Chủ Nhật, 5/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 15/12/2023 14:28'(GMT+7)

Hải Phòng nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Hội thảo khoa học bản thảo Công trình “Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng - Tập IV (2000-2020)”, ngày 30-11-2021. (Ảnh: Hà Chung)

Hội thảo khoa học bản thảo Công trình “Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng - Tập IV (2000-2020)”, ngày 30-11-2021. (Ảnh: Hà Chung)

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng”, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, tuyên truyền về Chỉ thị. Đồng thời, cụ thể hoá bằng việc ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 13/11/2018 của Ban Thường vụ Thành uỷ “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”. Ban Tuyên giáo Thành uỷ ban hành Hướng dẫn số 46-HD/BTGTU hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 20 và Chỉ thị 17 trên địa bàn thành phố.

Nhằm đánh giá, tổng kết một cách khách quan, trung thực sự lớn mạnh của Đảng bộ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2001 - 2020; qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng - Tập IV (2001-2020)”, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo. Sau 4 năm triển khai biên soạn, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo, đồng thời nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ; sự tham gia của một số nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu sâu về lịch sử Đảng bộ thành phố; Công trình hiện đang được in ấn, dự kiến xuất bản vào dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2024). Năm 2021, bộ sách Lịch sử Hải Phòng (4 tập) đã được hoàn thành. Đây là công trình khoa học lớn nhất về lịch sử thành phố từ trước đến nay, là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, khoa học của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, của Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Hải Phòng; được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản với sự tham gia trực tiếp của tập thể các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về khoa học lịch sử của Việt Nam.

Để thống nhất trong thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giúp công tác biên soạn, thẩm định lịch sử Đảng bộ thành phố được thực hiện một cách khoa học, bài bản. Ngày 28/5/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Quy định số 235-QĐ/TU “quy định thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ; lịch sử truyền thống các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị của thành phố Hải Phòng”.

Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được các cấp ủy đảng ủy quan tâm tạo điều kiện, đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo về kinh phí để triển khai thực hiện. Với sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, hệ thống cơ quan tham mưu đã phát huy cao tinh thần chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, đơn vị. Trên cơ sở kế hoạch của cấp ủy, các ban chỉ đạo được thành lập, chịu trách nhiệm trực tiếp giúp cấp ủy chỉ đạo tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và phát hành công trình lịch sử. Hệ thống ban tuyên giáo các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc triển khai Kế hoạch của cấp ủy và thực hiện chức năng hướng dẫn, thẩm định theo quy định. Việc biên soạn lịch sử Đảng ở Đảng bộ thành phố Hải Phòng được tổ chức khá linh hoạt với nhiều hình thức.

Điểm nhấn trong công tác chuyên môn của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đối với công tác Lịch sử Đảng đó chính là việc thường xuyên tổ chức tập huấn, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ giữa các địa phương, đơn vị. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Toạ đàm “Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị ở Đảng bộ thành phố Hải Phòng - Thực trạng, giải pháp và những vấn đề đặt ra” với 15 tham luận chất lượng, hiệu quả. Năm 2023 tổ chức tập huấn công tác Lịch sử Đảng đến đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử toàn thành phố.

Trong 5 năm qua, số lượng các công trình, ấn phẩm lịch sử Đảng được xuất bản ngày càng tăng. Đã có khoảng 50 công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, biên niên, kỷ yếu của nhiều ngành, đơn vị được biên soạn, phát hành. Đối với cấp quận, huyện: có 14/15 quận, huyện hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ (01 quận mới thành lập, chưa đủ điều kiện biên soạn). Có 11/15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ. Toàn thành phố có 211/217 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ (đạt 97,2%). Năm 2023, có nhiều địa phương tiến hành chỉnh lý, bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ, trong đó có 24 đơn vị đã xuất bản, 05 đơn vị đang tiến hành biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương.

Các công trình lịch sử Đảng bộ được biên soạn, xuất bản công phu, nghiêm túc, theo quy trình khoa học, nội dung phản ánh chân thực, khách quan lịch sử Đảng bộ địa phương, đơn vị. Trước khi xuất bản đều được tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý nhiều lần thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo và được thẩm định theo đúng quy trình hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nên có chất lượng tốt, ít sai sót, có giá trị thực tiễn, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, có tính tổng kết cao, rút ra được những kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho các cấp ủy. Các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng được xuất bản là những tài liệu quý phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về công tác lịch sử Đảng nói chung, công tác biên soạn vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục: Một số ít cấp ủy chưa thực sự quan tâm toàn diện đến công tác lịch sử Đảng; hầu hết các nhân chứng lịch sử tuổi cao, sức yếu; công tác lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng một số công trình, ấn phẩm Lịch sử Đảng bộ còn hạn chế, chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như các cấp ủy đảng địa phương.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, nhất là công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở thành phố Hải Phòng, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu rộng hơn nữa Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Thành ủy đến các cấp ủy Đảng và toàn hệ thống chính trị thành phố; qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với công tác lịch sử Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp phải quan tâm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đề cao vai trò của hệ thống tuyên giáo các cấp, chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về công tác lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố và địa phương, đơn vị.

Bà là, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy: Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc sưu tầm tư liệu, tài liệu và tổ chức chỉnh biên, biên soạn, xuất bản hoặc tái bản sách lịch sử truyền thống ngành, đơn vị, địa phương. Nâng cao chất lượng thẩm định công trình lịch sử các cấp: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cấp thành phố, cấp huyện. Quy trình thẩm định phải được thực hiện theo Quy chế đã ban hành, bảo đảm chất lượng sách xuất bản hoặc tái bản. 

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống bằng những hình thức phù hợp, thiết thực như: Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố; thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương; tổ chức kỷ niệm, tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, lãnh đạo tiêu biểu của thành phố qua các thời kỳ; xây dựng các bài viết, tham luận, bài báo, phim tài liệu có nội dung về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương; giảng dạy hiệu quả môn lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và hệ thống giáo dục phổ thông...

Năm là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ công tác lịch sử Đảng, nhất là thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác lịch sử Đảng. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng/..

 

Hà Chung

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất