Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 3/11/2012 23:31'(GMT+7)

Giữ gìn nghệ thuật chầu văn

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, do đặc thù hát chầu văn không dễ cảm nhận, nên thường chỉ có những người cao tuổi quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Muốn nhiều người hiểu và yêu chầu văn có lẽ các nghệ sĩ sẽ còn phải bỏ nhiều tâm sức.

Cái khó trong việc bảo tồn nghệ thuật chầu văn

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng được hiểu là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Hát chầu văn có 13 lối hát, đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Hát Chầu văn và hầu bóng thường được tổ chức trong một không gian văn hóa của đình, đền, phủ chúa Liễu hay điện thánh thần, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng huyền bí.

Do đã từng có thời gian bị mai một cộng thêm đặc thù không dễ cảm nhận, tiếp thu, việc đưa hát chầu văn đi vào trong cuộc sống hiện đại đang gặp phải nhiều khó khăn.

Hiện nay, số lượng nghệ nhân hát chầu văn không còn nhiều, thêm vào đó, đa số các nghệ nhân đều ở tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nếu xã hội không “nhanh tay” giữ lại vốn kinh nghiệm hát chầu văn của các nghệ nhân này thì sự mai một của chầu văn là điều không thể tránh khỏi.

Thêm vào đó, do đời sống xã hội ngày một phát triển, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật mới cũng khiến những loại hình nghệ thuật cổ truyền như hát chầu văn không được giới trẻ quan tâm nhiều. Hầu hết, các bạn trẻ khi được hỏi về chầu văn đều tỏ ra lúng túng do không biết được nhiều về loại hình nghệ thuật này, những bạn trẻ có chút hiểu biết về chầu văn thì cũng không hiểu được cách hát cũng như những cái hay, cái đẹp trong loại hình nghệ thuật này.

Từ cái khó “ló” cái khôn

Đầu năm 2012, Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật chầu văn Việt Nam, trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam được thành lập nhằm bảo tồn, làm giàu cũng như phát huy những giá trị của di sản nghệ thuật chầu văn. Đây có thể coi là niềm vui của những nghệ sĩ hát chầu văn cũng như những người yêu loại hình nghệ thuật này.

Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn là nơi hội tụ những người hát văn dân gian chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, những người yêu thích nghệ thuật chầu văn… Các thành viên trong câu lạc bộ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật chầu văn; đào tạo và truyền dạy các bản hát văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn đến với công chúng trong và ngoài nước. Việc truyền dạy hát văn sẽ do các nghệ nhân hát văn hàng đầu hiện nay thực hiện. Cả nước hiện còn năm nghệ nhân lão thành, tuổi đời từ 80-90 tuổi sẽ truyền dạy hát văn, đặc biệt là các bản hát cổ đã gần như thất truyền cho thế hệ sau trong hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ.

Sắp tới, vào ngày 6 và 7/11, Trung tâm Văn hóa Pháp sẽ phối hợp với của Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật chầu văn Việt Nam tổ chức đêm diễn nhằm tôn vinh nghệ thuật chầu văn với sự tham gia của nhiều nghệ nhân như: Văn Chung, Thanh Long, Khắc Tư, Trọng Quỳnh, Đức Hải, Văn Khải , Thanh Hà, Xuân Dũng,Thanh Ngoan...

Việc lựa chọn Trung tâm Văn hóa Pháp, một trong những địa điểm yêu thích của giới trẻ ở Hà Nội có thể coi là một sáng kiến mới của ban tổ chức trong việc quảng bá nghệ thuật chầu văn đến đông đảo mọi người, đặc biệt là đến giới trẻ.

Hiện nay, chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu, nhiều làn điệu chầu văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước phù hợp với thị hiếu của thính giả, đây cũng là những tín hiệu tốt để chầu văn vén bức màn ngăn cách với công chúng từ lâu nay để hòa nhập cùng các loại hình nghệ thuật khác, trở thành một món ăn tinh thần bổ ích cho nhân dân.

Từ cái khó “ló” cái khôn, cách mà Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật chầu văn Việt Nam đã và đang làm sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị nghệ thuật đặc sắc của loại hình nghệ thuật chầu văn cho thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, để chầu văn có thể sống được trong lòng công chúng, các nghệ sĩ và cả xã hội cần phải tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như tìm hiểu và học hỏi không ngừng những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật này để truyền cảm hứng đến những ai chưa biết đến chầu văn. Mong rằng, với sự cố gắng nỗ lực, một ngày không xa, chầu văn không chỉ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể mà còn trở thành một loại hình nghệ thuật thu hút sự quan tâm và yêu thích của mọi người./.

(Thu Thủy/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất