Từ khi còn là một thiếu niên trong đội ca khúc măng non cuả trường, tôi đã được các thầy cô giáo dạy bài “Trái đất này là cuả chúng mình”. Lúc đó, khái niệm hoà bình còn rất xa lạ với một cô bé học sinh tiểu học như tôi, nhưng hình ảnh “quả bóng xanh bay giữa trời xanh” trong bài hát đã thật sự gợi cho tôi một cái gì đó rất đẹp, lung linh cuả thế giới tuổi thơ. Tôi yêu thích bài hát đến nỗi những lúc vui vẻ tôi lại lẩm nhẩm hát khe khẽ “Trái đất này là của chúng mình…”. Tuổi thơ tôi đã lớn lên bên cạnh giai điệu cuả những bài hát hay, mà Trái đất này là cuả chúng mình là một trong số ấy.
Bài hát được viết theo giọng Đô trưởng, thể loại 1 đoạn đơn có cấu trúc vuông vức với 3 lời ca khác nhau. Mở đầu bài hát, tác giả đã khẳng định Trái đất này là cuả chúng mình. Đây cũng là câu hát được chọn làm tên ca khúc. Trái đất này là cuả chúng mình - lời khẳng định kèm theo hình ảnh quả bóng xanh bay giữa trời xanh - một sự liên tưởng tự nhiên đẹp lung linh như thế giới tâm hồn trẻ thơ. Trái đất cuả chúng ta trong mắt các em như quả bóng xanh bay lơ lửng giữa trời xanh, một hình ảnh đẹp biết bao. Với ước muốn trái đất không tiếng súng, không có chiến tranh, chỉ có hoà bình và màu xanh hy vọng, một loạt hình ảnh cuả chim bồ câu, chim hải âu - biểu tượng của hoà bình - đã gọi các em “cùng bay nào” để “cho trái đất quay”. Vâng. Trái đất quay là hiện tượng tự nhiên, nhưng trái đất quay cùng cánh chim hải âu vờn trên sóng biển biếc, cùng tiếng “gù” thương mến cuả bồ câu thì chỉ có trong bài hát mà chúng ta đang nhắc tới mà thôi.
Sang đến lời 2, tác giả lại nhắc đến một ước mơ cháy bỏng của trẻ em là không phân biệt sắc tộc. Câu hát “Màu da nào, loài hoa nào, cũng quý cũng thơm” được nhắc lại 2 lần với cách ví von thật giàu hình ảnh giữa “màu da” với “loài hoa”. Vàng trắng đen, các màu da ấy cũng như muôn màu cuả các loài hoa trên trái đất, màu da nào cũng quý, loài hoa nào cũng thơm. Câu hát ấy làm thức tỉnh lương tri, nhân tính cuả những người đang muốn có âm mưu chia rẽ các dân tộc trên thế giới bằng hành động khủng bố, chiến tranh. Lời ca ấy phản đối nạn phân biệt sắc tộc đã một thời diễn ra tại Châu Phi và một số nước da màu khác làm nhức nhối con tim cuả những người yêu chuộng hoà bình. Trái đất này là cuả chúng mình. Các em đã khẳng định được ước mong thực hiện quyền làm chủ cuả mình. Và các em lại cất cao lời ca tiếng hát, xiết chặt tay bên nhau, cùng hát vang những khúc ca êm ấm, cùng học tập vui chơi. Cùng ngân mãi lời hát yêu chuộng hoà bình, thực hiện quyền công ước trẻ em trên tất cả các quốc gia, các dân tộc, nhất là các dân tộc còn đang có chiến tranh và nạn phân biệt chủng tộc vẫn đang diễn ra taị các nước da màu.
“Học chăm ngoan, đắp xây đời tươi sáng” là ước mơ thật giản dị song cũng thật lớn lao đối với các em. Chúng ta cũng thấy được niềm mong mỏi khát khao cuả các em qua câu kết “hành tinh này là cuả chúng ta”. Câu kết ấy được nhắc đi nhắc lại tới 2 lần, như khẳng định rõ ước muốn hoà bình cuả trẻ em Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Câu hát kết bài được đặt dưới nốt đố trắng có dấu nối ngân dài đến 6 phách khiến câu hát như bay lên cùng cánh chim hoà bình cùng bầu trời xanh cao vời vợi, cùng niềm vui khôn tả và ước mơ giản dị mà thiết thực của các em. “Hành tinh này là cuả chúng ta” là lời ca, là tiếng reo vui khi các em biết uớc mơ ấy sẽ trở thành hiện thực khi có sự chung tay góp sức của tất cả các quốc gia yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Với cách tiến hành giai điệu bình ổn (quãng 8 là quãng dễ hát, vừa sức với tuổi thơ); tiết tấu không có gì khó, chỉ là những nốt đen, móc đơn không có những quãng nhảy quá xa, sử dụng vài chỗ đảo phách tạo điểm nhấn. Bài hát được nhiều trẻ em yêu thích, và đã được một số nước dịch ra tiếng Anh.
Đã nhiều năm qua đi, bài hát “Trái đất này là của chúng mình” vẫn còn nguyên giá trị . Cùng với “ Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng”, “Nụ cười” (bài hát nước ngoài), “Ngôi nhà cuả chúng ta” (sáng tác Hình Phước Liên), “Tiếng chuông và ngọn cờ” (sáng tác của Phạm Tuyên)… bài hát Trái đất này là cuả chúng mình là một giọt âm thanh lung linh huyền ảo trong chùm âm thanh rực rỡ muôn màu nói lên khát vọng mong ước hoà bình cuả trẻ thơ. Những lời ca ấy sẽ còn ngân vang trên trái đất này, để trẻ em được thực hiện quyền cuả mình theo đúng như công ước Quốc tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới ký.
Bài hát kết thúc mà ta vẫn như thấy ngân vang đâu đây tiếng chuông hoà bình, thấy trước mắt ta những cánh chim hải âu bay lượn dập dờn trên sóng biển, nghe thân thương những tiếng “gù gù” của bồ câu hiền từ. Và các em, mọi màu da trên moị miền đất nước cuả thế giới cùng nắm tay nhau hát vang mãi câu hát “Hành tinh này là cuả chúng ta”. Các em hãy tự tin vì tất cả các dân tộc trên thế giới đã đoàn kết lại để bảo vệ quyền trẻ em, để dành cho các em những gì tốt đẹp nhất mà mình có, để thực hiện khẩu hiệu cuả nhân loại “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”./.
Nguyễn Thị Diệp (CTV)