Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 9/6/2009 16:53'(GMT+7)

Hãy giữ gìn các chuẩn mực gia đình truyền thống trong gia đình hiện đại

Các thế hệ trong một gia đình đoàn tụ sau một ngày làm việc

Các thế hệ trong một gia đình đoàn tụ sau một ngày làm việc

 Chúng ta thường nhắc đến vai trò của gia đình như là một thiết chế xã hội. Nó có chức năng duy trì nòi giống, tái sản xuất sức lao động và là chiếc cầu nối giữa cá nhân và xã hội… Thật ra, đây là các chức năng vốn có của gia đình, nó tồn tại và phát triển dưới mọi hình thái xã hội.

Sau mối quan hệ gia đình, họ hàng là quan hệ quê hương, làng xã (gia hương, cố hương). Ngày xưa những người đi làm xa quê, dù làm quan hay làm lính, hàng năm đến ngày Hội làng đều phải về làm lễ Thành hoàng, bất đắc dĩ lắm mà không về được thì phải uỷ thác cho gia đình biện lễ ra đình làng. Khi thành đạt, hưu trí đều trở về làng (thành đạt qui cố hương).

Xem Nước (quốc) lấy Nhà (gia) làm cơ sở. Nhà và nước là một cấu trúc hữu cơ. Như ngày nay ta nói: gia đình là tế bào của xã hội. Do đó cấu trúc xã hội Việt Nam từ cổ xưa đã ổn định theo mô hình: Gia đình-họ tộc-Làng xã-Quốc gia.

Đó là một loại cấu trúc bền vững, trải qua mấy ngìn năm không một sức mạnh nào chuyển lay, thay đổi được. Trong gia đình, mọi thành viên từ già tới trẻ đều vun đắp cho nó thật sự trở thành tổ ấm. Kính già, yêu trẻ. Trên nói dưới nghe. Anh nói em nghe. Tức là ông bà, cha mẹ gương mẫu, vợ chồng hoà thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo.

Công việc trong gia đình do cha mẹ bàn bạc quyết định. Con cái gom công góp sức tạo dựng cơ nghiệp; đến tuổi trưởng thành thì dựng vợ gả chồng; rồi cho ở riêng, tự tạo lập một gia đình mới. Trong sự nghiệp của con cái, bao giờ cũng có bàn tay của cha mẹ, thậm chí cả ông bà tạo dựng. Bao giờ cũng vậy, khi ông bà, cha mẹ trở về già, con cháu hết lòng phụng dưỡng. Các gia đình thường sum họp tới ba đời (tam đại đồng đường) thậm chí bốn đời (tứ đại) mà vẫn giữ được không khí thuận hoà, tôn kính. Trong các gia đình khi con cái đã trưởng thành, thường được trao quyền quản lý từng mặt, tiến tới trao toàn quyền cho con cái gánh vác. Cha mẹ ông bà chỉ giữ vai trò cố vấn, nhằm truyền thụ kinh nghiệm ứng xử cũng như kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Trong gia đình, người con trai trưởng thường được trao trách nhiệm nặng nề như việc thờ cúng, giỗ tết và trông nom phần mộ tổ tiên cùng các việc tang ma, cưới hỏi, làm nhà… Người con cả phải thay mặt cha mẹ giải quyết thậm chí nuôi dạy các em và giữ mối quan hệ với họ tộc, xóm làng.

Truyền thống về cấu trúc gia đình Việt Nam không thể nói là không có ảnh hưởng của Nho giáo. Nhưng Nho giáo ấy đã được Việt hoá với cả cái hồn và cái cốt. Xin đơn cử vài ví dụ: Trong quan hệ vợ chồng, theo Nho giáo Trung Hoa là "Phu xướng phụ tuỳ" - Chồng nói vợ phải nghe theo. Quan hệ ấy ở Việt Nam là: "thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn". Tức là quan hệ hợp tác, chung lưng đấu cật, xây dựng tổ ấm gia đình.

Người con trưởng - theo quan điểm Nho giáo thuần tuý là: "Quyền huynh thế phụ". Nghĩa là chỉ thua người cha có một bậc. Người anh cả với tính chất gia trưởng theo quan điểm Nho giáo Trung Hoa, có một quyền hạn cực lớn trong gia đình. Anh ta có thể áp dụng đặt mọi điều cần thiết theo ý của riêng mình.

Mối quan hệ anh em ấy ở Việt Nam được biểu hiện:

Anh em như chân như tay

Như gốc như rễ như cây như cành

Anh thời phải thuận đạo anh

Em thời hiếu đễ mới đành đạo em

Tính cách gia đình trong mối quan hệ anh em ở Việt Nam là yêu thương đùm bọc, gắn bó chở che với sự sum vầy quấn quýt, chứ không xa vời cách biệt, lạnh lùng. Qua đó ta thấy trong mối quan hệ gia đình ở Việt Nam, từ xưa đã có nhân tố dân chủ, bình đẳng thay vì áp đặt.

Để các chuẩn mực trên được tôn trọng, làng xã Việt Nam xưa đều có hương ước ràng buộc, nếu ai vi phạm sẽ bị cộng đồng trách phạt, thậm chí không thừa nhận là thành viên của cộng đồng. Đó là hình phạt cao nhất.

Về mặt Nhà nước, đều có luật pháp rõ ràng nhằm bảo vệ kỷ cương, lễ luật trong gia đình. Điều còn đọc được trong Đại Nam thực lục chỉnh biên ghi năm "Tự Đức 16, ở tỉnh Quảng Bình có người con say rượu đánh bố. Sau có người cáo giác tới triều đình, bị xử phạt 20 năm tù. Nhưng ông bố mù không có người phụng dưỡng, vua tha tù và chịu hình phạt đánh 50 roi nhớ đời. Nếu tái phạm tội bất hiếu ắt phải xử trảm".

Việc gìn giữ và phát huy các chuẩn mực gia đình truyền thống, với việc tiếp nhận các giá trị văn hoá đương đại làm chuẩn mực, thật không dễ. Bởi nó đòi hỏi một sự nhuần nhuyễn tới hài hoà. Vấn đề đặt ra hiện nay là một số chuẩn mực truyền thống gia đình như các phần trên đã nêu, liệu có còn thích hợp với xã hội ngày nay không?

Như mọi người đều biết, quá trình phát triển văn hoá của nhân loại là một sự tiếp nối liên tục. Những gì còn lại tới ngày nay và nhân dân ta quyết tâm gìn giữ là cốt cách văn hoá dân tộc. Các chuẩn mực gia đình như vợ chồng hoà thuận, con cái hiếu thảo, anh chị em yêu thương nhau với tinh thần "lá lành đùm lá rách", "Em ngã chị nâng", v.v… thì tới ngàn đời sau nữa cũng không mất. Vậy là ta giữ những gì cần giữ. Cái mà ta thêm là những điều mới mẻ của xã hội đương đại để xác lập chuẩn mực mới. Ví dụ trong gia đình ngày nay việc sinh đẻ chỉ nên hạn chế ở mức một hoặc hai con. Cha mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con thành người có văn hoá, có đạo đức, thật sự có ích cho gia đình, cho xã hội. Đồng thời, con cái cũng có lòng yêu quý và trách nhiệm chăm sóc chu đáo ông bà, cha mẹ. Ngoài tổ ấm gia đình, mỗi người còn cần nhân ái với đồng bào mình và cả tình thương nhân loại. Ngay cả việc giáo dục về bảo vệ môi sinh, cũng phải được bắt đầu rất sớm từ gia đình. Ngoài các bổn phận trong nhà như tôn trọng luật pháp. Lại nữa, mỗi gia đình phải có ý thức vươn lên trong việc chống đói nghèo. Phải ý thức được dân giàu thì nước mạnh. Mỗi công dân không những chỉ có ý thức làm cho gia đình mình vững mạnh về kinh tế, tiến bộ về văn hoá, mà còn phải biết giao lưu kinh tế, giao lưu văn hoá với các vùng khác nhau trong nước, từ đó mở tầm nhìn ra thế giới để giao lưu hoà nhập kinh tế, văn hoá với bạn bè khắp năm châu.

Muốn gia đình thực hiện được các chuẩn mực truyền thống và hiện đại như trên đã nói, Nhà nước phải có chiến lược hỗ trợ lâu dài. Ví dụ như chính sách đào tạo nghề cho người lao động và tạo đủ việc làm cho họ. Chính sách tạo nhà ở cho các gia đình và chính sách hôn nhân cũng phải được cải tổ. Đặc biệt, phải thu hút số trẻ em vô thừa nhận, trẻ hư hỏng, nghiện hút vào các trung tâm giáo dục, cải tạo…

Hơn nữa việc chuẩn mực hoá gia đình ngày nay, không nên bỏ qua kinh nghiệm của tổ tiên mình, tức là phong tục hoá từ cơ sở phường, xã bằng các hương ước hoặc qui chế, và khế ước hoá bằng các luật lệ của Nhà nước, đó là cách làm dựa trên cơ sở vừa tự nguyện vừa cưỡng chế di phong, di tục.

Ngô Thị Thanh Thảo, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất