Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 12/5/2011 21:26'(GMT+7)

Hồ Chí Minh- một tấm gương đạo đức mẫu mực

 Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta về với thế giới người hiền, Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng viết: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nươc ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người lại làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam - Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, Người còn đồng thời là “một trong những người hiếm có, được lịch sử giao phó, Người tiêu biểu cho một nền đạo đức mới, đạo đức mácxít mang đầy nhân tính sâu sắc và đầy tinh thần xả thân quên mình”[1]. Thế giới dù có đổi thay, song dường như “những điều mà mình hàng ngày mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát muốn vươn tới”[2] đều hiển hiện trong cuộc đời và tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Người.

Người cách mạng phải có đạo đức làm nền tảng

Từ nhận thức sâu sắc rằng: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, vì nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy họ cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, không thể hoàn thành được nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó, Hồ Chí Minh đã trên cơ sở kế thừa, tiếp thu, chắt lọc và phát triển vượt trội tinh thần hiếu học, sự tu dưỡng đạo đức cá nhân của Khổng Tử; tư tưởng nhân văn, lòng bác ái cao cả của Đức Chúa Giêsu và khái niệm đạo đức mới, đạo đức cách mạng của những người cộng sản theo những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin, để làm phong phú và nâng những giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam lên một nấc thang giá trị mới.

Sớm khẳng định: đạo đức là gốc của người cách mạng, trong tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản đầu năm 1927 tại Quảng Châu, lần đầu tiên, Hồ Chí Minh đã đưa ra những chuẩn mực của đạo đức cách mạng trong mục “Tư cách người cách mệnh”. Sau này, trong suốt hành trình lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người không chỉ thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống tư tưởng ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, lãng phí xa hoa, mà Người còn cảnh báo những những biểu hiện của suy thoái đạo đức. Đó không chỉ là “tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành”, “tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lênh”, đó còn là “không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu khó học tập để tiến bộ”, và thường gây “mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật”[3],…Đó cũng chính là “những viên đạn bọc đường” dễ đưa những người kém ý chí, lòng dạ không còn trong sáng trở thành những kẻ tha hoá, những kẻ phản bội, làm hại đến đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Không dừng lại ở cảnh báo, suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn chỉ ra những biện pháp để ngăn ngừa những thói hư, tật xấu, luôn nảy nở, sinh sôi trong mỗi con người nói chung và đội ngũ cán bộ đảng viên nói riêng, khi yêu cầu mỗi người phải có “tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”, “gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”[4]. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng sẽ không thể làm mực thước trước nhân dân, không thể được nhân dân tin yêu, quý trọng và càng không thể “mình vì mọi người”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “chí công vô tư” nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, sa vào tham ô, tham nhũng.

Tấm gương đạo đức mẫu mực Hồ Chí Minh

Cái cốt lõi, cái làm nên nét độc đáo hấp dẫn ở Hồ Chí Minh chính là sự nhất quán trong cả lời nói và hành động của Người. Không chỉ nêu ra những chuẩn mực đạo đức cách mạng, (Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương, quý trọng con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng), cùng những nguyên tắc về xây dựng đạo đức cách mạng (Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống, phải tu dưỡng suốt đời), Hồ Chí Minh còn là một mẫu mực của sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời. Với Người, vô luận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm lịch sử nào, lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân luôn được đặt lên trên hết, trước hết. Đối với Người, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.

Dường như tất cả những phẩm cách tốt đẹp của bản sắc dân tộc Việt trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều được khơi dậy, hội tụ nơi Hồ Chí Minh. Cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh thực sự là một tấm gương đạo đức và nhân cách thanh cao của người chiến sĩ cộng sản hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đối với Người, không có gì là của riêng - “Gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất thảy điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm, thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo”[5]. Hồ Chí Minh là Người nói như đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí Thư Trung ương Đảng là kiểu người lãnh đạo hiếm thấy, “luôn luôn từ chối việc nắm quyền lực”. Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, nhưng đối với Người, đó chỉ là nhận sự uỷ thác của nhân dân. Đặc biệt, Hồ Chí Minh thường “nêu ra vai trò tập thể Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Chính phủ. Người dứt khoát bác bỏ tham vọng quyền lực, chỉ muốn sẻ bớt cho người khác, nhưng làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm gương mẫu”[6].

Hồ Chí Minh luôn hết lòng yêu thương nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Trái tim đầy nhiệt huyết của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh nung nấu một khát vọng giải phóng đồng bào, giải phóng những người lao động, những người bị áp bức trên toàn thế giới, nên đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911). Và trong suốt hành trình đấu tranh cách mạng, “Người luôn luôn ở giữa quần chúng nhân dân, mang lại muôn vàn tình thân yêu cho con người”[7]. Đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập tự do, vì hoà bình và tiến bộ xã hội trải dài hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh đã không chỉ là người Việt Nam đẹp nhất, là một tấm gương mẫu mực của tinh thần đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, mà cuộc đời Người, đạo đức cách mạng của Người còn “thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[8].

Vì vậy, dù đã đi xa, 100 năm sau kể từ ngày Người ra đi tìm đường và lựa chọn một con đường duy nhất đúng (5/6/1911-5/6/2011), để giải phóng dân tộc và xây dựng một đất nước Việt Nam XHCN; và 121 năm sau ngày “dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Người” (19/5/1890-19/5/2011), dường như những việc Người đã làm, những gì Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại vẫn trường tồn, vẫn đồng hành cùng thời đại. Hồ Chí Minh là một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, nhưng Người cũng là một phần của lịch sử, bởi đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập của nhân loại yêu chuộng hoà bình. Điều đó cũng giống như Serafin D. Quia son - Chủ tịch Viện nghiên cứu lịch sử dân tộc Manila- Philíppin viết: “Thế giới tri thức của thế kỷ XX được phong phú hơn bởi Bác Hồ là một phần của thế giới đó…Người thực sự là một người châu Á của tất cả các thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó”[9].

Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Người không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, vạch đường, chỉ lối, đoàn kết họ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, Người còn kiên định thực hiện, giữ gìn, phát triển tình đoàn kết giữa các dân tộc và các Đảng Cộng sản anh em. Từ những ứng xử trong cuộc sống đời thường, trong quan hệ quốc gia và quốc tế trên vị thế một nguyên thủ quốc gia của Người, của “một người quốc tế chủ nghĩa vĩ đại với nhãn quan thế giới”[10] vẫn luôn hiển hiện một Hồ Chí Minh “nhà thiên sứ của cách mạng”, “vị thánh của chủ nghĩa cộng sản”[11] như N. K. Khơ rút xốp từng viết trong Hồi ký của mình.

Cả bè bạn lẫn kẻ thù đều ngưỡng mộ và trân trọng một Hồ Chí Minh luôn nêu cao đức hy sinh, sự liêm khiết, chí công vô tư, tinh thần bất khuất, dũng cảm và kiên định con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn: “Những ai được biết thế nào là một người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta”. Một Hồ Chí Minh thanh cao trong tâm hồn, không ham phú quý, xa hoa, đạt tới sự thống nhất hài hoà giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đã cảm hoá, hấp dẫn tất cả.

Hồ Chí Minh là Người giữa bộn bề công việc vẫn không quên em thơ và phụ lão, không quên gửi bưu thiếp chúc Tết, chúc mừng sinh nhật những người bạn hữu, những ân nhân đã từng cứu giúp, chia sẻ khó khăn với mình khi hoạn nạn. Hồ Chí Minh - con người và nhân cách vĩ đại đã từng được suy tôn là “một hiền nhân” là người đã thực hiện những điều vốn là khát vọng lâu đời được nêu trong sách Luận ngữ: “Đem lại sự nghỉ ngơi cho người già, đem lại lòng tin cậy cho bầu bạn, đem lại tình thương yêu cho trẻ nhỏ”[12] không chỉ thuộc về hiện tại, Người thuộc về tương lai. Trí tuệ và phẩm cách của Người không chỉ toả ra nền văn hoá của tương lai, mà còn toả sáng lấp lánh những gì đẹp đẽ nhất của một con người trong tương lai, con người mới xã hội XHCN.

Thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một mẫu mực của tấm gương nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người coi hạnh phúc của mình là được đấu tranh cho hạnh phúc của những người bị áp bức, của nhân dân lao động thế giới, để xây dựng một xã hội mới, xã hội XHCN “dân chủ ngàn lần hơn dân chủ tư sản”. Xã hội mà trong đó “mình vì mọi người chứ không phải mọi người vì mình’. Xã hội mà trong đó, những toan tính vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa sẽ không còn nơi ẩn náu. Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu ra, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng và cũng là Người thực hiện một cách sinh động trong thực tiễn sự tu dưỡng đạo đức. Tấm gương “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Người thể hiện trong cuộc sống đời thường, trong hoạt động cách mạng, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn, trong mỗi bước chuyển của sự nghiệp cách mạng.

Khi còn sống, Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao cả nhất, luôn nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghiã cá nhân. Khi mất đi, những di sản văn hoá vật chất và tinh thần của Người để lại với vô vàn tình thương yêu dành cho tất cả mọi người cũng vẫn giản dị, bao dung như chính cuộc đời oanh liệt song rất đỗi gần gũi, khiêm nhường của Người.

Hồ Chí Minh đã đi xa, song tất cả những gì thuộc về Người vẫn còn sống mãi. Một tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh ngời sáng và lời dặn lại phải luôn nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân không chỉ dừng lại là những trăn trở của Người đối với đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, đó còn là một nhiệm vụ, một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Nhớ về Người mỗi khi tháng Năm về, ôn lại những suy tư, những lời căn dặn của Người, chiêm nghiệm về cuộc đời, tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, vẫn thấy đâu đó trong cuộc sống đời thường những con người, những tấm gương bình dị mà cao quý, đã “học được ở cuộc đời Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”[13].

Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lời nói, để có thể cảm nhận cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức của Bác từ trái tim, thì không thể chỉ chạy số lượng, chạy theo thành tích ảo, mà mỗi người, mỗi tập thể phải quan tâm đến “vấn đề làm theo”, đến thực chất của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này. Cá nhân tôi thiển nghĩ, chắc chắn và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ thu được kết quả tốt, nếu, cán bộ đảng viên luôn là tấm gương đi trước. Và không chỉ hứa, mà cán bộ, đảng viên phải làm, với phương châm “việc gì có lợi cho dân thì làm” bằng những hành động thiết thực chứ không phải hình thức, bằng nêu gương chứ không phải là diễn gương và chung chung.

Đó là một trong những cách thiết thực, hiệu quả nhất để nhớ về Bác nhân dịp kỷ niệm ngày sinh, để nhận được từ Người nguồn sức mạnh nội lực và tinh thần cách mạng cao cả./.

Ths. Nguyễn Đoàn Phượng

Đại học Quốc gia Hà Nội



[1] Cụ là một người cộng sản, báo Diễn đàn Ca-na-đa, ngày 10/9/1969, Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, tập III, Nxb. Sự thật, H.1971, tr.174

[2] Phạm Văn Đồng: ”Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa khí phách của dân tộc, lương tri của thời đại”, Báo Nhân dân, 19-5-1970

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.439

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđ , t.12, tr.439

[5] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. KHXH, H, 1990, tr 130

[6] Hoàng Tùng, Từ tư duy truyền thống đến tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 1998, tr.113

[7] Phạm Văn Đồng, Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 1998, tr.198

[8]Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Sđd, tr 42

[9] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. QĐND, H, 2001, tr.119-120

[10] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. QĐND, H, 2001, tr.156

[11] N. Khơrútsốp, Hồi ký, xuất bản 1971, bản tiếng Việt lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, tr. 59

[12]Đào Phan, Hồ Chí Minh một nhân cách lớn, Nxb.VHTT, H, 2005, tr.144

[13] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. QĐND, H, 2001, tr.143

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất