(TCTG) - Việt Nam ta chẳng những thống nhất về non sông bờ cõi mà về dân tộc, lịch sử văn hóa cũng luôn là một khối thống nhất suốt mấy ngàn năm.
Sự đa dạng về phong tục, tập quán từng vùng, từng địa phương tạo nên sự phong phú hấp dẫn nhưng về nếp cảm, nếp nghĩ cũng như mọi khát vọng về hoà bình hạnh phúc của người Việt thì ở đâu cũng chỉ là một. Chẳng biết tự bao giờ mà rất nhiều những làn điệu dân ca của nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên đã ngấm rất sâu vào trái tim của người dân cả nước. Nếu người xứ Bắc tự hào có dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát xoan ghẹo Phú Thọ, Vĩnh Yên, các làn điệu chèo miền đồng bằng, các điệu hò ở Thanh Hoá, hát ví dặm Nghệ Tĩnh và hàng trăm làn điệu dân ca của nhiều dân tộc ít người vùng cao Việt Bắc, Tây Bắc... thì họ còn rất mê đắm với những điệu lý, hò ở nam Bộ, Nam Trung Bộ và luôn bị cuốn hút vào những âm hưởng dân ca vùng đất đỏ núi rừng Tây Nguyên. Có lẽ không người Việt nam nào lại không thuộc hoặc biết một điệu ru con Nam Bộ: “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ. Năm (ơ) canh chầy... Nín đi con,ngủ đi con. Hỡi chàng là chàng ơi...”, và điệu ru của người dân tộc Xê Đăng ở Tây Nguyên: “Con ơi con nín đi con, lắng nghe xa xa suối thở than. Con mẹ nằm ngoan ngoan. Mùa thu mang theo bao nhiêu gió êm êm, gió đưa tiếng ru con...”, rồi từ người lớn lẫn trẻ em đều thích thú điệu Bắc kim thang của Nam Bộ: “Bắc kim thang cà lang bí rợ. Cột qua kèo là kèo qua cột. Chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi...”. Những làn điệu Lý kéo chài, Lý cái mơn, Lý con sáo, Lý chiều chiều, cây ngô đồng, rồi Hò mái nhì, mái đẩy ở v.v… từ bao đời đã tỏ rõ sức sống trong nhiều thế hệ người Việt Nam . Không thể kể hết, chỉ biết đó là cả kho tàng vô cùng phong phú dân ca các vùng địa lý phía Nam đã trở nên rất đỗi thân quen như là hơi thở, cuộc sống của người dân xứ Bắc. Trong các liên hoan ca nhạc, nhất là về âm nhạc dân gian được thực hiện trên đất Bắc từ năm 1954 mà thiếu vắng các làn điệu dân ca phía Nam thì kể như mất hẳn sức hấp dẫn, bữa tiệc âm nhạc ấy trở nên thiếu vị, giảm sút sức lôi cuốn.
Ngoài dân ca thì dân vũ cũng là một loại hình nghệ thuật dân gian được người Việt ta rất ưa thích. Những điệu kéo chài, chăm rông, đoa pụ (đội nước), rông chiêng, rồi múa của người Vân Kiều, Pa kô luôn làm mê đắm lòng người. Các nghệ sĩ nhân dân trong lĩnh vực múa như Đặng Hùng (Thuận Hải), Y’BRơm (Tây Nguyên), Thái Ly, Phùng Nhạn, Thuý Quỳnh, Minh Tiến... đã có nhiều công sức và thành tựu trong việc nâng cao nhiều điệu dân vũ trở thành những tác phẩm múa đặc sắc.
Việt Nam ta chẳng những thống nhất về non sông bờ cõi mà về dân tộc, lịch sử văn hóa cũng luôn là một khối thống nhất suốt mấy ngàn năm. Sự đa dạng về phong tục, tập quán từng vùng, từng địa phương tạo nên sự phong phú hấp dẫn nhưng về nếp cảm, nếp nghĩ cũng như mọi khát vọng về hoà bình hạnh phúc của người Việt thì ở đâu cũng chỉ là một. Đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ Quốc, yêu lao động sáng tạo, đức tính nhân hậu, vị tha, luôn “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”. Người Việt bình dị mà đậm đà, chân phương mà tinh tế, luôn trọng Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín. Tất cả những phẩm chất, những đặc điểm tâm lý nhất quán ấy của đồng bào các dân tộc, các địa phương trên đất Việt đều được biểu hiện rất rõ trong kho tàng văn nghệ dân gian nói chung, dân ca dân vũ nói riêng.
Những giá trị tinh thần phi vật thể ấy luôn trường tồn trong tâm linh người Việt nam, không điều gì,thế lực nào có thể phá huỷ. Đó là lẽ tự nhiên đã được chứng minh qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Cũng thật độc đáo và thú vị khi càng ở vào những thời điểm cam go, khốc liệt nhất của cuộc đương đầu giữa dân tộc ta với kẻ thù xâm lược, những bài ca, vần thơ cùng các tác phẩm văn nghệ lại nở rộ. Và từ miền Nam, không hiểu bằng con đường nào, những tác phẩm hay nhất đã đến được với người dân “đàng ngoài”. Thật là “hữu xạ tự nhiên hương”, giống như ánh sáng sẽ lan toả, mùi thơm không thể đậy lại mà mất đi được, mưa sẽ thấm vào lòng đất cũng như không khí chuyển động mạnh sẽ tạo thành gió bão. Những năm tháng khói lửa chiến tranh mịt mùng, giữa bom rơi đạn nổ, từ chiến trường khốc liệt, những bài ca sâu sắc nhất làm nức lòng người của các nhạc sĩ cách mạng đã xuất hiện và bay ra miền Bắc. Ngày ấy chúng ta vẫn gọi đó là những sáng tác từ tuyến đầu Tổ Quốc. Ở những thời điểm đo, không có in ấn, xuất bản, cũng không được thu và phát trên sóng phát thanh, càng không có những sân khấu hoành tráng, lung linh ánh điện như hôm nay… nhưng hàng trăm ngàn những bài hát hay nhất đã bay ra Bắc, đậu lại trong trái tim triệu triệu con người để cổ vũ, động viên họ vượt qua muôn ngàn gian khó hoàn thành sứ mạng “hậu phương lớn”. Đời sống tinh thần mỗi người Việt sẽ còn mãi ghi nhớ những âm điệu vừa ngọt ngào, thiết tha, lại vừa hào hùng sôi động của rất nhiều bài hát hay đã được vút lên từ miền Nam để bay ra miền Bắc: bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng); Qua sông (Phạm Minh Tuấn); Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ); Giải phóng Miền Nam, hành khúc giải phóng (Huỳnh Minh Siêng)... Gần 30 năm chiến đấu, âm điệu lạc quan chiến thắng luôn là âm điệu chủ đạo bay vút lên ở tất cả các bài ca “từ tuyến đầu”.
“Miền nam luôn trong trái tim tôi”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Đó là một tình cảm hết sức tự nhiên như của những người trong một gia đình vậy. Có lẽ chính vì thế mà mọi sản phẩm tinh thần có giá trị từ miền Nam, đặc biệt là âm nhạc- loại hình nghệ thuật cónhiều ưu thế trong việc lan toả vào công chúng - đều nhanh chóng đến được với miền Bắc, dẫu có phải “Qua núi biếc trập trùng bao la, qua núi mây che mờ quê ta” nhưng vẫn “tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha”.
Chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà là một sự kiện mang tính tất yếu. Bởi tình cảm tâm linh dân tộc Việt nam trong lịch sử luôn là sự thống nhất, đồng tâm được thể hiện trong các giá trị tinh thần luôn sáng đẹp như ngọc, không lớp bụi nào có thể che mờ./.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San