Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 30/1/2010 16:46'(GMT+7)

Nhìn rõ năm 2009 để tự tin thực hiện nhiệm vụ kinh tế năm 2010

Xuất khẩu gạo vẫn là thế mạnh của VN. Ảnh minh họa

Xuất khẩu gạo vẫn là thế mạnh của VN. Ảnh minh họa

Nhìn thấy rõ những khó khăn, thách thức đó, chúng ta đã chuyển nhanh từ chủ trương và giải pháp chống lạm phát sang chống suy giảm kinh tế với một loạt các chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời của Đảng và Chính phủ. Với kinh nghiệm thành công trong chống lạm phát, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của dân và doanh nghiệp, chúng ta tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ chống suy giảm kinh tế năm 2009. Biểu hiện trên các mặt chủ yếu:

Kết thúc kế hoạch năm 2009, chúng ta đã có 18/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng chống lạm phát và ổn định đời sống, xã hội. Trên cơ sở các chỉ tiêu đó, chúng ta đã ngăn chặn suy giảm kinh tế; tăng trưởng GDP quý sau tăng hơn quý trước, tăng trưởng cả năm đạt mức 5,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp 1,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,4%, khu vực dịch vụ đạt 6,5%. Có thể khẳng định nền kinh tế chúng ta đã chạm đáy của sự suy giảm và đang phục hồi theo hướng bền vững.

Trong khó khăn, chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao quay trở lại trong điều kiện phải miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và dân, tăng chi ngân sách đảm bảo cho an sinh xã hội, đời sống nhân dân, chúng ta vẫn giảm được bội chi ngân sách so với kế hoạch đặt ra (kế hoạch 7%, đã thực hiện 6,9% so với GDP).

Cán cân vãng lai thâm hụt 6,5 tỷ USD, cán cân vốn vẫn thặng dư 7,3 tỷ USD. Cả năm cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt khoản 1, 9 tỷ USD trong điều kiện tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 9,9% so với kế hoạch đề ra, kiều hối và đầu tư nước ngoài giảm hơn năm 2008.

Để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chúng ta phải nới lỏng chính sách tiền tệ bù lãi suất, miễn giảm thuế trợ cấp xã hội, trích lương cho một số đối tượng. Nhưng lạm phát vẫn kiềm chế ở mức dưới 7% (kế hoạch đề ra dưới 10%). Kết quả này không những là yếu tố ổn định tình hình kinh tế - xã hội mà còn tạo cơ sở vững chắc cho kinh tế phát triển sau khủng hoảng.

Đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát quay trở lại, chúng ta đã thực hiện có kết quả mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo và duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo đời sống cho dân nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa… cùng với chính trị ổn định, giữ vững an ninh trật tự, xã hội là cơ sở để phát triển đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2009 đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Hai chỉ tiêu quan trọng nhất để phát triển kinh tế đạt thấp so với nhiều năm qua và thấp so với kế hoạch đề ra là tốc độ tăng giá từ sản xuất công nghiệp và tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các cân đối vĩ mô còn những yếu tố chưa được đảm bảo vững chắc như bội chi ngân sách, nhập siêu còn ở mức cao, cán cân vãng lai, thương mại, thanh toán chưa được cải thiện tích cực, cùng với mặt trái của các chính sách kích thích kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại. Việc làm, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn; tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội chưa giải quyết được bao nhiêu; hiệu lực quản lý ở một số lĩnh vực chưa được phát huy; thủ tục hành chính chậm đổi mới, còn cản trở, làm giảm sút lòng tin trong nhân dân, doanh nghiệp

Nhìn xa hơn, toàn diện hơn thì cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng có yếu tố không phù hợp, hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh, chất lượng nguồn lực nhìn chung kém. Đó là những hạn chế và điều này đang gây trở ngại cho việc thực hiện các chỉ tiêu của năm 2010 và những năm sau.

Tất cả những mặt được, chưa được của năm 2009 là những nội dung phải được nhận biết rõ ràng, có những phân tích sâu sắc, làm cơ sở tiếp tục đặt ra những nội dung giải pháp và cách điều hành cho năm 2010.

Năm 2010, kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng, các quốc gia đều nỗ lực thoát nhanh ra khỏi cuộc suy giảm kinh tế, tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng nhìn chung, tốc độ phục hồi chậm và không thể nhanh trong năm 2010, chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, kể cả mặt tích cực và mặt hạn chế, tồn tại.

Tuy nhiên, với kết quả và kinh nghiệm của chống lạm phát và chống suy giảm kinh tế những năm qua, đã tạo tiền đề tăng trưởng nhanh, bền vững cho nền kinh tế những năm sau. Mục tiêu đặt ra cho năm 2010 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các chi tiêu tăng 6,5% GDP, kiềm chế lạm phát dưới 7% và các chi tiêu về xã hội, môi trường đã được Quốc hội thông qua là hoàn toàn phù hợp có khả năng thực thi.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2010, chúng ta cần chú trọng triển khai một số nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính hết sức cơ bản sau:

Thứ nhất, cần lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ 6 giải pháp của Chính phủ đề ra một cách khẩn trương, nghiêm túc; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ, xử lý mắc mớ kịp thời, đảm bảo cho việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2010 cũng như cho việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006 – 2010. Trong chỉ đạo, điều hành cần luôn quán triệt tinh thần ổn định để phát triển bền vững. Trước hết là tập trung ưu tiên giải quyết có kết quả và chất lượng các cân đối vĩ mô, các vấn đề nổi lên đối với cả kinh tế và xã hội, như việc làm cho người lao động và cải thiện mức sống cho những người làm công ăn lương và đời sống cho khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, cải thiện và kiểm soát được bội chi ngân sách, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán, cán cân thương mại theo hướng nhanh, linh hoạt, khai thác nhanh những cơ hội và yếu tố tích cực, ngăn chặn và xử lý kịp thời những yếu tố gây rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế.

Thứ ba, tập trung giải quyết một cách uyển chuyển và có kết quả vấn đề vốn, nhất là vốn trung hạn, dài hạn và tỷ giá lãi suất, có hệ thống chính sách biện pháp để khai thác thị trường nội địa, lành mạnh hoá các thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường vàng và thị trường tín dụng.

Thứ tư, đồng thời với những nội dung và giải pháp xử lý có tính chất ngắn hạn và trước mắt cần tập trung nghiên cứu trung dài hạn với lộ trình thích hợp những chủ trương lớn đã được đặt ra. Như vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế hoàn chỉnh thể chế và cách quản lý phù hợp. Cần quan tâm đến vấn đề xây dựng và phát huy thị trường nội địa, vấn đề tăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn, vấn đề vận động người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam…

Thứ năm, triển khai có kết quả chủ trương giảm 30% thủ tục hành chính. Phát huy chức năng và kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán làm thường xuyên với diện rộng, xử lý nghiêm những sai phạm nhất là những vụ điển hình, gây tác hại lớn đến kinh tế và lòng tin của nhân dân; thường xuyên đảm bảo và thực hiện công khai, dân chủ và công bằng, khôi phục và giữ vững là yếu tố quan trọng để vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Những kinh nghiệm chúng ta rút ra của năm 2009 về dự báo, về đánh giá tình hình, về giải pháp và chính sách phù hợp, về chỉ đạo tập trung, về đảm bảo ổn định vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường giám sát của các cơ quan quyền lực đảm bảo công khai, minh bạch…là những bài học rất bổ ích phải được áp dụng triệt để, tạo đà cho việc triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo.

Nhìn rõ thực trạng năm 2009, dự báo sát tình hình, định hướng phù hợp, thực hiện đồng bộ và nghiêm túc các mục tiêu nội dung, giải pháp, chúng ta có thể vững tin, kỳ vọng rằng năm 2010, đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra./.

TS. Cao Sĩ Kiêm

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất