Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 23/1/2024 14:9'(GMT+7)

Hà Giang chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, quản lý tuyến biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân khu vực biên giới.

HÌNH THỨC, NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI ĐA DẠNG, PHONG PHÚ

Với vị trí địa chính trị quan trọng và đặc thù về đa dạng bản sắc văn hóa, tỉnh Hà Giang luôn xác định công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới năm 2023, Chương trình thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới” và các kế hoạch, chỉ thị để triển khai thực hiện.

Vì vậy, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới được triển khai khá bài bản, thống nhất, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, gắn với chuyển đổi số, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân; vừa đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin đối ngoại ra bên ngoài tỉnh, vừa thực hiện thông tin đối ngoại bên trong tỉnh. Cụ thể như: Đẩy mạnh ký kết và triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết với các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương; đồng thời chỉ đạo báo chí của tỉnh tích cực chia sẻ thông tin, hình ảnh, gửi tin, bài về các cơ quan báo chí Trung ương, tỉnh bạn để giúp tuyên truyền hình ảnh tích cực của Hà Giang đến bạn bè trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục cộng đồng về tình yêu quê hương, Tổ quốc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản…; tuyên truyền, vận động ứng xử với khách du lịch văn minh, thân thiện, thực hiện tốt bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với tạo sinh kế (phát triển các làng văn hóa cộng đồng, mô hình du lịch homstay…). Trên cơ sở đó, mỗi người Hà Giang là một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên du lịch cho địa phương mình, tỉnh mình, dân tộc mình, trở thành những “cột mốc sống” bảo vệ quê hương, đất nước.

“MỖI NGƯỜI DÂN VÙNG BIÊN CƯƠNG HÀ GIANG LÀ MỘT CỘT MỐC SỐNG BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG”

Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có 7/11 huyện, thành phố, với 34 xã biên giới, 442 mốc quốc giới, trên 277 km tiếp giáp với hai tỉnh là tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với vị trí địa chính trị quan trọng, tỉnh Hà Giang luôn xác định - nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hà Giang với cả nước là đảm bảo “bức tường thành” của Tổ quốc luôn vững chắc - mỗi người dân vùng biên cương Hà Giang là một cột mốc sống bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Ngày 24/2/2023, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 352-KH/TUvề tuyên truyền quản lý biên giới. Theo đó, các nội dung tuyên truyền tập trung vào: (1) Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác biên giới trên đất liền, với trọng tâm là nghị quyết các cấp của Đảng về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới; Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam; Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; (2) Tăng cường thông tin đối ngoại về quan hệ đối tác, hợp tác, chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và kết quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên. (3) Tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai Chương trình kết nghĩa hữu nghị giữa các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc, giai đoạn 2021 - 2025. (4) Tuyên truyền Đề án nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc…

Thành phố Hà Giang nằm hai bên bờ sông Lô

Thành phố Hà Giang nằm hai bên bờ sông Lô

Tỉnh Hà Giang luôn xác định mục tiêu của công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, để quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, góp phần đảm bảo an ninh trật tự nhất là vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới nhất là trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trái phép, truyền đạo trái pháp luật, mua bán người, gian lận thương mại. Kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; các thông tin sai sự thật, bịa đặt liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, biên giới gây hoang mang dư luận hoặc lợi dụng một số sự việc, vụ việc phát sinh trên tuyến biên giới để xuyên tạc, kích động nhân dân, gây rối tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền phải xác định mục tiêu để mỗi người dân hiểu được, nhận thức sâu sắc được và chuyển thành ý thức, hành động hiệu quả.

Trong năm 2023, Hà Giang tổ chức tuyên truyền trên tuyến biên giới được 456 buổi/22.568 lượt người nghe; cấp phát trên 3.500 tờ rơi. Tổ chức trên 90 buổi tuyên truyền thông qua các buổi chiếu phim lưu động tại các khu vực biên giới, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở trên 500 lượt thu hút hàng chục nghìn người nghe; tuyên truyền miệng lồng ghép tại các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn/bản khu vực biên giới trên 1.000 buổi, hơn 60.000 lượt người nghe. Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì tốt các chuyên mục tuyên truyền về biên giới, chủ quyền an ninh biên giới. Các huyện biên giới tuyên truyền gần 200 buổi với gần 10.000 lượt người nghe. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lồng ghép tuyên truyền 1.562 buổi với 115.326 lượt người tham dự; phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân dân biên giới phát triển kinh tế - xã hội.

 

 CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Do điều kiện về tự nhiên, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư của Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc trên tuyến biên giới rất đặc thù: địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung. Dọc tuyến biên cương của Tổ quốc là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đông nhất là đồng bào dân tộc Mông - những người dân mà từ trong tiềm thức là tinh thần yêu nước - ý thức bảo vệ biên cương - văn hóa trong các nghi lễ của đồng bào đều gắn với truyền thống bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn trình độ dân cư chưa cao, vì vậy đòi hỏi công tác tuyên truyền phải thật sự phù hợp.

Việc tuyên truyền tại các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt định kỳ luôn ưu tiên sử dụng tiếng dân tộc địa phương; lựa chọn các tuyên truyền viên cơ sở là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng, người có uy tín - vừa am hiểu phong tục tập quán, vừa là những người gương mẫu. Công tác tuyên truyền lưu động tại các buổi chợ phiên, tuyên truyền bằng xe gắn máy loa đi khắp các thôn; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh internet bằng tiếng dân tộc để bà con vừa đi làm nương- vừa nghe được nội dung tuyên truyền rất phát huy hiệu quả trong thời gian qua.

Cùng với đó, tỉnh Hà Giang đã gắn tuyên truyền quản lý biên giới với tuyên truyền thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện các giải pháp cụ thể hóa các nội dung nghị quyết của Đảng; nâng cao chất lượng đảng viên, thực hiện các tiêu chí xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện hiệu quả. Lực lượng biên phòng đã tham mưu xây dựng Phong trào “Xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên”, xây dựng “Bản văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, mô hình Quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”, Chương trình “3 bám, 4 cùng”, chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy ở cơ sở. Lực lượng công an nhân dân tỉnh có mô hình điểm về Công an xã trong tuyên truyền pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp công dân, trong đó có những xã biên giới đã xóa trắng tà đạo “san sư khẻ tộ”; kịp thời hướng dẫn người dân về thủ tục xuất cảnh, giải thích hướng dẫn để người dân không xâm canh trái phép. Người dân tại biên giới đã được tuyên truyền nhận định rõ về đường biên - trực tiếp giám sát để đảm bảo phân định rõ. Vì vậy, dọc tuyến không có vấn đề phát sinh ảnh hưởng, đồng thời, không xâm canh khu vực đất của nước bạn.

Gắn công tác tuyên truyền quản lý biên giới với các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức chính trị - xã hội, như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các phong trào thi đua và chương trình hành động: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Tỉnh đoàn; Chương trình phối hợp giữa Hội Cựu Chiến binh Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam, tiêu biểu là Hội Cựu chiến binh 4 xã giáp biên (Bản Máy, Thàng Tín, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn) ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới với Đồn Biên phòng Bản Máy và Đồn Biên phòng Thàng Tín…, góp phần củng cố và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Nhận thức sâu sắc “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Hà Giang đã phát huy vai trò của Tổ tư vấn, sưu tầm văn hóa dân tộc, đội ngũ nghệ nhân dân gian trong nghiên cứu, truyền dạy văn hóa dân tộc tại các thôn, đưa vào lồng ghép giảng dạy trong các trường học; tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội dân tộc, biểu diễn văn hóa cộng đồng phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, tỉnh phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các trường học trong hệ thống giáo dục để đẩy mạnh giáo dục lịch sử địa phương thông qua nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các môn học lý luận, lịch sử, tọa đàm, thăm các di tích lịch sử cách mạng, cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến… trên cơ sở đó đảm bảo giữ vững “vành đai văn hóa” biên cương.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN QUẢN LÝ BIÊN GIỚI

Ngày 25/12, tại mốc 456, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang phối hợp với Văn phòng Ngoại sự tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ khởi động kiểm tra biên giới song phương giữa hai tỉnh. Trong ảnh: Hai bên kiểm tra biên giới song phương trên đất liền tại mốc 456, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Ngày 25/12, tại mốc 456, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang phối hợp với Văn phòng Ngoại sự tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ khởi động kiểm tra biên giới song phương giữa hai tỉnh. (Trong ảnh: Hai bên kiểm tra biên giới song phương trên đất liền tại mốc 456, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc).

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền quản lý biên giới, tỉnh Hà Giang đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, trong công tác thông tin tuyên truyền quản lý biên giới, ngoài các nội dung về chủ quyền biên giới quốc gia, rất cần chú trọng nội dung bảo vệ “chủ quyền mềm” góp phần xây dựng “vành đai văn hóa biên cương” của Tổ quốc.

Hai là, để công tác tuyên truyền quản lý biên giới đạt hiệu lực, hiệu quả cao, rất cần sự chỉ đạo bài bản, sáng tạo, phù hợp đặc thù riêng của tỉnh. Việc cung cấp thông tin tuyên truyền cần bám sát tình hình, đặc điểm vùng biên giới; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, nhất là các sản phẩm của tủ sách điện tử, các loại hình báo nói sử dụng tiếng dân tộc để địa phương, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Ba là, tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo thực hiện hiệu quả, chú trọng đầu tư gắn với chính sách bảo dưỡng hệ thống truyền thanh internet, rà soát toàn bộ hệ thống tần số phát thanh - truyền hình đảm bảo chủ quyền về thông tin trên toàn tuyến.

Bốn là, tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, để đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới được đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin, đảm bảo nguồn thông tin có định hướng; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biên giới. Có như vậy, “bức tường thành biên giới” ngày càng trở nên vững chắc hơn và mỗi người dân Hà Giang sẽ thực sự trở thành những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia./.

Năm 2023, Hà Giang đạt danh hiệu thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên Đá Đồng Văn lần thứ III. Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023. Báo NewYork Times xếp Hà Giang đứng thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá.

 

VƯƠNG NGỌC HÀ
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất