Thứ Năm, 19/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Ba, 12/1/2010 11:16'(GMT+7)

Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng

Tu viện Bát Nhã

Tu viện Bát Nhã

 

Chiều 11/1 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp báo thông báo sự việc liên quan đến vấn đề những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) Ông Nguyễn Thanh Xuân Phó trưởng Ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết: tháng 6/2008 những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai tụ tập tại Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) theo khóa tu ngắn ngày có sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã. Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng cách bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến của chủ trì Tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do bức xúc bởi việc này, ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi có đơn không bảo lãnh cho những người theo pháp môn Làng Mai ở lại đây.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn thư số 037/HĐTSTW đề nghị nhóm này thôi không tập trung tụ tập tại Tu viện Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để tu học. Chính quyền đồng ý với hướng giải quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời đề nghị nhóm này thôi không tập trung tu tại Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để học tu.

Tuy nhiên, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng không thực hiện. Vì vậy, ngày 27/6/2009 một số tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã xô xát với số người tu theo pháp môn Làng Mai.

Nhiều lần Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã nhưng họ tiếp tục ở lại gây trở ngại cho sinh hoạt tôn giáo của Tu viện. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn  giữa các vị tăng và phật tử Tu viện Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai.

Do bức xúc về việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã, vào ngày 27/9/2009 một số phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã đã tập trung tại Tu viện, yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi Tu viện. Đến sáng ngày 28/9/2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã rời khỏi Tu viện đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng), một số người khác đã trở về chùa ở địa phương hoặc về nơi tu hành trước đây.

Đến ngày 30/12/2009, số người tu theo pháp môn Làng Mai đã tự rời khỏi chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phần lớn trong số này trở về chùa ở địa phương – nơi có hộ khẩu thường trú; một số chưa cung cấp thông tin về nơi tạm trú, vì họ tự nguyện rời khỏi chùa Phước Huệ, chính quyền chưa rõ họ trở về địa phương, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hay đến các địa phương khác.

Trả lời các câu hỏi của các hãng thông tấn trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có nhiều người tu theo nhiều trường phái khác nhau nhưng đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nếu pháp môn Làng Mai muốn tiếp tục hoạt động thì cũng phải tuân thủ các quy định đó. “Phía chính quyền, phía Nhà nước, chúng tôi đã nói rõ và phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nói rõ: Phật giáo Việt Nam là của nhiều pháp môn tu hành, của nhiều sơn môn, pháp phái đã thống nhất với nhau. Mỗi người trong Giáo hội Phật giáo vẫn giữ lối tu của mình, tôn trọng lối tu của mình và Làng Mai cũng vậy. Nếu ai là người Việt Nam, tu theo pháp môn Làng Mai, phải nằm trong quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải có xin phép để mở những khóa tu theo kỳ của mình như công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trả lời trước đây”, ông Nguyễn Thanh Xuân nói.

Liên quan đến câu hỏi của một phóng viên hãng thông tấn nước ngoài nêu, trong một đoạn video trên mạng Internet có cảnh xô xát giữa những người tu theo pháp môn Làng Mai với các giáo sinh của Tu viện Bát Nhã, nhưng lại mặc thường phục, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Đây là mâu thuẫn nội bộ giữa giáo sinh, phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã. Chính quyền địa phương với trách nhiệm của mình đã có biện pháp để đảm bảo an toàn tài sản, thân thể cho những người tu theo pháp môn Làng Mai, đồng thời vận động, thuyết phục yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Đông nói: “Việc tranh chấp nội bộ giữa phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã do thượng tọa Thích Đức Nghi làm Viện chủ và tu sinh Làng Mai đây là việc nội bộ của tôn giáo. Chính quyền địa phương không can thiệp. Với trách nhiệm của mình, chính quyền đã làm hết sức để bảo vệ an ninh trật tự không để xô xát gây mất trật tự ở địa phương. Trong quá trình xảy ra vụ việc, có rất nhiều đoàn quốc tế quan tâm ,trong đó có đoàn của Tổng lãnh sự quán Hòa Kỳ tại TP HCM, đoàn liên minh ba bên của Nghị viện Châu Âu, chúng tôi hoàn toàn cởi mở thông tin cho gặp trực tiếp các tu sinh, chủ trì viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ để biết thông tin”.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cũng khẳng định: Sau khi xảy ra vụ việc tại Tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng. Trong chuyến công tác tại Pháp cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009, Thứ trưởng đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ chối không gặp với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã tỉnh Lâm Đồng.

Với những thông tin chuẩn xác, rõ ràng và khách quan từ Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng, cuộc họp báo một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo, đó là: tôn trọng và đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất