Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 11/11/2010 21:24'(GMT+7)

Hết lòng vì học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên từ nhỏ Y Thăch đã mơ ước được làm cô giáo, được tự tay chăm sóc các em nhỏ. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi năm 1978, Y Thăch đăng ký học lớp Sơ cấp sư phạm mẫu giáo. Sau 1 năm học tập, cô được phân công giảng dạy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk La, tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay là xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Những ngày đầu dạy học đối với cô thật nhọc nhằn, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, thay đổi địa điểm học liên tục, đồ dùng phục vụ dạy học hầu như là con số 0, nhưng nản lòng hơn nữa là những buổi học… không có học sinh cứ liên tục kéo dài.

Nhắc lại chuyện cũ, cho đến giờ, cô giáo Y Thăch vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu tiên đến trường với bao nhiệt huyết, chuẩn bị bài vở chu đáo, kỹ lưỡng cho buổi dạy nhưng lại không có trò đến học. Chuyện này xảy ra không phải một lần mà là nhiều lần. Qua thời gian giảng dạy, cô nhận thấy công tác duy trì sĩ số ở trường thật sự khó khăn, bởi tập tục của người dân tộc thiểu số đưa con lên rẫy khi bố mẹ đi làm vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của bà con. Trong khi đó, phần lớn rẫy đều ở xa nhà, bà con đi làm có khi 2-3 ngày mới về nhà hoặc trong 1 ngày cũng từ sáng sớm đến chiều tối.

Trăn trở, suy nghĩ làm sao để “kéo” các cháu đến lớp khiến cô luôn canh cánh trong lòng. Thế là một buổi lên lớp, một buổi cô đến tận nhà các phụ huynh, trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và vận động bà con đừng đưa con lên rẫy mà cho con đến lớp vừa đảm bảo sức khỏe lại vừa được học chữ. Qua quá trình vận động, lớp học ngày một đông học sinh hơn.

Năm 1993, cô mạnh dạn trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức bán trú cho trẻ dân tộc thiểu số tại điểm lớp thôn Kon Tum Knâm. Được sự đồng ý của nhà trường, bản thân trực tiếp gặp già làng, thôn trưởng, họp cha mẹ trẻ, huy động dân trong thôn góp sức lao động, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ cho trẻ như chén, bát, xoong nồi, chăn, chiếu…Riêng cha mẹ trẻ chỉ đóng góp mỗi ngày 1 lon gạo. Quy định là vậy, nhưng không phải hộ gia đình nào cũng có được mỗi ngày 1 lon gạo để đóng cho con. Để duy trì được lớp, cô đã vận động bà con, nếu không có gạo có thể thay thế bằng những sản phẩm nhà có được. Vậy là lúc trái bí, lúc trái bầu, lúc củ mì…, có hôm nhiều quá không để lâu được bản thân cô lại trực tiếp đem ra chợ đổi lấy trứng, lấy thịt cho các cháu.

Cô Y Thăch tâm sự: “Tuy mệt, vất vả nhưng tôi cảm thấy vui vì các cháu đi học đều đặn, ngày càng đông. Các cháu ngoan, khỏe, tăng cân đều đặn. Từ 35 cháu ban đầu, đến năm 1995, số trẻ theo học bán trú ở thôn đã tăng lên được 70 cháu/3 lớp, trẻ 5 tuổi ra lớp 100% (25/25). Tôi lại tiếp tục tuyên truyền vận động cha mẹ tăng tiền ăn của trẻ lên mức 1200đ, 1500đ/trẻ/ngày, thấy hiệu quả, phụ huynh đồng tình ủng hộ cao. Cơ sở vật chất của điểm trường thiếu thốn, phòng học xuống cấp, tôi lại tiếp tục vận động nhân dân, các nhà tài trợ tu sửa cơ sở vật chất, xây mới 2 phòng học, đổ bê tông sân trường, mua sắm đồ chơi ngoài trời cho các cháu... Từ đó, điểm trường mầm non Kon Tum Knâm được khang trang, sạch đẹp và mô hình bán trú cho học sinh mầm non ở thôn được ngành giáo dục Kon Tum nhân rộng, đã giúp các cháu người dân tộc thiểu số được học chữ viết, học đọc... trước khi bước vào lớp 1 – đó là điều mà tôi cảm thấy vui mừng nhất”.

Ở tuổi 50, với 32 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô giáo Y Thăch cảm thấy hạnh phúc vì con cái chăm ngoan học giỏi, vì các cháu người dân tộc thiểu số ở trong làng từ những buổi học ban đầu ở bậc mầm non đã ý thức được tầm quan trọng của việc học để theo học lên các bậc học cao hơn... Những nỗ lực của cô đã được các cấp, các ngành ghi nhận, đặc biệt, tháng 11/2008, cô đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý - Nhà giáo ưu tú./.

Việt Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất