Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 2/2/2010 21:46'(GMT+7)

Hình tượng Đảng Cộng sản trong thơ ca Việt Nam hiện đại

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - Tranh sơn mài của Nguyễn Sáng

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - Tranh sơn mài của Nguyễn Sáng

Năm nay, kỷ niệm Đảng ta 80 xuân, bên cạnh niềm tự hào, mỗi đảng viên chân chính đều không khỏi có những nỗi buồn, những lo nghĩ về việc trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước vẫn còn không ít tiêu cực, nhất là những phần tử thoái hóa, những phần tử cơ hội, biến chất chỉ lo vinh thân phì gia, vênh vang trước quần chúng, làm mất uy tín của Đảng.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến thật vĩ đại.

Thành tựu đổi mới của đất nước hơn 20 năm qua cũng thật là vĩ đại. Vĩ đại và lớn đến nỗi, những ngày tăm tối nô lệ, những ngày nghèo đói đối với một số người còn rất rõ, nhưng đối với đại đa số cư dân Việt Nam hiện nay, những người sinh sau năm 1975, chuyện ấy tưởng như ở một thời lịch sử xa xôi lắm, tưởng chừng như không có thật. Dường như thế hệ cha anh như để bù đắp, đã cho con cháu mình hoa thơm quả ngọt mà xao nhãng dạy cách cuốc đất vun trồng; cho đôi cánh mà không cho đôi chân đứng vững trên đất mẹ, đứng vững trước mọi thử thách. Cho nên, nhiều nam thanh nữ tú hễ trái gió trở trời là đau đầu cảm sốt, sóng gió thời cuộc mới âm ỉ ở trời xa, đã xao xác niềm tin, mập mờ định hướng…

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam vẫn được kế thừa và phát huy dẫu cho cái phần dao động không phải nhỏ, không phải không đáng lo ngại.

Chính tôi, không phải nhiều lúc không bâng khuâng trước những đổi thay chóng mặt khó hình dung của thế sự, của dòng đời muôn ngả. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến tấm gương của những người cộng sản tiền bối.

Tôi nhớ Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trước lúc hi sinh còn để lại một lời dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Tôi nhớ Lý Tự Trọng. Vào mùa xuân năm 1931, khi anh mới 17 tuổi, trước tòa án thực dân Pháp ,đã khảng khái nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm là vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng, nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”. 13 năm sau, ngày 24 – 5 – 1944, trước khi ra pháp trường chịu án chém, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng , đã cất lên tiếng nói chân lý và lời tuyên án chế độ thực dân xâm lược: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hi sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta luôn luôn khẳng định sự thắng lợi của cách mạng. Và Người đã đúng trong mọi trường hợp, trong Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Người đã nêu ra những chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước không chịu làm nô lệ”. Đó là nhận thức, là tiên đoán của người nắm vững quy luật. Đó là niềm tin cộng sản.

Dù thời gian bao lâu, dù phương thức nào, dù phải chịu những thất bại tạm thời, thì cuối cùng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được nhân loại. Vì thế, nhà thơ Pháp Lu-i A-ra-gông (1897 – 1982) trong Bài ca của người hát trong ngục tù tra tấn đã khẳng định

“Nếu phải đi trở lại

Tôi đi lại đường này

Một tiếng từ ngục tối

Nói đến những ngày mai…”

Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam là có Bác Hồ, người tìm ra con đường tiến bộ của thời đại; có Đảng tài tình, lãnh đạo nhân dân đứng lên tự giải phóng khỏi ách xâm lược suốt một thế kỷ của đế quốc và ách áp bức hàng nghìn năm của phong kiến, lập nên nước VNDCCH, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông - Nam Á đầu tiên ở Châu Á.

 Đảng, Bác Hồ là người tạo ra bước ngoặt vẻ vang trong toàn bộ lịch sử dân tộc, có một ý nghĩa tái sinh đối với nhiều số phận, do đó, được toàn dân ghi nhận, biết ơn. Đó là một thực tế lịch sử hùng hồn.

Có một nhà văn nước ngoài từng hỏi tôi, vì sao ở Việt Nam, Đảng và lãnh tụ là một đề tài lớn trong văn học? Tôi đã trả lời chính vì lẽ đó. Chính vì lẽ, nghệ thuật luôn hướng tới cái đẹp, những giá trị nhân văn, là sự tìm tòi chân lý. Ở đất nước chúng tôi, Đảng cộng sản chính là chân lý, là nhân văn, vì Đảng sinh ra từ lòng dân, sinh ra để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng tôi, Điều lệ Đảng của chúng tôi cũng khẳng định: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử ra đời của Đảng 80 năm trước, khi “Dân một cổ hai tròng áp bức”, khi rất nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước do giai cấp phong kiến lãnh đạo, không thiếu tinh thần dũng cảm , hy sinh nhưng rốt cuộc đều thất bại thì càng dễ hiểu hơn điều đó. Văn chương, nghệ thuật nhằm phát hiện, xây dựng những điển hình tiêu biểu cho tương lai, cho sự tiến bộ, thì người đảng viên cộng sản Việt Nam chính là những nhân vật điển hình như vậy.

  *

    *      *

Đảng trước hết là con đường giải phóng, là hồn nước, là hình của nước.

Trong bài báo nổi tiếng “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Bác Hồ kể rằng, vào sau Đại chiến Thế giới thứ nhất, trong Đảng Xã hội Pháp mà Bác tham gia, người ta tranh cãi rất hăng về Quốc tế thứ hai, thứ hai rưỡi hay thứ ba của Lê-nin. Mong ước tha thiết nhất của Bác luôn luôn và trước hết là giải phóng đất nước, giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách xâm lược của bọn đế quốc. Một đồng chí trong Đảng đưa cho Bác tờ báo Nhân đạo có đăng Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. “Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”!

Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về giây phút đó một cách tài tình trong bài thơ dài “Người đi tìm hình của nước” :

Luận cương đến với Người và Bác Hồ đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một minh như nói cùng đất nước

“Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi”

Hình của Đảng lồng trong hình của nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười…

     Và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Ngày 3-2-1930 ( Mồng Năm Tết Canh ngọ), với Ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một tổ chức cộng sản thống nhất trong cả nước. Hội nghị này được coi là Đại hội lần thứ nhất, Đại hội thành lập Đảng. Từ đó đến khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trải qua khủng bố trắng, trải qua sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, nhiều Tổng Bí thư của Đảng như đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và hàng trăm, hàng nghìn đảng viên ưu tú đã anh dũng hy sinh.

Thơ viết về Đảng, trước hết chính là thơ của những người cộng sản tự viết về mình như một lời thề nguyện hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc:

  Vì nghĩa búa liềm ra biểu tự

  Nên tình chăn gối phải hi sinh

(Lê Viết Lượng)

Thơ ấy chân thực, cao cả, không chỉ viết bằng mực, bằng vần điệu mà bằng chính máu thịt cuộc đời, do đó có sức lay động mạnh mẽ. Nhắn bạn của Hoàng Văn Thụ là một thí dụ tiêu biểu khác:

   Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành

Hỡi bạn xa gần hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành

Họ chấp nhận hi sinh:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

(Tố Hữu)

Sự dấn thân, sự hy sinh của những con người mang trái tim Đan-kô ấy đã tạo nên một truyền thống cực kỳ vẻ vang của Đảng, tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng-sự gắn bó không bất cứ tổ chức chính trị ở nước nào có được, sự gắn bó cần được đời đời quý trọng , giữ gìn. Nếu những người đảng viên của thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc ấy, đã trở thành những tấm gương trung liệt đáng được phong thần, đáng được đời đời ghi ơn theo truyền thống dân tộc :

Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng

Tấm lòng son chói sáng nghìn thu

Mặt trời có lúc mây mù

Trái tim kia vẫn đỏ bầu máu tươi

Người đang sống nhớ người đã khuất

Nhớ những anh, chị mất trên đường

Tù lao, máy chém, chiến trường

Dẫu tan nát thịt, còn vương vấn hồn:

Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng

Chết còn trao súng đạn, quên đau

Chết còn trút áo cho nhau

Miếng cơm dành để người sau ấm lòng.

Hỡi những trái tim không thể chết

Chúng tôi đi theo vết các anh

Những hồn Trần Phú vô danh

Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn…

thì dân đối với Đảng như mẹ đối với con :

Ơn người như mẹ, như cha

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con!

Nghèo rau cháo từng lon gạo bữa

Danh cho ta chút sữa cầm hơi

Dù khi tắt lửa , tối trời

Vững lòng quyết sống, không rời Đảng ta

Dù khi giặc khảo , giặc tra

Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình...

( Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu)

Dân như thế, mà có kẻ cứ muốn đứng trên đầu dân, mà móc ngoặc nhau bòn rút của dân, vơ vét cho đầy túi tham của mình, thì thật là những kẻ vô liêm sỉ, không đấu tranh, xử lý, còn e ngại điều gì ? Đọc sử Đảng, pho lịch sử bằng máu, bằng vàng, bằng tình thương yêu cao cả, để mà vững thêm tinh thần chiến đấu, quét sạch mây mù. Phải chăng, kỷ niệm 80 năm của Đảng, thực hiện Di chúc của Bác, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ mười một, cần phải phát động trong Đảng, trong nhân dân một chiến dịch, mang tên chiến dịch của lòng tin,  chống lại những gì làm ô danh Đảng, những gì làm mất lòng tin của nhân dân với tinh thần của Bình Ngô đại cáo :

Đánh một trận sạch không kình ngạc

Đánh hai trận tan tác chim muông

Cơn gió to quét sạch lá khô

Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ…


  *

    *      *


    sao nhắc đến Đảng, thơ viết về Đảng từng là tiếng hát tha thiết,say mê? Vì đó  là tiếng hát say mê lý tưởng, là điều nâng con người lên một tầm cao mới trong tình hữu ái đối với giai cấp, với dân tộc, làm cho con người trở nên người hơn:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim


Tôi buộc hồn tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

     (Từ ấy, Tố Hữu)

Đề tài về Đảng, về lãnh tụ trở thành một đề tài lớn trong văn học không chỉ ở số lượng các bài thơ được đăng tải, quan trọng hơn là ở số những nhà thơ lớn nhất của thời đại đều tham gia.Thơ viết về Đảng đều là những bài thơ hay, có sức sống vượt thời gian. Năm 1949, nhà thơ Chế Lan Viên, một nhà thơ lãng mạn trước cách mạng được kết nạp Đảng ngay trên quê hương Quảng Trị của mình, đã có một bài thơ nổi tiếng, bài “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Ở bài thơ này, tác giả không chỉ bày tỏ tình cảm chân thành, tha thiết của riêng mình mà còn thể hiện được tính chất nhân dân của Đảng :

   Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

Đá sỏi cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng

Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn

Bỗng chan chứa bao điều chưa nói hết...


Mẹ ơi! Mẹ không là “Đồng chí”

Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ

Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này

Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây

Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc

Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát

Đảng mến yêu ơi có phải mẹ giới thiệu con vào?

  

“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. Đó là một định nghĩa chính thức, được ghi vào Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X, nhưng người dân đến với Đảng bằng tình cảm gia đình theo truyền thống văn hoá dân tộc. Đảng là linh hồn của dân. Bác là linh hồn của Đảng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết rất đúng về điều này:

Hồ Chí Minh

Người ở khắp nơi nơi…

Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ

Lắng từng câu, từng ý chưa thành

Người là cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

Người ngồi đó, với cây chì đỏ

Vạch đường đi từng bước, từng giờ…

Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ

Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại!

(Tố Hữu- Sáng tháng Năm)

Cũng trên cơ sở cảm nhận ấy, sau này trong bài thơ dài Ba mươi năm đời ta có Đảng, nhà thơ có cái nhìn khái quát hơn. Trong những câu chữ ngắn gọn, cô đúc, nhà thơ đã định nghĩa về Đảng như biểu tượng tinh tuý nhất của đông đảo nhân dân, của tinh thần đại đoàn kết, ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt của dân tộc vào tương lai tươi sáng; Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống hài hoà giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là một đoạn thơ thật hay, đoạn thơ đã và sẽ còn nằm trong lòng nhiều thế hệ:

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng.

Đảng ta, muôn vạn công nông

Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin

Đảng ta, Mác- Lê-nin vĩ đại

Lại hồi sinh, trả lại cho ta

Trời cao đất rộng bao la

Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người…

Cũng trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), nhà thơ Khương Hữu Dụng có một bài thơ nói lên cảm nhận, cảm xúc đẹp đẽ, dào dạt về Đảng, bài thơ Những tiếng thân yêu. Bài thơ này đã được phổ nhạc thành bài hát có sức lan truyền rộng rãi. Ở đó, Đảng được cảm nhận, được thể hiện như một phạm trù gia đình, phạm trù của những gì yêu thương nhất:

Khi còn ở trong nôi

Đôi môi hồng bập bẹ

Thân yêu nhất đời ta

Tiếng đầu lòng Mẹ, Mẹ


Tuổi mười tám, đôi mươi

Thêm vào hai tiếng mới

Tiếng Anh và tiếng Em

Hai mái đầu chụm lại

Nhiều giấc mơ cùng xây


Một bàn tay măng non

Quờ lên đôi má rát

Một tiếng chim trong vắt

Đời vui thêm tiếng Con


Gia đình trong ba – lô

Bước lên đường cách mạng

Trong những tiếng thân yêu

Đã thêm vào tiếng Đảng


Lòng nôi nào không ấm

Giấc mơ nào không thành

Tiếng chim nào không trong

Khi đời ta có Đảng...

Đảng còn chính là bản thân ta ddược nhân lên thành đội ngux, thành cả khối người yêu thương :


Đảng là Mẹ, là Con

Đảng là Anh, là Em

(Nói thế nào cho đủ)

Đảng là Ta nhân lên


Trước đó, vào năm 1956, khi Mỹ- Diệm đàn áp gắt gao những người cộng sản và kháng chiến, từ miền nam, nhà thơ Thanh Hải (Phạm Bá Ngoãn) gửi ra bài thơ Mồ anh hoa nở. Ở bài thơ này và nhiều bài thơ khác, hình tượng của Đảng được khắc họa như hình tượng của nhân dân, vì thế mà trở nên bất diệt:


 

Hôm qua chúng giết anh

Xác phơi đầu ngõ xóm

Khi lũ chúng quay đi

Mắt trừng còn doạ dẫm:

Thằng này là cộng sản

Không được đứa nào chôn!


Lũ chúng vừa quay lưng

Chiếc quan tài sơn son

Đã đưa anh về mộ

Đi theo sau hồn anh

Cả làng quê đường phố

Cả lớn nhỏ gái trai

Đám càng đi càng dài

Càng dài càng đông mãi


Cành hoa này em hái

Vòng hoa này chị đơm

Cây bông hồng em ươm

Em trồng vào trước cửa


Mộ anh trên đồi cao

Hoa hồng nở và nở

Hương thơm bay và bay

Lũ chúng nó qua đây

Mắt diều không dám ngó

Trên mộ người cộng sản

Hoa hồng đỏ và đỏ

Như máu nở thành hoa…

Ở một phía khác, từ miền bắc XHCN, hình tượng của Đảng được nhà thơ Xuân Diệu liên tưởng tới hình ảnh người khổng lồ, gánh mọi gánh trách nhiệm lớn lao trước toàn dân tộc, trước mỗi ước mong cụ thể của mỗi người:

Không phải chuyện đời xưa mà chuyện đời nay

Có một người chất vạn gánh trên vai

Vạn gánh đầy tràn, gánh to, gánh nhỏ

Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ

Trên đôi vai người ấy gánh và đi...


Trăm dâu đổ đầu tằm

Trăm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm

Bàn ghế ở đâu xộc xệch, người ấy phải lo

Đường sá ở đâu bụi bặm, người ấy phải lo...

      (Xuân Diệu, Gánh)

Nhà thơ Chế Lan Viên, bên cạnh Người đi tìm hình của Nước mang tính khái quát, và Kết nạp Đảng trên quê mẹ tha thiết những kỷ niệm gắn bó quê hương thì ở Nghĩ  về Đảng (1966) cũng là nghĩ về Đảng vĩ đại trong những điều lo toan cụ thể:

Đảng ở đâu phân phối trái vườn thơm

Đây ta đuổi ruộng mặn đồng chua thành ngon ngọt

Mưa tám trăm ly, Bác phải lội bùn

Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước

Giồng hoa ư? Phải dọn gai thép trại đồn

Một hạt thóc cũng trải hết từ cơn bão A đến cơn bão H

Đảng nghĩ số triệu dân, nghĩ sức nước sông Cả, sông Hồng

Nghĩ vóc dáng những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng

Những mâm cơm ta có gì, Trung ương phải nghĩ

Một lạng ngô thôi cũng lo đều cho mười chín triệu dân

Ai biết hết những đêm dài của Bác

Mỗi loạt súng miền Nam đều làm Người trở giấc…


Đề tài về Đảng là một đề tài đã thu hút được hầu như tất cả các văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất. Về hội hoạ, có Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, được coi là niềm tự hào của hội hoạ Việt Nam.

Về âm nhạc, càng có thành tựu hơn, vì đó là tiếng hát, tiếng lòng. Có thể kể đển Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam của Đỗ Minh; Đảng là cuộc sống của tôi của Nguyễn Đức Toàn; Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho tôi một mùa xuân của Phạm Tuyên; Lời ca từ trái tim của Văn An; Đường đi có nắng mặt trời của Hồng Đăng… Nghe lại những ca khúc ấy, càng tự hào biết mấy về Đảng ta, một nguồn sống, nguồn sáng chói ánh mặt trời: “Vầng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên, Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới, Ngàn triệu dân xiết tay nhau đứng quanh Đảng Lao động Việt Nam, Khối kết đoàn công nông và trí thức…” (Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam); “Đảng là cuộc sống của tôi, Mãi mãi đi theo Người, Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió, Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao… ” (Đảng là cuộc sống của tôi).

      *

      *     *

sao ngày nay ít có thơ hay về Đảng? Nếu đó là điều cần lý giải thì tôi cho rằng, cảm nhận của người nghệ sĩ bao giờ cũng là cảm nhận trực tiếp. Cái đầu cảm nhận được mà trái tim chưa rung lên thì dòng chữ không thể có hồn. Muốn trái tim người nghệ sĩ rung lên thì phải có những tấm gương được trông thấy. Vẻ đẹp trí tuệ của Đảng trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay khó được nhìn thấy hơn so với vẻ đẹp, sự cao cả của sự hy sinh chính cuộc sống của mình như người đảng viên cộng sản trước đây. “Con sâu làm rầu nồi canh” cũng là một lý do khác. Thêm vào đó, lớp văn nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trong thời bình chưa có được sự hiểu biết, gắn bó với Đảng thật sâu sắc và máu thịt, trong khi đó còn bị ảnh hưởng của những luận điệu tuyên truyền, xuyên tác từ bên ngoài.

Viết về Đảng,  cần có gì?

Trước hết phải có lý tưởng cao đẹp, tức là sống bằng lý tưởng  của Đảng, sống bằng niềm tin của niềm tin của Người cộng sản .Cùng với đó là phải sống trong đời sống thật sự của nhân dân, buồn vui những cảm xúc lớn. Thiếu hai điều đó thì không thể viết thành công về bất cứ đề tài gì, không hòng lay động được bạn đọc trừ sự tự huyễn hoặc đối với chính mình.

Tôi nhớ năm 1979. Đó là thời kỳ chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Việt Nam bị cấm vận, cô lập. Đói kém, gian khổ vô cùng. Có câu rằng Năm tám mươi gạo thóc tám mươi, Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ (một tháng lương của công chức chỉ đủ mua một yến rưỡi gạo). Nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ- nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền gặp nhau ở Tp Hồ Chí Minh. Hai người cùng sáng tác nên bài hát về Đảng, bài Màu cờ tôi yêu với ca từ “Hồng như màu của bình minh, Đỏ như màu máu của mình tim ơi, Búa liềm vàng rực giữa trời, Là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Bài hát ấy, trong lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua ấy, không chỉ thể hiện tình yêu, niềm tin của người nghệ sĩ mà đã góp phần củng cố lòng tin, làm tươi tắn thêm cuộc sống. Giá trị của nghệ thuật là ở đó hay chỉ ở sự tán tụng của nhà phê bình?

    *

  *       *

Kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc tới Bác Hồ, người sáng lập ra Đảng, người đã đi xa, người viết về Đảng có thẩm quyền nhất. Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ngày 5- 1- 1960, Người viết:

Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại”. Kết thúc bài diễn văn là đoạn thơ thể hiện sâu sắc mục đích, bản chất của Đảng ta, thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng đối với dân, dân đối với Đảng:

Đảng ta như biển rộng, như núi cao

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng…”

Ghi nhận công lao của Đảng chính là lương tri lịch sử. Sống không phụ công ơn tiền nhân, đặt lợi ích dân tộc lên lợi ích cá nhân, cách sống cộng sản ấy, là lương tri của mỗi con người.

   NGUYỄN SĨ ĐẠI
(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất