Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 29/7/2013 14:53'(GMT+7)

Vì tương lai chính kịch

Các diễn viên trẻ cần được đào tạo một cách bài bản.

Các diễn viên trẻ cần được đào tạo một cách bài bản.

Sự phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy, ngoài yếu tố chất lượng kịch bản thì khả năng của diễn viên trẻ là nguyên nhân chính khiến chính kịch bị "bỏ bê", ngày càng tỏ rõ sự kém sức hút. Nghệ sĩ trẻ ngày càng ít tâm huyết với nghề, nhiều người thực hiện vai diễn như "công chức tròn vai". Theo các chuyên gia về sân khấu, nhiều diễn viên trẻ trong các nhà hát kịch hiện nay đến với nghề quá dễ dàng, chỉ cần có chút lợi thế hình thể, ưa nhìn, kiến thức biểu diễn tàm tạm là được mời diễn. Nhiều diễn viên kịch nói lấn sang nghề diễn viên phim truyền hình, nổi tiếng khá nhanh nhờ mức độ phủ sóng rộng khắp của truyền hình. Họ dễ dãi dần, mau chóng tự bằng lòng, không còn chuyên tâm học hỏi để trở thành diễn viên đúng nghĩa mà nhà hát chuyên nghiệp cần có.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng không thoát khỏi bối cảnh chung đó, nhất là với chất lượng của thế hệ diễn viên trẻ được bổ sung liên tục trong những năm vừa qua. Các nghệ sĩ thế hệ trước phần lớn không được đào tạo bài bản nhưng luôn mong muốn học hỏi, có ý thức tự đào tạo. Diễn viên trẻ ngày nay đều tốt nghiệp đại học, ít ra là cao đẳng chuyên ngành nhưng không có được phông kiến thức nghề cũng như nền tảng văn hóa đủ mức cần. Khi đến trường, đa phần học theo kiểu đối phó, miễn sao qua được các kỳ thi, kiếm được tấm bằng chứ ít người xác định học để tích lũy kiến thức, làm dày thêm vốn nghề. Là "Anh cả đỏ" của làng kịch cách mạng, với thế mạnh là kịch chính luận, Nhà hát Kịch Việt Nam đang thể hiện động thái kiên quyết nâng cao chất lượng diễn viên, nhất là dàn diễn viên trẻ. Một tháng qua, không chỉ dàn dựng vở mới, nhà hát đã mời những nghệ sĩ hàng đầu của kịch chính luận về giúp việc tập huấn, đào tạo cho diễn viên trẻ. Họ được học lại kiến thức cũ, nhưng cách học không còn qua quýt như trước nữa.

Hai đêm biểu diễn báo cáo loạt trích đoạn kịch cổ điển diễn ra tuần qua cho thấy sự thay đổi nhất định trong cách nghĩ, cách diễn xuất của lớp diễn viên trẻ. Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Đăng Chương, hai đêm diễn ấy đã cho thấy khát vọng được làm nghề ở nhiều diễn viên, sự bùng cháy của lớp diễn viên trẻ. Tuy nhiên, điểm yếu vẫn còn lộ rõ khi các bạn trẻ nhận vai khó. Hạn chế về đài từ, về sự biểu cảm, về nhận thức… khiến vẻ đẹp của kịch cổ điển chưa được phát huy hết. Vẫn còn đó những lời thoại qua loa, chưa rõ lời, chưa nói đến việc thực hiện kỹ thuật khó hơn như đối thoại sao cho người nghe cảm nhận được những gì diễn viên không thốt ra lời. Các giảng viên danh tiếng còn than phiền khi các em học lý luận có phần chểnh mảng, chưa nhận thức được rằng chỉ có cơ sở lý luận vững chắc mới giúp họ vững bước trên con đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật. Thiếu kỹ năng cần thiết nên trong một thời gian ngắn, khó có thể đòi hỏi diễn viên trẻ có ngay sự đa năng, tài ca - vũ - nhạc - họa…

Việc mở hướng tập trung đào tạo lại cho lớp diễn viên trẻ cho thấy một cách nghĩ, cách làm thiết thực nhằm nâng cấp chất lượng chính kịch trong tương lai gần.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất