Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mạnh bạo, già làng Hồ Văn Meo vừa giúp đỡ, vừa vận động bà con các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, giúp người dân nơi đây bỏ đi nhiều tập tục lạc hậu, biết làm ăn, biết tích lũy để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng bản làng có môi trường văn hóa lành mạnh.
Bỏ đi những tập tục lạc hậu
Làng Triên - một ngôi làng nghèo khổ, giao thông đi lại khó khăn ở Phước Kim mà đói rách, bệnh tật luôn hoành hành mấy chục năm qua vậy mà trong những ngày đầu tháng 3-2011 này, khi chúng tôi trở lại, đã được chứng kiến những đổi thay: Làng Triên trở thành “làng văn hóa”, đời sống bà con đồng bào các dân tộc trong làng ngày càng no đủ, cuộc sống dần được ổn định, bình yên và hạnh phúc. Có được những kết quả như vậy nhờ ở một phần không nhỏ bàn tay “dân vận” của người đảng viên, già làng Hồ Văn Meo.
Gần 25 mùa rẫy ông đi làm cán bộ xã, đến năm 2005, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu trở về làng, Hồ Văn Meo người dân tộc Bhnong cảm thấy cái làng Triên, xã Phước Kim, vẫn y như lúc mình ra đi tham gia cách mạng. Vẫn còn cảnh đói nghèo, những mái nhà tranh lụp xụp, xơ xác, vẫn cây chò già buồn thiu bên những chòi lúa lép kẹp, chưa đến mùa thu hoạch mà hạt lúa trong chòi rẫy đã gần cạn kiệt.
Vòng quanh làng mấy lần, tìm hiểu về đời sống và cách làm ăn của bà con, già Hồ Văn Meo cảm thấy buồn. Đêm về khó ngủ, trăn trở trước những khó khăn của làng quê, ông tự hỏi: Mình là cán bộ, là đảng viên sao lại cam chịu cái đói, cái nghèo vì những tập tục lạc hậu này? Thế là, việc trước tiên già Meo làm là bắt tay vào khai hoang ruộng nước. Việc này được coi là “động trời” vì từ xưa đến nay ở khu vực vùng cao, dân trong làng không một ai dám nghĩ tới việc trồng cây lúa nước để lo đủ hạt gạo cho gia đình.
Những năm 2005-2006, thời tiết nắng hạn, mất mùa mấy vụ liền, bà con đói lắm không còn đủ sức mà đi làm cái nương, cái rẫy nữa. Lúc đó, già làng Meo nhớ tới lời Bác Hồ dạy: “Muốn no ấm ngày sau thì phải biết lao động và biết tiết kiệm”…Già Meo đã tiết kiệm tiền lương hưu của mình để mua bò. Thế là có phân chuồng để bón ruộng, cây lúa tốt tươi, đã được mùa lại cộng với tiền lãi từ nuôi bò sinh sản, gia đình ông là hộ đầu tiên trong làng không còn phải lo đến cái ăn nữa.
Nhưng lo được cái ăn chỉ là bước đầu, thoát được cái nghèo mới khó. Ông chưa kịp nghĩ ra cách làm thì lúc này ở huyện Phước Sơn phát động phong trào trồng cây quế, cây keo lá tràm. Hỏi cặn kẽ, già Meo thấy đây là cây dễ trồng, cần khuyến khích, vận động bà con trong làng trồng để xóa đói giảm nghèo. Trồng quế, trồng keo không dễ, nhưng người Kinh đã trồng được thì sao mình lại không? Ông quyết tâm trồng cây quế, cây keo. Cả làng Triên bấy giờ kéo đến xem không sót một người. Một số người trong làng bảo: Người Bhnong ta xưa nay chỉ biết trồng cây lúa nương, rẫy là để làm cái vườn không cho con gà, con heo rong chơi. Nay già Meo bày đặt trồng lúa nước, trồng cây quế, cây keo thì thế nào Yàng (trời) cũng phạt… Già Meo nghe bà con dân làng nói vậy mà trong lòng chỉ biết buồn cho cái bụng. Vừa làm, ông vừa vận động bà con làm theo vừa khuyên bà con đừng theo lối cũ, lạc hậu mà cái đói, nghèo sẽ đeo bám mãi.
Nói thì vậy, nhưng mấy ngày sau già Meo mới thấy lo: lỡ mà thất bại, lúa chết, quế, keo khô thì nói có hay đến mấy, người dân trong làng cũng không nghe theo nữa. Giao hết việc cho vợ, suốt ngày già Meo bám trụ ngoài vườn, ngoài ruộng để chăm bẵm cho cây. Trời đã không phụ lòng người. Cây lúa của ông đầy hạt, quế, keo cứ mỗi ngày một thêm xanh tốt. Từ vài chục ha lúc ban đầu, ông trồng hết cả vườn dưới, đồi trên - gần 10 ha. Sau 5 năm, cây keo bước đầu đã cho thu hoạch, ông thu được hơn 60 triệu đồng.
Cùng làm giàu trên chính quê hương
Thấy ông làm ăn được, bà con kéo đến đầy nhà. Bây giờ thì không còn ai sợ bị Yàng phạt nữa, ai cũng đòi đảng viên Hồ Văn Meo bán giống cây keo, cây quế và bày cho cách trồng lúa nước. Vui cái bụng rồi. Ai cần già Meo cũng sẵn sàng, vui vẻ giúp đỡ. Người nghèo thì cho không, còn người khá hơn thì ông bán rẻ. Chẳng bao lâu sau cả làng Triên, nhà nào cũng trồng quế, keo và lúa nước. Cây lúa nước 2 vụ/năm, cây keo, cây quế xanh tốt, đời sống bà con dân bản mỗi ngày thêm no đủ, khá giả, có của ăn, của để trong nhà. Già Meo ngày càng thêm vui và sướng cái bụng vô cùng.
Thấy ông nói đúng bụng dân, làm đúng ý Đảng, học nhiều cái mới, cái hay là để bày cho dân làng làm kinh tế, hết cảnh đói khổ, người dân trong bản bầu ông làm Già làng, chi bộ thôn bầu ông làm Bí thư, Đảng ủy xã lại tiếp tục tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã và cũng từ đó dân làng thân mật gọi ông là: “Già làng Meo plây Triên” (plây có nghĩa là thôn, làng).
Tiền từ thu hoạch lúa, cây keo, cây quế đã giúp ông làm được ngôi nhà trên 170 triệu đồng, số tiền còn lại ông tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Mỗi năm thu từ bò, keo, quế cũng hơn 80 triệu đồng. Từ trước tới nay ở vùng đất này, chưa có ai sau một năm lao động sản xuất mà thu được số tiền lớn đến như vậy. Sau ông, có nhiều hộ trong làng làm theo, giờ đã cho thu nhập mỗi năm cũng 15-20 triệu đồng. Làng Triên giờ đây không có hộ đói, hộ nghèo, 100% số hộ có ti-vi, xe máy, 2 hộ có xe công nông, 3 hộ có máy xay xát. Tất cả trẻ em trong làng đều được đến trường. 528 hộ dân trong xã dưới sự “lãnh đạo” của già làng Hồ Văn Meo kinh tế đều khá giả, cuộc sống ổn định …
Đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc trong xã ngày càng khá lên thì những hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới hỏi, bắt vợ, gả chồng… của cũng được loại bỏ dần. Làng Triên 9 năm liền (2001-2010) được công nhận đạt chuẩn “làng văn hóa” trong đó, có 5 năm liền đạt chuẩn cấp tỉnh (2005-2010) đầu tiên ở huyện Phước Sơn.
Với cương vị bí thư chi bộ thôn, ông còn là người đi đầu trong các phong trào vận động bà con xây dựng bản làng vững mạnh, toàn diện. Làng Triên của ông và các thôn, làng khác xung quanh giữ vững được an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh về quốc phòng-an ninh được tăng cường. Đảng viên-già làng Hồ Văn Meo, người có công đầu trong khai hoang, trồng cây lúa nước, cây công nghiệp đã để lại trong lòng đồng bào các dân tộc biết bao tình cảm yêu mến và quý trọng.
Chia tay người đảng viên, già làng người dân tộc Bhnong mang họ Bác Hồ, chúng tôi rời xã vùng cao của huyện Phước Sơn về lại thành phố mà trong lòng bao nghĩ suy. Mỗi người dân, ai cũng có tấm lòng với Đảng, với nước, với dân như già làng Hồ Văn Meo thì trên khắp đất nước ta sẽ không còn bóng dáng của đói nghèo, bệnh tật…/.
Cao Anh
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III
(Nguồn: Tạp chí XDĐ)