Nhằm chấn chỉnh, hạn chế hiện tượng rắc, rải tiền lẻ tràn lan tại các lễ hội, nơi thờ tự... gây phản cảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ VHTTDL, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng.
Ngày 6-1, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã ban hành văn bản gửi các Sở VHTTDL nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ trong lễ hội và nơi thờ tự đúng nơi, đúng chỗ.
Không thể tuỳ tiện với đồng tiền
Đã không ít lần trong các hội nghị về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL bức xúc cho biết, nhiều năm qua, hầu khắp những lễ hội trọng điểm, nơi thờ tự thu hút đông khách hành hương luôn nhức nhối với hiện tượng người dân rải tiền lẻ tràn lan, gây phản cảm. “Những đồng tiền dù có mệnh giá thấp nhất cũng không thể tuỳ tiện khi sử dụng. Trong khi đó, đại bộ phận người dân đi lễ hiện nay thường xuyên đặt tiền lẻ lộn xộn, ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi vẻ trang nghiêm và thanh tịnh nơi thờ tự...”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đây cũng là một bất cập kéo dài được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây. Về vấn đề này, Đại đức Thích Minh Tiến (Giáo hội Phật giáo VN) từng nhấn mạnh: “Việc đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Thế nhưng nhiều người hiện nay lại cho rằng càng rải nhiều tiền thì càng được Phật, thánh thần chứng giám. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm, dẫn đến xuất hiện ngày càng phổ biến việc sử dụng tiền lẻ rải khắp không gian lễ hội, nơi thờ tự...”.
Ở góc độ nghiên cứu khoa học, GS. Ngô Đức Thịnh cũng chia sẻ, đáng buồn trước thái độ ứng xử của người dân đối với đồng tiền, nhất là khi chứng kiến cảnh tượng những pho tượng Phật bị cài, cắm quá nhiều tiền lẻ, còn người đi lễ thì vô tư bước trên những đồng tiền rải rơi vương vãi khắp nơi.
Sử dụng hợp lý để bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự tăng cao bất hợp lý của nhu cầu về tiền mới, mệnh giá nhỏ là một trong các nguyên nhân làm nảy sinh nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ để trục lợi, ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ và cảnh quan ở nhiều di tích lịch sử, văn hoá và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở một số lễ hội, di tích, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, thờ tự linh thiêng, việc sử dụng tiền mới, mệnh giá nhỏ không hợp lý ngày càng phổ biến, gây phản cảm, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích, nơi thờ tự và đặc biệt, ảnh hưởng đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Hành động rải tiền lẻ của người tham gia lễ hội, bên cạnh việc làm sai lệch giá trị bản sắc văn hoá trong đời sống tín ngưỡng dân gian cũng gây lãng phí xã hội rất lớn, đặc biệt chi phí liên quan đến công tác in ấn, phát hành, thu đổi, kiểm đếm, phân loại, bảo quản tiền mặt...
Nhằm bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc và các cơ quan quản lý hoạt động văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý tại di tích nhằm thực hiện nếp sống văn minh, hướng dẫn người tham gia lễ hội, khách tham quan sử dụng đồng tiền hợp lý, đúng mục đích văn hoá.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền và có ý kiến phản ánh với các tổ chức tôn giáo để định hướng các tín đồ, người tham gia lễ hội có nhận thức và hành vi đúng đắn trong việc thực hiện nếp sống văn minh và sử dụng đồng tiền hợp lý.
Ngày 6-1, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã ban hành văn bản đề nghị các Sở VHTTDL tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền, BTC các lễ hội trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung kết luận số 51- KL/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Công điện số 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý lễ hội.
Nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng đồng tiền tuỳ tiện trong các hoạt động văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng, Thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Yêu cầu BTC các lễ hội năm 2012 cần đa dạng về nội dung, hình thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân đặt tiền lễ trong lễ hội và nơi thờ tự đúng nơi đúng chỗ, không gây phản cảm, phù hợp với mục đích văn hoá trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; đồng thời phân công, bố trí lực lượng của BTC thu gom kịp thời các loại tiền nhân dân đặt vào nơi quy định để quản lý”.
Nguồn: Nhân Dân