Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 15/8/2008 14:49'(GMT+7)

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái (Nghệ An)

Thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái (Nghệ An)

Ngày 3-2-2006 tỉnh Nghệ An đã ra quyết định “Ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn phát triển vùng văn hoá dân tộc thiếu số Nghệ An”, nhằm thực hiện chương trình phối hợp số 556 giữa Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Ủy ban Dân tộc Miền núi về việc “Đẩy mạnh công tác bảo tồn phát triển văn hoá thông tin ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số”.
Nhờ sự hỗ trợ của chương trình này, gần hai năm qua nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Nghệ An đã được phục dựng, như công trình “Đền Chín Gian” ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong; “Đền Chiêng Ngàn” ở Quỳ Châu; bảo tồn "Bản Vi" - một bản thuần Thái tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp; bảo tồn "Bản Huồi Thợ - bản thuần Khơ mú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; triển khai đề án “Bảo tồn khèn Bè người Thái” tại huyện Tương Dương; bảo tồn "Làng văn hoá truyền thống của dân tộc Ơđu"; xây dựng thành công kịch bản “Đám cưới cổ truyền thống” ở xã Thạch Giám huyện Tương Dương; kịch bản “Lễ hội Xăng khan” ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu...

Tuy vậy, những công trình đã được phục dựng so với bề dày văn hoá các dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn còn hết sức khiêm tốn. Về văn hoá vật thể, theo thống kê toàn tỉnh hiện nay chỉ có 54 bản của đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống, trong đó có 46 bản Thái, 4 bản Thổ, 2 bản Mông và 2 bản Khơ mú. Tuy nhiên việc phân loại này cũng chỉ là tương đối, bởi một số bản được xem là “cổ” như bản của người Thổ nhưng để tìm được một chiếc nhà sàn cũng thật khó. Các loại nhạc cụ như cồng chiêng, khèn bè, sáo môi của dân tộc Thái, Khơ Mú, Thổ; nghề rèn, đan lát của người Khơ Mú, Ơđu…cũng đang bị mai một dần. Về văn hoá phi vật thể: chữ viết, phong tục tập quán, các tác phẩm văn học dân gian đang dần bị quyên lãng, nhất là ở thế hệ trẻ.

Trước việc người dân thờ ơ với những giá trị truyền thống của dân tộc thiểu số trong khi số người hiểu biết, say mê và thực sự tâm huyết với văn hoá miền núi ngày một ít đi càng khiến cho công việc tìm kiếm, phục hồi và bảo tồn trở nên bức thiết. Nhiều địa phương ngân sách hạn hẹp, công việc sưu tầm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nên chưa được chú trọng. Một số huyện như Anh Sơn, Tương Dương tuy đã xây dựng được nhà truyền thống nhưng các đồ vật trưng bày còn sơ sài, nhỏ lẻ và thiếu sự bổ sung. Ngay như ở Bảo tàng Quỳ Châu, một trong những bảo tàng có quy mô lớn nhất ở các huyện miền núi và đã có kế hoạch nâng cấp thành bảo tàng các dân tộc thiểu số Nghệ An nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm các di vật quý. Lý do chính cũng bởi chi phí hạn hẹp, nhân lực thiếu và chưa có sự vào cuộc của các cấp các ngành.

Gần đây, nhiều địa phương đã chú trọng vào việc khôi phục các lễ hội, tuy nhiên các kịch bản đơn điệu, “na ná nhau”, chỉ chú trọng phần hội nhiều hơn phần lễ nên chưa phát huy được những giá trị văn hoá riêng của từng vùng miền. Không những thế còn gây tốn kém, lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Một số công trình thực hiện được chủ yếu dựa vào dự án của nhà nước, nhưng cũng chỉ dừng lại ở xây dựng điểm như Quỳ Hợp, Nam Đàn. Trở ngại lớn nhất trong công tác bảo tồn phát triển văn hoá dân tộc thiểu số chính là vốn. Tuy nhiên, điều này không thực sự khó nếu chúng ta đẩy mạnh việc xã hội hoá. Sau việc phục dựng thành công ngôi đền Chín gian ở Quế Phong, lãnh đạo huyện đã nêu lên kinh nghiệm: Khi tiến hành xây dựng đền, ngân sách của huyện gặp rất nhiều khó khăn nhưng Huyện uỷ và Uỷ ban đã thống nhất bằng mọi giá phải thực hiện, dẫu “có phải đi vay”. Nhờ huy động được sự đóng góp của các cấp các ngành và sự đồng lòng cao của chính quyền và nhân dân nên Dự án đã thành công.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định đầu tư 87,5 tỷ đồng cho công tác bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số từ tháng 9-2007 đến hết năm 2010. Trong số đó, 38,2 tỷ đồng sẽ được đầu tư bảo tồn văn hoá phi vật thể như bảo tồn văn hoá ứng xử, các loại hình văn học dân gian, truyện kể, các loại hình âm nhạc, các điệu múa, trò vui chơi đồng giao truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ; chữ viết của hai dân tộc Thái và Mông, ngôn ngữ của dân tộc Ơ Đu, nhóm dân tộc Thổ Tày Poọng, Đan Lai. Kinh phí còn lại sẽ được dùng bảo tồn văn hóa vật thể như bảo tồn các loại kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, Ơ Đu; trang phục đặc trưng của các dân tộc Thái, Mông, Ơ Đu, Thổ và Khơ Mú; nghề đan lát, rèn, dệt thổ cẩm các loại.../.
 
(Theo Báo Nghệ An)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất