Thứ Năm, 19/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Sáu, 22/1/2010 17:30'(GMT+7)

Được làm và làm được

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Xin được bắt đầu bằng hiện tượng khá phổ biến hiện nay trong lĩnh vực giao thông: Người tham gia giao thông chỉ tuân thủ những quy định khi có CSGT làm nhiệm vụ. Vắng lực lượng này, nhiều người cố tình vi phạm. Tâm lý cuả khá nhiều người là tìm mọi cách để đi, vượt lên sao cho được việc của mình khi bị cản trở. Họ chỉ nghĩ là có đi được không mà không hề quan tâm đến việc có được đi không (tắc đường thì phóng xe lên vỉa hè, đi lấn sang phần đường ngược chiều, đang vội mà gặp đèn đỏ thì “căng” mắt nhìn, nếu không có CSGT thì ngang nhiên đi). Cảm thấy đi được là đi, bất chấp điều đó bị cấm, tức là không được đi.

Nhìn sang những lĩnh vực khác, cũng phổ biến tình trạng làm bừa, coi thường mọi luật lệ quy định. “Chạy chọt” quan hệ với những người có chức trách để xây dựng không phép hoặc sai phép. Làm lấy được những cái không được phép làm. Đến khi bị “bật đèn đỏ” thì tìm mọi cách - kể cả những cách làm bất lương khuất tất - để vượt qua pháp luật. Nhà xây quá tầng cho phép, sai thiết kế ban đầu, nhà không được làm… xảy ra khá phổ biến từ nhiều năm nay ở khắp mọi nơi. Trong lĩnh vực xây dựng, hai từ đối nghịch làm đượcđược làm được thể hiện khá rõ.

Rồi lĩnh vực trật tự đô thị cũng luôn là mặt trận nóng bỏng, gây bức xúc cho các nhà quản lý. Từ nhiều năm trước khi có nghị định 36/CP, rồi về sau thành phố Hà Nội cũng ra nhiều quy định về việc lập lại trật tự hè đường, trả vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng hiện tại việc này không hề được khắc phục. Càng ngày người buôn bán càng ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè lòng đường phục vụ cho việc kinh doanh cuả mình, bất chấp dư luận phản ứng. Có nơi báo chí đã lên tiếng nhưng vẫn cố tình nhắm mắt phớt lờ. Ví du cụ thể: Nhà hàng Nắng Sài Gòn ở 91 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đã chiếm toàn bộ vỉa hè và 1/3 lòng đường để chứa xe máy ô tô của khách. Nhà hàng Hồng Hường ở ngã tư Nguyên Hồng- Huỳnh Thúc Kháng cũng bành trướng tương tự. Đã có không dưới 5 tờ báo phản ánh sự cố tình vi phạm này nhiều năm nay. Nhưng chẳng những không bị dẹp mà còn lấn chiếm bành trướng thêm như thách thức dư luận…

Có thể nói ở bất cứ đường phố nào của Hà Nội và các thành phố thị xã cũng xảy ra tình trạng tương tự mà các nhà chức trách dường như chưa thực sự vào cuộc hoặc tỏ ra bất lực.

Một hiện tượng rất đáng báo động hiện nay là lách luật, tận dụng mọi kẽ hở và sự lơi lỏng quản lý hoặc tiêu cực của những người có trách nhiệm để làm điều sai trái phục vụ lợi ích cá nhân không phải là cá biệt, đang có nguy cơ ngày càng gia tăng. Lại đáng rung hồi chuông cảnh báo hiện trạng nhờn luật trong một bộ phận không nhỏ của cộng đồng. Rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội có luật cũng như không mà biểu hiện rất cụ thể, ngang nhiên , rõ nhất đang diễn ra là việc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường và nhiều vi phạm khác như đã nói.

Vắn tắt và khái quát, cần để tất thảy mọi người chỉ được phép nghĩ mình có được làm (bất cứ điều gì) hay không, chứ không phải là chỉ nhăm nhăm xem có làm được không. Được làm là sự tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt. Còn làm được là ngược lại, bất chấp pháp luật. Một xã hội văn minh trong đó kỷ cương phép tắc chặt chẽ không thể không giáo dục các thành viên trọng cộng đồng hiểu thấu đáo sự khác biệt giữa làm đượcđược làm./.

Tuệ Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất