Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 30/1/2010 10:5'(GMT+7)

Rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng

1. Vận dụng một cách sáng tạo và thành công những luận điểm của học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng: Mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, và “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc”(1). Vì vậy, không chỉ chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền”(2), và “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(3).

Mùa xuân năm 1930, như một tất yếu khách quan của lịch sử, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của phong trào cách mạng cả nước về sự cần thiết “phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(4), Hồ Chí Minh đã triệu tập và tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng một Đảng cách mạng chân chính với sứ mệnh lịch sử như vậy, Hồ Chí Minh đã tiên lượng và chuẩn bị chu đáo để Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền. Sau đó, thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, kiên định con đường đã lựa chọn: Độc lập dân tộc và CNXH, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo, xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, trên cơ sở rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho những đảng viên cộng sản.

Trong những năm lãnh đạo quần chúng đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện phê bình và tự phê bình, “cả quyết sửa lỗi mình”, giữ gìn sự đoàn kết và tự chỉnh đốn sau mỗi bước ngoặt của cách mạng. Gương mẫu đi đầu, nếm mật, nằm gai và ngày một trưởng thành, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tập dượt và đón được thời cơ, sẵn sàng và kịp thời đối phó với những biến cố lịch sử; cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cùng với việc giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Trong điều kiện lịch sử mới, với vị thế và quyền lực mới, Đảng cũng đồng thời đứng trước những vấn đề mới: đó là làm thế nào để quyền lực không làm tha hóa Đảng, không làm biến chất, suy thoái đội ngũ đảng viên.

Từ những tiềm ẩn về nguy cơ trong tình hình mới, Hồ Chí Minh đã hơn một lần khẳng định rằng, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Hơn bao giờ hết, Đảng cầm quyền càng phải phấn đấu, rèn luyện để trở thành một Đảng thật trong sạch vững mạnh và việc xây dựng Đảng phải được thực hiện trên cơ sở “lấy dân làm gốc”, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí, giữ gìn kỷ luật, nghiêm túc thực hiện phê bình và tự phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ, tăng cường mối quan hệ máu thịt Đảng Dân, v.v.. Đảng đồng thời cũng phải luôn sáng tạo, chỉnh đốn và tự đổi mới.

2. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, cùng với mỗi bước ngoặt của cách mạng, tình hình và nhiệm vụ mới luôn đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Vì vậy, chỉnh đốn tổ chức, tăng cường lực lượng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, giữ vững lập trường tư tưởng, v.v... của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là một yêu cầu bức thiết. Theo Hồ Chí Minh, đó không chỉ là yêu cầu khách quan của thời cuộc, đó còn là nhu cầu tự thân của Đảng.

Sau thành công của cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản từ hoạt động bất hợp pháp chuyển sang hoạt động hợp pháp. Nhiều cán bộ, đảng viên trở thành những người nắm giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan công quyền của Đảng và Nhà nước. Vị thế mới đã khiến một số “cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt”, hoặc vô tình, hoặc do suy thoái đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, xa dần các nguyên tắc xây dựng Đảng. Trước hiện tượng đó, Hồ Chí Minh nêu rõ, phải chỉnh đốn lại nội bộ Đảng và thông qua rèn luyện đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để xây dựng Đảng, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đồng lòng “quay về một hướng”.

Cũng theo Hồ Chí Minh, khi đã trở thành Đảng cầm quyền, để định ra đường lối đúng, quyết sách đúng, Đảng phải thường xuyên tăng cường chỉnh đốn lại nội bộ. Bởi rằng, dù là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân và dân tộc, song không phải chỉ như vậy là Đảng đã trở thành vĩ đại. Biện pháp khoa học nhất, thường xuyên nhất để Đảng luôn là đội tiền phong, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử “bộ chỉ huy tối cao của dân tộc” là quét sạch chủ nghĩa cá nhân, là nâng cao đạo đức cách mạng trong toàn Đảng và “chỉnh đốn lại Đảng” trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Từ đó, chúng ta càng thấy thấm thía và ý nghĩa hơn khi giữa bề bộn công việc chỉ đạo công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Vẫn biết các đồng chí nói chung có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ những ưu điểm ấy mà thôi, cũng chưa đủ”. Vì thế, các đồng chí phải “mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để đi đến thắng lợi vẻ vang”(5).

Khi tất cả nội dung và mục tiêu của dân tộc ta đều hướng vào một đường đi, đó là kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới CNXH, thì như một tất yếu, công tác xây dựng Đảng lại vẫn là nỗi bận tâm của Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh: Đảng ta thành tích nhiều nhưng khuyết điểm cũng không ít, nên muốn hoàn thành những việc nêu trên, thì việc trước hết là phải chỉnh đốn nội bộ Đảng, “vì vậy, học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”(6).

Sau đó, để chuẩn bị cho tổng phản công giành thắng lợi, chuẩn bị cho những trận đánh quyết định trên toàn chiến trường, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Chỉnh Đảng là việc chính mà chúng ta phải làm ngay, và không thể chỉnh đốn Đảng nếu không giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng trong toàn Đảng. Và thực tế, chỉnh Đảng đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng để làm nên một Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Tuy nhiên, chiến thắng to lớn đó và hiệp định Giơnevơ đã làm xuất hiện trong không ít người tâm trạng thoả mãn thời bình. Người thì do vô tình, người thì vì ý chí ươn hèn, lập trường không vững mà xa dần Đạo đức cách mạng. Chính trong những năm miền Bắc tiến hành khôi phục, cải tạo và xây dựng CNXH, lại cũng là Hồ Chí Minh đã từ sự tiên liệu, băn khoăn, trăn trở của mình, từ sự vận động, phát triển của Đảng qua mỗi bước chuyển của cách mạng, đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống nạn tham ô, lãng phí, tệ quan liêu, và yêu cầu xử lý nghiêm minh tệ hối lộ của cán bộ đảng viên. Thấm nhuần lời dạy của Lênin, có ba kẻ thù chính mà những người cộng sản chân chính của Đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh, đó là tính kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ và nạn hối lộ, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng nhất định phải dám nhìn nhận khuyết điểm, sửa chữa sai lầm và phải có sự kiểm tra chặt chẽ. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận, phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, v.v... là những tiêu chuẩn của một Đảng cách mạng thật sự, nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm trước giai cấp, nhân dân và dân tộc.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng: “Tất cả các đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”(7), nên Người nhấn mạnh: Then chốt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là thật thà tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển Đảng và có thường xuyên làm được như vậy, người đảng viên mới gột rửa những tư tưởng, quan điểm, hành vi sai trái với phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Hơn nữa, phê và tự phê của người cán bộ, đảng viên chính là đấu tranh để góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, “cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tuy nhiên, cũng chính Người đã từng nhiều lần nhắc nhở: Tự phê bình và phê bình chỉ “đặc hiệu” khi cả người phê bình và người bị phê bình thành khẩn, trung thực, kiên quyết và có văn hoá. Phê và tự phê là để học cái hay và tránh cái dở, chứ không phải là vùi dập, không phải là đập cho tơi bời mới là thực sự góp phần xây dựng Đảng.

Chúng ta đều biết, sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết, thống nhất. Chúng ta càng không quên rằng: khi khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng rạn nứt, đặc biệt là sự rạn nứt ở các quan lãnh đạo cấp cao thì sức chiến đấu của Đảng bị tê liệt, nguồn sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân cũng vì thế mà suy kiệt. Càng đầy cam go, thử thách, Đảng càng phải thống nhất ý chí, thống nhất hành động, vì vậy, Hồ Chí Minh khuyên các đồng chí trong Đảng phải đoàn kết, thương yêu, nuôi dưỡng và phát triển tình thương yêu đồng chí, chống bệnh công thần, ham địa vị, kèn cựa và cục bộ, v,v... Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết”(8), để “Ta thành công chính vì ta đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng”(9).

Quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã luôn gắn lợi ích giai cấp, dân tộc với đoàn kết quốc tế để tranh thủ và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc và thời đại, để đảm bảo đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Thật đặc biệt, song không phải ngẫu nhiên, trước khi từ biệt chúng ta trở về với cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh lại căn dặn những lời đầy tâm huyết trong bản Di chúc lịch sử: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý, phục vụ nhân dân” và “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(10).

3. Xây dựng Đảng ta thật trong sạch và vững mạnh ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Phải nâng cao sức chiến đấu, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, và thực tế sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới, nhiệm vụ rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, chống nguy cơ suy thoái của đảng cầm quyền, thiết thực xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn là nỗi bận tâm, nhức nhối trong tâm tư những người cộng sản Việt Nam.

Từ thực tiễn cách mạng, từ cuộc đời một Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và tấm gương đạo đức cách mạng của người cộng sản mẫu mực cùng những lời căn dặn đầy tâm huyết của Người (trong các trước tác, đặc biệt là trong bản Di chúc), công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên cơ sở giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, của đời sống xã hội hiện tại, tình trạng suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn và ngày càng lan rộng. Vì vậy, để “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, nâng cao uy tín và thanh danh của Đảng ta”(11), Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn cả nước.

Hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh, giáo dục đạo đức cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trong nhân dân, và thiết thực góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hy vọng rằng, khi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên thiết thực trong đời sống chính trị của toàn xã hội, khi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân không chỉ kể lại mỗi câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn làm theo Người, là mỗi lần mỗi người có dịp ôn lại những tiên liệu, những chỉ dẫn cùng những biện pháp của Người để Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh đưa sự nghiệp vì một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đến thành công./.

TS. Văn Thị Thanh Mai
Bảo tàng Hồ Chí Minh

------------------------

(1) C. Mác-P. ĂngGhen, Tuyển tập, Nxb. ST, H, 1980, t.1, tr.565

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H , 2000, t. 2, tr.280, 280, 268

(5), (8) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 5, tr. 75, 238

(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 6, tr.167

(7) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. TB, M, 1978, t. 45, tr.141

(9) Hồ Chí Minh, Sđd, t.11, tr.467

(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.503-497

(11) Lê Khả Phiêu, Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất