Nhận thấy những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”(1).
Ở đây có mấy điểm quan trọng cần nhấn mạnh. Trước hết, không phải bất cứ ai hoạt động và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa cũng đều được công nhận là “nhà văn hóa”, mà chỉ được thừa nhận là “nhà văn hóa” nếu chủ thể hoạt động và sáng tạo đó vươn tới tầm cao của tri thức văn hóa của thời đại, đưa những tri thức rộng rãi mình có ra phục vụ dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới, đem lại cho họ những lợi ích thiết thực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển phong phú đa dạng của nền văn hóa dân tộc, sự tiến bộ và văn minh nhân loại. Thứ hai, trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các dân tộc trên thế giới, có nhiều danh nhân nhưng hiếm có trường hợp nào vừa là anh hùng giải phóng dân tộc vừa là nhà văn hóa(2). Trường hợp Hồ Chí Minh là một “hiện tượng hiếm thấy”, cùng một lúc đạt “hai lần danh nhân” như cách nói của bè bạn thế giới. Đó là một trong những viên ngọc hiếm, sáng lấp lánh trong bầu trời dân tộc và nhân loại của thời đại chúng ta. Thứ ba, cần nhận thức đúng đắn chất “anh hùng” và chất “văn hóa” luôn luôn hòa quyện trong con người Hồ Chí Minh. Nếu hiểu văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn; văn hóa là hiểu biết làm người, hiểu biết xử sự, xử thế và trong xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công thì xử sự, xử thế có ý nghĩa nhất là làm cách mạng để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức, thì Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn đúng theo nghĩa chân chính và trọn vẹn nhất của khái niệm đó. Thứ tư, chính vì vậy, một khía cạnh văn hóa ở nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng. Ngay từ đầu cuộc đời cách mạng, Người đã hiểu tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống con người, đối với sự nghiệp giải phóng xã hội và canh tân đất nước, đối với việc xây dựng tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Người ý thức sâu sắc bước khởi đầu của cuộc tìm đường là phải trang bị một bản lĩnh văn hóa để có được sự soi sáng về nhận thức và lý luận. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến cuối đời, Người luôn luôn hăng hái chiến đấu trên mặt trận văn hóa, kết hợp chặt chẽ văn hóa với cách mạng theo tinh thần “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Và chính vì vậy, sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ khẳng định: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”(3).
Nhận thức về văn hóa cách mạng, văn hóa hành động để thức tỉnh quần chúng, giúp cho con người năng lực tự giải phóng và sự giải phóng con người đã được các nhà văn hóa trên thế giới bàn đến từ sớm. Nhà văn hóa lớn Côlômbia là G.G. Macket (Gbriel Garcia Market), người được giải thưởng Nôben về văn học, tại cuộc gặp lần thứ hai các nhà trí thức Mỹ Latinh, đầu tháng 12-1985 đã phát biểu: “Bản thân cách mạng cũng là một sự nghiệp văn hóa, nó biểu hiện trọn vẹn một thiên hướng và khả năng sáng tạo, chứng minh và đòi hỏi ở tất cả chúng ta một niềm tin sâu sắc ở tương lai”(4). Ngay từ năm 1983, để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm loại từ điển tiểu sử mang tên Văn hóa thế kỷ XX (XX Century culture) do Alan Bullock và R.B Wodinger chủ biên (do Harper and Row xuất bản năm 1983), 300 nhà khoa học trên thế giới đã được hỏi ý kiến để bình chọn danh nhân văn hóa thế kỷ XX. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chọn là một nhân vật tra cứu trong công trình đó với lý do: “Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba”(5).
Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh có sự kết hợp đẹp đẽ, hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người là sản phẩm vừa của lịch sử dân tộc, vừa của thời đại.
Là sản phẩm của lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh không những đã kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam, giữ vững và phát triển liên tục dòng chảy của văn hóa dân tộc, mà còn kích thích cho nền văn hóa và cộng đồng các dân tộc Việt Nam phát triển, tạo ra một sức mạnh văn hóa mới, một khuôn mặt lịch sử mới trong thời kỳ giải giáp chủ nghĩa thực dân. Chính sức mạnh văn hóa đó đã làm nên những chiến công kỳ diệu trong khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống xâm lược và bước đầu xây dựng xã hội mới.
Là sản phẩm của thời đại, trên bước đường học tập và nghiên cứu, Hồ Chí Minh đã được tôi luyện trong môi trường của văn hóa phương Tây với các dòng tư tưởng tự do, dân chủ, tiến bộ mà cội nguồn là chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp- La Mã thời Phục Hưng, Thế kỷ Ánh sáng và đỉnh cao là chủ nghĩa nhân văn mácxít. Người luôn tiếp nhận có chọn lọc văn hóa phương Tây nói riêng, văn hóa nhân loại nói chung, kết hợp với truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc, để biến thành một vũ khí có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình và giải phóng các dân tộc khác cùng chung số phận. Chính vì vậy, Bác Hồ đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, hiện thân cho một nền văn hóa hòa bình và thấm đượm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Người là điểm hội tụ của các giá trị về Chân - Thiện - Mỹ - Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đúng như một nữ đại biểu đã phát biểu trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990 tại Hà Nội: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”.
Hồ Chí Minh có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, biện chứng giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với nhân loại, phương Đông với phương Tây. Người đã tìm thấy cái “cốt” trong sắc thái văn hóa Đông và Tây. Trong văn hóa phương Đông, đó là tính hòa đồng, “cầu đồng tồn dị” (lấy điểm tương đồng chế ngự sự dị biệt); “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc); đề cao tính cộng đồng, tập thể; v.v.. Văn hóa phương Tây thường lấy lý tính và khoa học làm tiêu chuẩn chân lý, nặng về cá nhân. Nhưng điểm đặc sắc nổi bật của Hồ Chí Minh là trên nền tảng phép biện chứng duy vật mácxít , Người đã tìm thấy mẫu số chung của các nền văn hóa, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại trên căn bản quy tụ thay vì loại trừ. Bằng chứng hùng hồn là những ngày trên đất nước có kẻ thù xâm lược, đáp từ trong buổi chiêu đãi của Thủ tướng Pháp là G. Biđôn ngày 2-7-1946, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác)(6). Đúng như nhà triết học Pháp Patxcan (Pascal) đã viết, “người ta không vĩ đại khi chỉ đứng ở một cực, mà phải nối liền hai cực và lấp đầy khoảng giữa”.
Là nhà cách mạng đồng thời là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục lớn, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn hóa vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, mang chất lượng cách mạng hóa và hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Là tác giả của hơn 250 bài thơ, khoảng 2000 bài báo, nhiều truyện ngắn, văn chính luận, tiểu phẩm văn học, nhưng Người khước từ mọi danh hiệu văn hóa- văn nghệ mà mọi người gắn cho mình, chỉ nhận là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Văn, thơ, báo chí của Người luôn luôn mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại. Từ khát vọng của dân tộc và mục tiêu của cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đặt ra cho mình và cũng là những lời nhắc nhở ân cần đối với những người viết văn, làm báo những câu hỏi: “Viết cho ai?” “Viết để làm gì?” “Viết như thế nào?”. Câu trả lời của Người có điểm chung là viết cho quần chúng số đông, để giác ngộ và nâng cao dân trí, giúp quần chúng hiểu và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình. Với một vốn liếng ngoại ngữ phong phú, Người đã sử dụng ngòi bút làm một vũ khí sắc bén lên án chế độ thực dân đế quốc, tuyên truyền tổ chức quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng. Là nhà văn hóa kiệt xuất, suốt đời Người miệt mài đi gieo ánh sáng văn hóa, ánh sáng cách mạng cho nhân dân ta và góp phần đem lại ánh sáng cho nhân dân nhiều nước khác để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức.
Với sự hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của sự kết hợp văn hóa với cách mạng, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã đích thân phát động toàn dân chống giặc dốt, đi đôi với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Người coi dốt nát cũng là một loại giặc và chống giặc dốt cũng như chống giặc ngoại xâm. Nhận thức rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “dốt thì dại, dại thì hèn”, Hồ Chí Minh đề cập trước hết nhiệm vụ phải xóa nạn mù chữ, tất cả mọi người Việt Nam phải biết đọc biết viết, phải có kiến thức mới để giữ vững nền độc lập dân tộc và tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Học để làm việc, làm người, bảo vệ và xây dựng đất nước. Học phải đi đôi với hành. Người nói: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(7). Không chỉ như vậy, giáo dục còn có một sứ mệnh cao cả là làm cho “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu ”(8).
Cùng với cuộc đấu tranh chống nạn mù chữ, Bác Hồ phát động phong trào xây đời sống mới, cải cách lối sống và phong cách làm việc, nhằm đưa văn hóa đi sâu vào cuộc sống vào tâm lý của quốc dân, dùng văn hóa mới “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Theo Người, “văn hóa phải làm thế nào cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên hưởng”. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới theo tinh thần của Người từng bước đi vào đời sống nhân dân, dần dần hình thành những phong trào với những thuần phong mỹ tục mới như xây dựng gia đình văn hóa mới; “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”; “tết trồng cây”; “rèn luyện thân thể”; “người tốt việc tốt”; v.v.. Phong trào văn hóa quần chúng do Người phát động thật sự tạo ra cái nền vững chắc để giữ vững chính quyền cách mạng thời kỳ trứng nước, nhằm đánh thắng kẻ thù xâm lược, xóa bỏ từng bước tình trạng lạc hậu nghèo nàn, xây dựng xã hội mới.
Là nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh chăm lo việc “trồng người”, gieo mầm cách mạng, đào tạo những thế hệ con người mới. Quan điểm xuyên suốt của Người là con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng; “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đào tạo con người mới, đặc biệt là thế hệ trẻ, là để nắm vững kiến thức vô tận của loài người; để có lý tưởng và đạo đức cách mạng, có khả năng làm chủ đất nước, đưa dân tộc nhịp bước cùng thời đại.
Văn hóa là hiểu biết xử sự, xử thế, hiểu biết làm người. Một khía cạnh của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh là ứng xử văn hóa. Là nhà văn hóa, mỗi người có một vẻ độc đáo trong ứng xử và thể hiện lòng nhân ái, nhưng ứng xử văn hóa của Bác Hồ mang cốt cách, diện mạo, sắc thái Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét, Người “vừa dân tộc, vừa quốc tế. Vừa rất mực nhân từ, vừa triệt để cách mạng. Rất uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn. Rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng, vừa thiết thực cụ thể. Vừa vĩ đại vừa vô cùng bình dị. Vừa là chiến sĩ, vừa là nhà thơ. Trong phong ba bão tố Người vẫn ung dung tự tại, lạc quan nhìn về tương lai. Trong khó khăn gian nguy, Người vẫn thanh thản chủ động, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ở Người là sự thống nhất giữa nước với dân, giữa dân tộc với giai cấp, giữa quốc gia với quốc tế. Ở Người, lòng yêu nhân dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi. Người là một hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại có một cách nhìn tinh tế, cho rằng “phong cách riêng của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh là lòng nhân ái bao la, sự hồn nhiên giản dị, khiến cho tâm hồn Hồ Chí Minh vượt qua không gian và thời gian, đến với con người dễ dàng và thấm thía lạ lùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người thương yêu, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và nâng đỡ con người, đối với từng người và đối với đông đảo nhân dân lao động, quan tâm đến số phận của mọi người, dù ai đó hôm qua là kẻ thù, hoặc là người lầm đường lạc lối nay hối cải. Trái tim yêu thương Hồ Chí Minh dành cho đồng bào mình cũng dành cho cả loài người tiến bộ. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nhằm mục đích phát huy các khả năng vô tận của con người, tôn trọng quyền và phẩm giá con người, nâng cao con người lên đỉnh cao của trí tuệ và đạo đức. Câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” là chân lý, là tiếng nói của lương tri phục hồi và phát triển những tư tưởng về nhân quyền và dân quyền đã được nêu trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn của cách mạng Pháp năm 1789”.
Năm nay, trong không khí hướng tới Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại sự nghiệp văn hóa cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh -Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, chúng ta lại nhớ tới nhận xét của nhà báo Liên Xô Oxíp Manđenxtam: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Quả đúng như vậy! Bác Hồ có một cuộc sống cần kiệm về vật chất nhưng rất giàu đẹp về văn hóa. Đó là cuộc sống vì tự do, hạnh phúc của con người. Người biết tìm hạnh phúc trong sự gắn bó với con người và thiên nhiên; trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.
Di sản văn hóa của Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!./.
--------------------------
(1) Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(2) Lê Lợi (1385-1433) là anh hùng giải phóng dân tộc nhưng không phải là nhà văn hóa. Lê Qúy Đôn (1726-1784) là nhà văn hóa, không phải là anh hùng giải phóng dân tộc.
(3) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.
(4) Dẫn trong bài của Bộ trưởng Văn hóa Trần Văn Phác, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, số 4-1989.
(5) Dẫn theo Tạp chí Heral Tribune, số 8-10-1993.
(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.4, tr.267, 8, 33