Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 23/12/2009 22:23'(GMT+7)

Giúp đồng bào Khmer xây dựng cuộc sống mới

Ngày hội đua ghe ngo truyền thhống của đồng bào dân tộc Khmer.

Ngày hội đua ghe ngo truyền thhống của đồng bào dân tộc Khmer.

Ðại tá Lê Trung Hậu, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với phương châm: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân", cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của vùng đồng bào dân tộc Khmer vốn xưa kia là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Lai Hòa, An Thạnh Nam, Ðại Ân 2, Phú Mỹ, Tham Ðôn, Lâm Tân, Long Phú...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử hơn 7.200 lượt cán bộ, chiến sĩ và bảy đội công tác xuống các phum, sóc ở 54 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer. Lời nói đi đôi với việc làm, ngoài việc chỉ dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, bộ đội còn ra đồng giúp bà con trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi bò sữa... Ðặc biệt là phổ biến, nhân rộng mô hình cá - lúa, cá - tôm, trồng hành tím, củ cải trắng... thu hút đông đảo  người dân tham gia đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp công sức lao động của bộ đội, các đơn vị đóng quân trên địa bàn đã giúp nhân dân mở mang, phát triển hệ thống giao thông với hơn 39 km đường giao thông nông thôn, bắc mới và sửa chữa 83 cây cầu. Trong phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương, lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện gần 6.000 ngày công lao động giúp dân đào mới, nạo vét gần 11 km kênh mương, bảo đảm tưới, tiêu cho ruộng lúa, thu hoạch hoa màu, nuôi trồng thủy sản; bồi đắp gần 6.000 m đê bao ngăn lũ, chống triều cường; sửa chữa 107 căn nhà...

Bằng các hình thức hành quân dã ngoại, huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng tổ chức hơn 6.300 cuộc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vạch rõ âm mưu thâm độc chia rẽ đoàn kết trong nội bộ nhân dân của các thế lực thù địch. Ðồng thời, phối hợp cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng bộ máy làm việc, củng cố các đoàn thể quần chúng và vận động người dân tham gia các hội đoàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở địa phương. Nhờ vậy, các phong trào hành động cách mạng ở vùng đồng bào dân tộc Khmer có bước chuyển biến mới, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Ðến nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer đều được khai thác có hiệu quả, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Sự nghiệp giáo dục được coi trọng, hệ thống trường THCS, THPT từng bước được kiên cố hóa, Trường phổ thông Dân tộc Nội trú được xây dựng đều khắp ở các huyện có đông đồng bào Khmer. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường được quan tâm thường xuyên, tỷ lệ học sinh người dân tộc Khmer đến trường học ngày càng đông, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được chăm lo tốt hơn. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được phủ rộng xuống các địa bàn, đội ngũ thầy thuốc được tăng cường về cơ sở. Các hộ nghèo được cấp sổ bảo hiểm y tế và được khám, điều trị miễn phí. Các chương trình y tế quốc gia, vệ sinh môi trường, ý thức phòng bệnh được triển khai tốt. Chính vì vậy, hình ảnh anh  Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành ấn tượng khó quên của đồng bào dân tộc Khmer. 

Ðến thăm Ðội công tác 28, được giao nhiệm vụ giúp dân tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, chúng tôi rất xúc động khi nghe bác Lâm Xuân ở ấp Bưng Cóc khoe: "Bộ đội giỏi lắm, chỉ cho bà con biết làm rẫy, bón phân, trồng nấm rơm, nuôi cá, nuôi ếch... việc này trước đây bà con mình chưa biết đâu. Bộ đội còn cắt tóc, vận động đưa con em đến trường học, giúp dân sửa chữa nhà cửa, làm lại chuồng trại nuôi trâu bò, chữa bệnh cho dân... Chuyện nào có lợi cho bà con là bộ đội làm ngay và làm đến nơi đến chốn, không câu nệ việc gì". Ðội trưởng Ðội CT 28 Thượng tá Bùi Mạnh Ðiệp cho biết: Xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên 3.388 ha với 3.125 hộ, đồng bào Khmer chiếm đến 92,71%. Tuy là đất rộng, nhưng trước đây đồng bào Khmer xã Phú Mỹ rất nghèo, nghèo vì đất chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa, năng suất thấp. Ðể chủ động nước sản xuất được hai vụ lúa, một vụ màu như hiện nay, Nhà nước đã đầu tư vốn để làm các công trình thủy lợi. Bên cạnh việc đầu tư làm thủy lợi, tạo điều kiện cho bà con tăng vụ, tăng năng suất lúa, BCHQS tỉnh còn đưa bộ đội về đây chỉ dẫn bà con cách sản xuất, làm thế nào để có hiệu quả cao nhất. Nhờ vận động, hướng dẫn bà con thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu đã giúp bà con thoát khỏi cái đói khi giáp hạt, từng bước vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch xã Thạch Tạ phấn khởi nói: "Bộ đội không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào xóa đói, giảm nghèo mà quan trọng hơn là tạo được sự chuyển đổi cơ bản trong nhận thức từ sản xuất tự cung tự cấp sang phương thức sản xuất mới, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, làm kinh tế có hiệu quả. Vì vậy, bộ đội về xã, bà con mừng lắm. Khi có việc phải đi, phum sóc có nhiều người khóc và ai cũng mong bộ đội ở đây lâu hơn". Ðến thăm nhà anh Lâm Pha Ly, ở ấp Bắc Dần, một trong những hộ gia đình không đất sản xuất, chuyên sống bằng nghề làm mướn. Trước đây, anh chị nghèo lắm. Tiền công làm mướn không đủ chi tiêu hằng ngày. Cái nhà lá lụp xụp, kín trước hở sau. Anh được CBCS Ðội công tác 28 cất cho căn nhà đoàn kết. Tuy giá trị không lớn, nhưng đó là cả một gia tài, một đời ước mơ tưởng chừng không có được. Ðược cho nhà, cho vay vốn, lại được bộ đội tận tình chỉ bảo cách nuôi bò sữa, trồng xoài, dưa hấu, khoai lang, dưới ao thả nuôi cá các loại... Nhờ tính cần cù chịu khó học hỏi, vừa làm vừa tích lũy, hiện nay gia đình anh đã mua thêm được 13 công ruộng, 4 con bò sữa, mỗi năm thu nhập hơn 40 triệu đồng. Anh Ly tâm sự: "Nếu không có Nhà nước, bộ đội cưu mang, giúp đỡ thì không biết đến bao giờ cuộc đời mình mới có thể thoát khỏi nghèo đói. Bây giờ đã có cơ ngơi rồi, chỉ quyết chí làm ăn, cho con học hành đàng hoàng để tính chuyện tương lai". Không riêng gì anh Lâm Pha Ly mà nhiều hộ dân người dân tộc Khmer ở Phú Mỹ nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội mà có cuộc sống khấm khá và trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, như gia đình anh Trương Minh Thạnh (ấp Sóc Xoài), Lâm Thinh, Lý Xuân, Lý Tâm (ấp Bưng Cóc)... Và không chỉ riêng Phú Mỹ mà đến nay, những nơi có bộ đội đóng quân vùng đồng bào dân tộc Khmer đều có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.

Có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay, bà con  dân tộc Khmer Sóc Trăng luôn ghi ơn sự quan tâm giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của Ðảng, Nhà nước và đặc biệt là những người lính Cụ Hồ đã dành hết tình cảm cho dân. Cuộc sống mới đã tạo cho bà con dân tộc Khmer niềm tin, niềm vui mới để tiếp tục nỗ lực vươn lên hơn nữa góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

(Theo: Đỗ Nam/ND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất