Thứ Bảy, 7/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Chủ Nhật, 14/2/2010 20:46'(GMT+7)

Người quét rác đêm giao thừa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà không sinh ra ở Hà Nội, nhưng cũng đã về công tác ở Thủ đô hơn 40 năm cho nên coi như là người Hà Nội, và với điều kiện công tác của bà khi chưa nghỉ hưu, cho nên bà thuộc đường và phong tục Thăng Long hơn cả nhiều người Hà Nội gốc.

Cũng như mọi người, bà chỉ ra khỏi nhà khi sau Giao thừa đã có người “xông nhà”, và cũng lặng thầm qua ngõ, không rẽ vào nhà ai vì sợ “xông đất” không hợp vía. Bà chỉ ra chúc Tết và “lì xì” mấy bà quét đường.

Việc làm của bà trong những giờ đầu năm thì nhiều người biết và đều hoan nghênh; cũng có một số người làm theo vì đó cũng là việc tốt. Riêng tôi thì cũng muốn tìm hiểu hơn một chút.

Tôi và một số bạn già hay đi tập thể dục buổi sáng, chủ yếu là đi bộ. Nhưng sáng mồng Một thì ai cũng nghỉ tập. Mà nghỉ tập lâu dễ sinh trì trệ, cho nên sáng mồng ba Tết chúng tôi lại rủ nhau ra đường. Đến tập ở vườn hoa đã thấy mấy bà, mấy cháu quét rác làm việc. Sau khi chúc tết các bà, các cháu, tôi hỏi chuyện:

- Đêm Giao thừa, các bà, các cháu làm việc đến mấy giờ?

- Chúng cháu phải làm tới 4 giờ sáng mồng Một.

- Sao làm khuya thế?

- Các cô, các cậu đi chơi Giao thừa phải đến 2 giờ sáng mới về nhà, mà rác thì nhiều hơn ngày thường. Rồi làm sao cho đường phố sạch, sáng mồng Một không ai trông thấy rác!

- Thế các bà có được phụ cấp gì thêm không?

- Được thêm một ngày lương!

Nghe thế, tôi trố mắt ngạc nhiên về sự phụ cấp ít ỏi, nhưng cũng không tiện hỏi thêm vì mỗi tổ chức có cách thù lao riêng, người ngoài không nên vội vàng có ý kiến.

Nghĩ rằng có thêm hiểu biết, cho nên khi gặp bà hàng xóm, tôi nói chuyện có ý muốn khoe về sự quan tâm của tôi tới người lao động. Nhưng vừa nói xong thì bà nói: “Thế bây giờ ông mới biết à. Các bà ấy nói đúng đấy. Nhưng còn có thêm phong bì và gói quà Tết của cơ quan; cũng không bạc lắm đâu. Nhưng làm sao mà bù đắp nổi chuyện vất vả phải làm việc, không có mặt tại gia đình trong đêm Giao thừa. Trong những đêm Giao thừa, tôi thương nhất mấy chú công an và mấy bà quét rác!”.

Thế là tôi lại thêm phục bà, một người bình thường sống ở Hà Nội trong ngõ tôi ở!./.

Hữu Thọ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất