân tôi vẫn băn khoăn về an toàn với người bệnh, đó là: bệnh nặng hơn do tiến triển tất yếu hay do thuốc mới chưa biết hết các nguy cơ? Xin chuyên gia chia sẻ thêm về việc này.


- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Các thuốc được sử dụng trong lâm sàng hiện tại thường là các thuốc trong pha III của nghiên cứu, tức là thuốc đã được thử nghiệm về tính hiệu quả, an toàn ở 2 pha trước đó, nên nếu bệnh tiến triển, có thể khẳng định là do bệnh không đáp ứng được chứ không phải do thuốc.

Các thuốc được sử dụng trong lâm sàng hiện tại thường là các thuốc trong pha III của nghiên cứu, tức là thuốc đã được thử nghiệm về tính hiệu quả, an toàn ở 2 pha trước đó, nên nếu bệnh tiến triển, có thể khẳng định là do bệnh không đáp ứng được chứ không phải do thuốc.

* Thời gian chờ được phẫu thuật tại Bệnh viện K hiện nay là bao lâu? Tại sao bệnh viện không công khai lịch phẫu thuật, lịch xạ trị để bệnh nhân được biết?


- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Thường sau khi vào các khoa ngoại, người bệnh sẽ được các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá toàn trạng, giai đoạn bệnh, bệnh phối hợp... Sau khi có đủ các thông số cần thiết sẽ được hội chẩn trong khoa để xem xét có nên phẫu thuật hay không, nếu có thì sẽ triển khai phương pháp phẫu thuật nào. Nếu được chỉ định phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa về gây mê hồi sức khám để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành gây mê, phẫu thuật...

Như vậy, có thể nói là quy trình hết sức chặt chẽ đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người bệnh. Thời gian chờ phẫu thuật tùy thuộc vào việc hoàn thiện, đánh giá các chỉ số chuyên môn nên không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Lịch phẫu thuật của bệnh nhân được công bố công khai ở bảng niêm yết các khoa.

Khi triển khai cơ sở Tân Triều, chúng tôi đã công khai thời gian làm và có kết quả các loại xét nghiệm như tế bào học, nội soi, xét nghiệm máu... Tới đây sẽ tiếp tục bàn với các khoa điều trị để tiếp tục việc hoàn thiện, công khai các quy trình điều trị.

* Sự thật là Bệnh viện K Trung ương tồn tại “phí ngầm” để được mổ sớm, do nhiều năm qua bị quá tải, nhưng thêm cơ sở mới thì bác sĩ có tăng thêm tương đương hay không? Trình độ chuyên môn được lựa chọn như thế nào? Bởi vì tâm lý chung là bác sĩ mới, ít kinh nghiệm, sợ phẫu thuật có nguy cơ sai sót hơn?


- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Được Bộ Y tế tin tưởng giao cho nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về phòng chống ung thư trong cả nước nên bên cạnh các công việc thường ngày ở bệnh viện, chúng tôi thường xuyên làm công tác tuyến, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho các cơ sở phòng chống ung thư trong các đề án bệnh viện vệ tinh, đề án khu vực sông Hồng...

Mặc dù vất vả như vậy nhưng có thể nói, cán bộ của bệnh viện hết sức vui vẻ, phấn khởi để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được Bộ giao. Nhu cầu cán bộ có thể nói là cấp thiết, tuy nhiên chúng tôi không tuyển dụng ồ ạt mà chủ trương của Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện là tuyển dụng có chất lượng, chuyên môn cao và tinh thần, thái độ tốt, đặc biệt với bệnh nhân ung thư, nhu cầu được chăm sóc, động viên tinh thần là rất lớn.

Chúng tôi cũng xác định việc tuyển dụng, đào tạo cần mang tính kế thừa, liên tục. Trong những năm gần đây, Bộ Y tế liên tục tăng chỉ tiêu biên chế cho bệnh viện, và ở mỗi đợt tuyển biên chế, chúng tôi đều có các hội đồng làm theo đúng luật định.

* Bệnh nhân ung thư vô cùng mệt mỏi về tinh thần và thể chất nhưng đi xạ trị ở Bệnh viện K thì nỗi khổ còn nhân lên, vì mỗi lần vào xạ là phải trả tiền thuê “áo giáp” chống tia xạ, cái áo và cơ sở xạ trị thì xuống cấp; còn áo chống tia xạ, người này mặc xong người khác lại mặc vào. Nỗi khổ của bệnh nhân xạ trị ở khu vực do bảo hiểm y tế chi trả, lãnh đạo Bệnh viện K có biết hay không? Bộ Y tế có biết không? Có cách nào để bệnh nhân đỡ khổ hơn?


- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Trước mắt, trong thời gian chờ triển khai máy xạ trị ở cơ sở Tân Triều, bệnh nhân có chỉ định sẽ được xạ trị ở cơ sở Quán Sứ và Tam Hiệp. Ngoài ra, Bệnh viện K ký hợp tác và chuyển giao chuyên môn về xạ trị cho Viện ung bướu quân đội để giảm tải trong lĩnh vực xạ trị, đồng thời giúp cơ sở bạn từng bước tiếp nhận được kỹ thuật chuyên môn.

Sang năm tới, khi một loạt máy xạ trị được triển khai tại Tân Triều, sẽ giải quyết được cơ bản quá tải trong xạ trị. Về vật tư tiêu hao trong xạ trị, chúng tôi đã đề xuất vào danh mục thanh toán của Bảo hiểm Y tế và đã được Bộ Y tế chấp thuận. Tới đây, các khoản chi vật tư tiêu hao trong xạ trị nói riêng, trong các lĩnh vực khác của ung thư nói chung, sẽ cơ bản được Bảo hiểm Y tế thanh toán.

* Tôi thấy Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều khang trang, bác sĩ, điều dưỡng thân thiện hơn so với K1 và K2 trước đây. Tuy nhiên, tại đây mới chỉ có phẫu thuật và hóa trị, không thực hiện xạ trị. Theo giải thích của nhân viên bệnh viện, nguyên nhân do không có máy móc. Bệnh viện hoạt động đã khoảng 2 năm mà vẫn chưa đồng bộ khiến việc xạ trị vẫn rất vất vả do điều trị chưa đồng bộ. Khi nào sẽ khắc phục được tình trạng trên?

- PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương:

Sự hài lòng của người bệnh dựa trên nhiều yếu tố, cơ bản nhất là hiệu quả về chuyên môn, bên cạnh đó là thái độ ứng xử của cán bộ y tế, cơ sở hạ tầng... Về cơ bản, cán bộ y tế ở 3 cơ sở Bệnh viện đều được đào tạo và trưởng thành từ một cơ sở ban đầu. Từ 19.8.2012, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K đã được triển khai với quy mô 1.000 giường bệnh, đã giảm tải một cách hiệu quả, nhanh chóng cho cơ sở Quán Sứ và Tam Hiệp.

Trong năm 2012, 2013, bệnh viện triển khai chính tại cơ sở Tân Triều trong việc khám bệnh, điều trị nội khoa, ngoại khoa. Vào cuối tháng 12 năm nay, máy xạ trị đầu tiên, hiện đại ngang tầm khu vực sẽ được triển khai tại đây. Bộ Y tế đã có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Bệnh viện để sang năm 2015, sẽ có thêm từ 2 - 4 máy xạ trị nữa cho cơ sở này.

Như vậy, sang năm 2015, sẽ đáp ứng được cơ bản về nhu cầu xạ trị tại cơ sở Tân Triều.

* Đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cho biết việc triển khai ứng dụng kỹ thuật cao tại Trung tâm ung bướu và hiệu quả trong điều trị?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh viện đã đầu tư nhiều kỹ thuật cao ngang tầm các nước trong khu vực và một số kỹ thuật đạt tương đương một số nước phát triển hàng đầu trên thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp…

Các kỹ thuật được thực hiện ở nhiều chuyên khoa như: Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Hóa sinh, Huyết học, Tim mạch; đồng thời, bệnh viện cũng trang bị máy chụp cắt lớp CT 256 dãy, Cộng hưởng từ hạt nhân (MRI), Hệ thống siêu âm trong lòng mạch, Trung tâm nội soi hiện đại; chụp PET/CT và PET/CT mô phỏng xạ trị, Xạ trị gia tốc, Xạ phẫu bằng dao gamma quay…

Hàng ngàn bệnh nhân ung thư đã được áp dụng các kỹ thuật hiện đại và được điều trị hiệu quả với chi phí thấp hơn so với nước ngoài. Rất nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị các kỹ thuật cao, nhiều bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị.

* Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai luôn khẳng định nâng cao chất lượng dịch vụ y tế vì sự hài lòng của người bệnh, vậy những tiêu chí cơ bản nào để khẳng định chất lượng dịch vụ ở y tế công của bệnh viện đáp ứng nhu cầu cơ bản trong khám chữa bệnh cho nhân dân?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Những tiêu chí cơ bản khẳng định chất lượng dịch vụ y tế công tại bệnh viện chúng tôi gồm: nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, trong đó, phấn đấu trên 70% cán bộ nhân viên dưới 50 tuổi sử dụng được tin học...

* Bệnh viện làm thế nào để tăng nguồn thu từ số bệnh nhân đến khám quá tải mà vẫn đảm bảo được đầy đủ quyền lợi cho người bệnh?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong tình trạng quá tải hiện nay, bệnh viện luôn cung ứng đủ thuốc men, trang bị đủ vật tư tiêu hao lẫn thiết bị máy móc, các dịch vụ y tế cho bệnh nhân.

* Viện phí là nguồn thu, tạo kết dư cho hoạt động của bệnh viện, do đó càng đông bệnh nhân thì bệnh viện càng tăng nguồn thu, như vậy có mâu thuẫn về quyền lợi không, khi bệnh viện thực hiện giảm tải?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Hiện nay giá viện phí mới thu 1 phần (chưa thu đủ viện phí). Vì vậy, việc mong muốn giảm tải không hề mâu thuẫn về quyền lợi. Nguồn thu chủ yếu của bệnh viện là từ bệnh nhân khám ngoại trú. Bệnh nhân điều trị nội trú không tăng nguồn thu, nhiều rủi ro, đối tượng được miễn giảm nhiều do bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, bệnh viện vẫn phải đảm bảo thuốc men, các dịch vụ y tế cho bệnh nhân.

* Các bệnh nhân ở xa thường đến bệnh viện từ sớm mong khám sớm để về trong ngày. Bệnh viện có giải pháp nào để tiếp nhận bệnh nhân đến khám sớm hay không?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Các thay đổi cơ bản để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh mà chúng tôi đang áp dụng là thực hiện giảm thủ tục hành chính, tiếp đón người bệnh "một cửa", sử dụng bảng điện tử; đồng thời, tăng thời gian làm việc trong ngày của khoa Khám bệnh (tiếp đón bệnh nhân từ 6 giờ 30 phút, nghỉ khi hết bệnh nhân trong ngày); tăng số phòng khám; đưa các xét nghiệm, thăm dò chức năng thực hiện tại khoa khám bệnh.

* Bộ Y tế từng có các cuộc hội thảo về phối hợp y tế công - tư để giảm tải, đặc biệt là giảm nằm ghép bởi nhiều bệnh viện tư hoạt động dưới tải, chỉ đạt 40 - 50% công suất. Tuy nhiên, thực tế nhiều bệnh viện công vẫn quá tải. Quan điểm của bệnh viện về vấn đề này như thế nào?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Đúng là thực tế hiện nay, công suất của bệnh viện tư hiện tại còn thấp (lãng phí), do người dân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng khám và điều trị của bệnh viện tư.

Để khắc phục tình trạng này, các bệnh viện tư phải nâng cao chất lượng điều trị, nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn. Đồng thời, cần điều chỉnh giá hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Bộ Y tế cũng cần ban hành cơ chế để bệnh viện công có thể kết hợp được với các bệnh viện tư về chuyên môn thì người dân sẽ tin tưởng hơn. Không nên dùng các mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh các vấn đề này.

* Viện Tim mạch của bệnh viện luôn quá tải, nhiều trường hợp đến trong tình trạng cấp cứu, làm sao có thể đảm bảo tất cả các ca cấp cứu đều được xử trí kịp thời?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, bệnh viện đã hỗ trợ Viện Tim mạch trong việc tăng cường trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác cấp cứu (máy thở, máy shock điện, siêu âm…); tăng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước, nâng cao trình độ bác sĩ điều dưỡng phục vụ cấp cứu điều trị. Nhờ vậy, số người làm được các kỹ thuật cao ngày càng tăng.

Ngoài ra, chúng tôi còn làm tốt công tác chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên.

* Xin cho biết kết quả, mức độ thành công của phương pháp can thiệp trong điều trị bệnh tim mạch được ứng dụng tại Bệnh viện Bạch Mai?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Đây là một trong những phương pháp điều trị hiện đại ở Việt Nam cũng như trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch vành, tim bẩm sinh được cứu sống nhờ phương pháp điều trị này. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp can thiệp ngày càng nhanh.

Phương pháp điều trị ít xâm nhập, bệnh nhân không phải nằm viện dài ngày, giảm tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là một trong những kỹ thuật cần nguồn vốn đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ được đào tạo có tay nghề cao.

* Phẫu thuật tim không kháng sinh mà Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng hiệu quả đến đâu?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Ưu điểm của phẫu thuật này là giảm giá thành, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, giảm chi phí bệnh nhân, giảm các tai biến liên quan đến sử dụng kháng sinh, nâng cao ý thức đảm bảo phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện của nhân viên y tế.

* Các ca điều trị thông thường thì bệnh nhân có thể đến bệnh viện tư, nhưng các ca khó, phức tạp thường đến bệnh viện công. Theo ông, bà, có phải chuyên môn của bệnh viện công tốt hơn bệnh viện tư không?


- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Trong thực tế, điều trị bệnh nhân nặng có rất nhiều rủi ro, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao nên các bệnh viện tư, bệnh viện tuyến dưới đều chuyển lên bệnh viện công, bệnh viện tuyến trên.

Tâm lý bệnh nhân khi mắc bệnh nặng cũng muốn đến các bệnh viện lớn, vì bệnh viện lớn có trình độ chuyên môn cao, có trang thiết bị tốt.

* Bệnh viện Bạch Mai có áp dụng việc khoán thu - chi đến từng Khoa, Viện trực thuộc hay không? Nếu có, hình thức này có giúp gì cho củng cố, nâng cao chất lượng điều trị hay chỉ là vấn đề chống thất thoát nguồn thu của bệnh viện?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Thực tế, trong bệnh viện không có khoán thu mà chỉ có hạch toán thu - chi trên từng đơn vị (theo Nghị định 43/CP của Chính phủ) để nâng cao kế toán quản trị. Việc hạch toán thu - chi nhằm giúp cho việc quản lý tài chính được chặt chẽ, Ban giám đốc quản lý bệnh viện được tốt hơn; Tiết kiệm được các khoản chi phí không cần thiết, chống lãng phí; đồng thời, giúp bệnh viện quản lý tài chính tập trung.

Mọi khoản thu - chi trong toàn bệnh viện chịu sự kiểm soát của Phòng Tài chính kế toán, phòng này chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc về các khoản thu chi của bệnh viện.

* Việc sử dụng diện tích bệnh viện công để kê giường dịch vụ thu tiền theo yêu cầu làm tăng tình trạng nằm ghép cho người bệnh có bảo hiểm y tế, người thu nhập thấp hơn, lãnh đạo bệnh viện nghĩ gì về thực tế này?

- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:


Hiện nay, do nhu cầu của xã hội, của mỗi đối tượng là rất đa dạng nên để đáp ứng nguyện vọng của bệnh nhân, Bệnh viện chúng tôi cũng mới chỉ dành một tỷ lệ nhỏ cho giường dịch vụ, đáp ứng một phần nhu cầu của người bệnh.

Hiện tại, bệnh viện chưa có khu điều trị riêng theo yêu cầu, nếu có sẽ rất tốt cho người bệnh, không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.

* Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện đầu ngành về y tế, vậy theo PGS - TS Trần Quyết Tiến thì có xảy ra tình trạng nằm ghép giữa các bệnh nhân không?


- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:


Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía Nam được nhà nước trang bị nhiều máy móc hiện đại, có đội ngũ giáo sư tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành giỏi về chuyên môn, có tinh thần và trách nhiệm phục vụ cao. Vì vậy thường xuyên có tình trạng quá tải. Do đó vấn đề nằm ghép là không thể tránh khỏi.

Hiện nay, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang triển khai các biện pháp chống quá tải, trong đó có xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đề án chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước...

Hy vọng trong những năm tới vấn đề nằm ghép sẽ được giải quyết.

* Theo tôi được biết, hiện nay nhưng bệnh viện công thuộc tuyến huyện thiếu rất nhiều cơ sở vật chất cũng như bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị, vì vậy đa số bệnh nhân luôn có tư tưởng muốn khám và chữa bệnh ở tuyến trên. Vậy theo PGS - TS Trần Quyết Tiến thì chúng ta nên có hướng giải quyết như thế nào để khắc phục tình trạng trên?

- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:


Hướng khắc phục của tình trạng này là nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện tuyến huyện bao gồm yếu tố cơ sở vật chất và con người.

Yếu tố cơ sờ vật chất bao gồm là trang thiết bị, nhà cửa, giường bệnh....

Yếu tố con người: Đủ số lượng nhân lực cần thiết, các bác sĩ và các chuyên gia các ngành có trình độ năng lực đáp ứng được công tác chữa bệnh.

* Tại sao lại có nhiều người hỏi khi vô khám bệnh viện công có bảo hiểm y tế thì làm thủ tục rất khó khăn và nhân viên y tế ít khi cười? Theo PGS - TS Trần Quyết Tiến thì ông nghĩ sao về điều này?

- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Đối với Bệnh viện Chợ Rẫy không có phân biệt đối với đối với bệnh nhân BHYT hay không bảo hiểm y tế: thể hiện là tất các các bệnh nhân đều vào khám chung trong hệ thống khám bệnh. Chỉ khác vấn đề thanh toán tiền, lúc đó do bộ phận tài chính tính toán với bệnh nhân.

* Trong một ngày, bệnh nhân không được khám 2 lần với bệnh viện khác nhau, có phải không? Xin PGS - TS Trần Quyết Tiến cho biết?

 
- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Trong một ngày bệnh nhân có thể khám từ các chuyên khoa khác nhau là việc bình thường của mỗi người dân khi có nhu cầu khám bệnh. Bệnh viện phải đáp ứng nhu cầu đó, đấy là nhiệm vụ và là công việc bình thường của bệnh viện.

* Tôi đi khám bệnh tổng quát ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, vậy tôi có được thanh toán lại một phần nào chi phí khám chữa bệnh không? Nếu có tôi được trừ ngay số tiền miễn giảm hay phải về BHXH địa phương để nhận lại. Rất mong bệnh viện giải đáp?


- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Theo Thông tư số 10/2009/TT-BYT về việc hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, việc khám chữa bệnh phải khám tại cơ sở nơi mình đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Anh/chị khám bệnh tổng quát ở Bệnh viện Chợ Rẫy có được chuyển tuyến hay không ? Vì Bệnh viện Chợ Rẫy không phải là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nên, anh/chị phải thực hiện đúng việc chuyển tuyến điều trị để được hưởng chế độ, chuyển đúng tuyến, quỹ BHYT chi trả 100%, 95%, 80%, tùy theo đối tượng.

Theo Q/Đ số 82/QĐ-BHXH: Trường hợp đến khám chữa bệnh không đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp cấp cứu). Người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh mang chứng từ đến thanh toán trưc tiếp tại cơ quan BHYT hoặc được hưởng ngay theo mức thanh toán cho các trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến phần chi phí trong thời gian này nếu được cơ quan BHXH giám định và xác định mức hưởng ngay tại bệnh viện. Căn cứ theo phân hạng bệnh viện, quỹ BHYT chi trả cho cơ sở khám chữa bệnh nơi điều trị một phần chi phí khám chữa bệnh BHYT, cụ thể như sau:

1/ 70% chi phí KCB tại cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng.

2/ 50% chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II.

3/ 30% chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I hoặc hạng đặc biệt.

Trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, mức chi trả thực hiện theo hướng dẫn tại các điễm (1,2,3) nhưng tối đa không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu chung cho một lần sử dung dịch vụ kỹ thuật cao đó. Phần chi phí chênh lệch còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh.

Vì vậy anh/chị nên liên hệ với BHXH địa phương về vấn đề liên quan việc thanh toán BHYT của anh/chị.   

* Làm thế nào để được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bằng thẻ BHYT tại BV Chợ Rẫy?

- PGS. TS. Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Theo Thông Tư số 10/2009/TT-BYT về việc hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

+ Cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu là:

- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã và tương đương: Trạm y tế xã, bộ phận y tế của các cơ quan, đơn vị, trường hoc.

- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương: Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện đa khoa quận huyện, thị xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa tư nhân….

- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương: Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bệnh viện đa khoa khu vực khu vực thuộc sở Y tế, phòng khám Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố, phòng khám đa khoa tư nhân…

- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương: Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện C Đà Nẵng.

+ Về việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy không thể thực hiện được, vì Bệnh viện Chợ Rẫy là Bệnh viện đa khoa tuyến trung ương chỉ thực hiện việc khám, chuyển tuyến BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.

+ Đối với đối tượng tham gia BHYT thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ theo hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 2.12.2005 của Ban Tổ chức trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện C Đà Nẵng./.

Niên Thanh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất