Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 17/8/2010 21:8'(GMT+7)

Hội nghị giao ban văn hóa – văn nghệ khu vực miền Tây Nam Bộ

Đó là nhận định về tình hình văn hóa - văn nghệ 6 tháng đầu năm 2010 khu vực miền Tây Nam Bộ tại Hội nghị giao ban văn hóa – văn nghệ diễn ra ngày 17/8/2010 tại thành phố Sóc Trăng, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Sóc Trăng phối hợp tổ chức

Tham dự Hội nghị có hơn 130 đại biểu đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành, đoàn thể, Hội văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương; Ban Tuyên giáo tỉnh, thành uỷ (lãnh đạo Ban, Trưởng Phòng Văn hoá - Văn nghệ), đại diện lãnh đạo Hội Văn học, nghệ thuật, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình và cơ quan báo chí của 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ chủ trì Hội nghị. Cùng tham gia chủ tọa Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Đức Kiên-Ủy viên Thường Vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và đồng chí Trương Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Hoạt động văn hoá phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các hoạt động văn hóa diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2010 đã phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và các ngày lễ lớn của dân tộc: hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân gắn với kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI cuả Đảng…Ngành văn hoá thể thao và du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sinh động, thiết thực, như: Hội chợ Xuân, Hội Báo xuân, chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, duyệt binh, diễu hành, xe hoa, thuyền hoa, bắn pháo hoa, tọa đàm, triển lãm, giao lưu...

Các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn được tập trung chỉ đạo tổ chức tốt trên địa bàn cùng với những công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân và được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ cùng với các địa phương (từ Quảng Trị trở vào) đã tổ chức tốt lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng quê hương, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc với nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục - thể thao phong phú nhằm ôn lại truyền thống, tri ân các thế hệ đi trước và động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương hôm nay.

Các hoạt động quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ kịp thời được chấn chỉnh. Đội kiểm tra liên ngành tăng cường hoạt động, kiểm tra các cơ sở kinh doanh và phát hiện những vi phạm.

Việc tổ chức học tập quán triệt nội dung Kết luận 51 đảm bảo tính nghiêm túc và đúng theo tinh thần hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thường trực tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng kế hoạch Hướng dẫn, xây dựng chương trình hành động; tổ chức triển khai, phân công đội ngũ báo cáo viên, kiểm tra xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp ủy. Các ngành, các cấp tăng cường triển khai, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập và thực hiện. Nhiều địa phương đã thực hiện Quyết định 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và những việc không được làm trong cưới, việc tang, lễ hội; đưa tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn văn hóa vào nội dung “Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong nếp sống của từng cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, công sở…theo hướng văn minh, tiến bộ, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phong tục, tập quán rườm rà, các hủ tục lạc hậu trong tang ma, cưới xin. Nhiều địa phương có cách tuyên truyền hay: Tiền Giang xây dựng 5 kịch bản về đề tài cưới, tang, lễ hội cho đội thông tin lưu động; xuất bản sách “Hỏi đáp về tập tục tín ngưỡng và lễ thức theo vòng đời người xưa và nay”, biên soạn tập sách “Nhạc lễ Nam bộ ở Tiền Giang”, dự thảo quy chế quản lý hoạt động nhạc lễ. Trà Vinh phát hành 1.200 tờ đặc san văn hóa Khơmer tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Kiên Giang đẩy mạnh việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tổ chức đoàn thể, tổ nhân dân tự quản...

Hoạt động lễ hội trong khu vực mang đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết hài hòa giữa phần lễ và phần hội. Phần lớn lễ hội trong vùng được tổ chức và quản lý tốt, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền thống của các dân tộc và được chính quyền các cấp quan tâm.

Hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân trong khu vực nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, vận động cộng đồng chấp hành nghiêm chỉnh Kết luận 51-KL/TW. Bạc Liêu quy định cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong các cơ quan nhà nước không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc; không sử dụng thời gian làm việc, sử dụng công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị đi lễ hội. An Giang chủ trương nhanh chóng hoàn thiện, hiện đại hoá các thiết chế văn hoá, nhất là ở khóm, ấp, khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho việc tổ chức cưới xin, tang ma. Kiên Giang triển khai Kết luận 51 gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa đói giảm nghèo, khuyến học...Một số đô thị ở các tỉnh Nam Bộ quy hoạch xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang, vận động nhân dân thay đổi thói quen chôn cất người mất tại vườn.

Các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đăng ký và trao giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường; khuyến khích mô hình cưới văn minh, tiến bộ, tiết kiệm. Tại Cần Thơ, việc vận động cưới theo nếp sống văn minh được đồng bào dân tộc hướng ứng, các tệ nạn như: ép hôn, tảo hôn, thách cưới…cơ bản được loại bỏ; tình trạng thách cưới hầu như không còn, lễ cưới được tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế, không kéo dài ngày; các yếu tố kiêng kỵ được hóa giải bằng việc tăng giảm nghi thức trong lễ cưới.

Việc tang có chuyển biến tích cực, người dân chấp hành tương đối tốt quy ước, quy định của pháp luật. Các địa phương thành lập ban lễ tang để điều hành nghi lễ, tổ chức trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết cộng đồng; các tập tục viếng đám tang bằng rượu, ăn uống linh đình, cờ bạc, các hủ tục như khóc mướn, lăn đường, gọi hồn, yểm bùa, đốt vàng mã…về cơ bản được khắc phục. Một số địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang…giao đội trợ táng của các phường, xã, Hội Chữ thập đỏ đảm đương việc chôn cất người chết tại địa phương. Đối với các tín đồ theo đạo Hòa Hảo ở Cần Thơ thực hiện khá tốt việc “tử” là “táng” trong vòng 24 giờ và không nhận phúng điếu, riêng đồng bào Khmer, đồng bào Chăm thực hiện hỏa táng tại nhà hỏa táng, hạn chế hỏa táng lộ thiên làm ô nhiễm môi trường…

Tình hình văn học - nghệ thuật

Hoạt động VHNT đã có những chuyển động mới, hoạt động của các Hội chuyên ngành sôi nổi và có hiệu quả. Nhiều tác phẩm VHNT ngày càng có giá trị cao, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hoạt động VHNT duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức như: Đi thực tế sáng tác, phát động cuộc thi, đầu tư sáng tác… phục vụ các nhu cầu chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức của nhân dân, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh sáng tác của lực lượng hội viên, phong trào sáng tác quần chúng cũng được đẩy mạnh trong các cơ quan đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương. Tiêu biểu như: Tiền Giang cử nhà văn đi thực tế sáng tác tập sách văn học “Sóng sông Tiền Giang”, thành lập giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ Khoa Huân, đăng cai triển lãm Mỹ thuật toàn quốc khu vực 8; tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ các chuyên ngành; tổ chức các cuộc hội thảo (văn học; 03, âm nhạc: 02, sân khấu: 02). TP Cần Thơ (đơn vị đăng cai) tổ chức lễ trao giải cho các tác giả tham gia cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần 4. Đồng Tháp thành lập Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật tỉnh (Báo Văn nghệ Đồng Tháp mở chuyên mục lý luận phê bình mỗi số báo, tổ chức hội thảo, tọa đàm), xây dựng Đề án Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015…Số lượng và chất lượng sự nghiệp VHNT ở Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể, số hội viên tăng gấp 3 lần so với hơn 10 năm trước.

Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 09/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương về đại hội các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Đại hội Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật trao đổi về nội dung, nhân sự và tạo điều kiện về kinh phí cho hội viên đi dự Đại hội đại biểu ở Trung ương.

Qua hai năm thực hiện, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí chủ đềHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo và công chúng với nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm VHNT và báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức sơ kết và trao giải tạo nên đợt sinh hoạt chính trị có sức lan tỏa trong đời sống nhân dân: Cần Thơ trao 97 tác phẩm VHNT và báo chí đạt giải cấp địa phương, 8 giải cấp khu vực và Trung ương. Đồng Tháp tuyển chọn và tổ chức trao giải cho 79 tác giả và có 01giải B của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương. Tiền Giang trao 78 tác phẩm (46 tác phẩm VHNT, 33 báo chí)…

Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy đã tham mưu cho tỉnh, thành ủy xây dưng kế hoạch và hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Các tỉnh, thành ủy đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức triển khai, quán triệt Chương trình hành động đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đảng viên và lực lượng văn nghệ sĩ; chỉ đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thị và các đảng ủy trực thuộc tỉnh, thành ủy xây dựng kế hoạch tuyên tuyền và triển khai cho cán bộ chủ chốt các huyện, thị và tương đương…Tỉnh Đồng Tháp xây dựng Đề án Phát triển VHNT tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015; Bạc Liêu đã mở thêm chuyên trang, chuyên mục, chủ đề tuyên truyền sâu việc thực hiện Nghị quyết, trong đó tuyên truyền sâu các chính sách đối với văn nghệ sĩ, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu có giá trị, gương điển hình trong sáng tạo nghệ thuật; hình thành và ra mắt quỹ văn hóa nghệ thuật, đầu tư chiều sâu cho văn nghệ sĩ từ nhiều nguồn để tạo ra những tác phẩm mới phục vụ cho công chúng. Nhiều địa phương triển khai Nghị quyết 23 gắn với việc thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT”: Tiền Giang thành lập Ban Chỉ đạo với phương châm: bên cạnh việc “chống” chú ý việc “xây”, gắn nội dung chống quan điểm sai trái với sinh hoạt chi bộ.

Hầu hết cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ phấn khởi và nhất trí cao về quan điểm, nội dung, những vấn đề cơ bản cấp bách từ thực tiễn đặt ra, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển VHNT của đất nước. Các cấp uỷ, các đoàn thể, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa lĩnh vực VHNT đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trân trọng hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ và những tài năng VHNT góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những mặt tích cực, Hội nghị đã nghiêm túc chỉ ra một số vấn đề hạn chế, bất cập trong đời sống văn hóa, VHNT đang tồn tại ở khu vực miền Tây Nam Bộ

- Tiến độ thực hiện một số công trình thiết chế văn hoá còn chậm so với kế hoạch; nhiều nhà văn hoá xã, thôn nội dung hoạt động còn nghèo; một số vi phạm trong lĩnh vực

kinh doanh văn hoá và dịch vụ văn hoá hoạt động của các Đội thông tin lưu động gặp khó khăn do kinh phí hạn chế.

- Có biểu hiện “thành tích” trong xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hoá, ấp văn hoá...Chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở một số nơi còn thấp.

- Việc triển khai nội dung Kết luận số 51-KL/TW chưa liên tục và rộng khắp, có nơi buông lỏng chỉ đạo, quản lý. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều lãnh đạo ở các cấp thiếu gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Một số lễ hội vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, như: thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, tổ chức cờ bạc trá hình; hoạt động dịch vụ ở một số lễ hội chưa được tổ chức, sắp xếp ngăn nắp để bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tượng tâm linh, ngoại cảm có biểu hiện phức tạp ảnh hưởng đến đời sống tinh thần trong xã hội.

Việc cưới có sự pha trộn các yếu tố mới – cũ, lai căng, phô trương, rườm rà, lãng phí. Tình trạng tổ chức đám cưới mời tràn lan đã xuất hiện trở lại ở khu vực đô thị và trong cán bộ, công chức. Một số nơi chưa thực hiện nghiêm luật hôn nhân và gia đình (cưới không đăng ký kết hôn), hình thức báo hỷ chưa được hưởng ứng rộng rãi, chưa chú trọng tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong đám cưới theo nếp sống văn minh. Việc xây dựng mô hình “Lễ cưới văn minh, tiết kiệm” còn chậm, chưa có sức thuyết phục; tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn ở một số địa phương còn hình thức chưa tạo ấn tượng với người đến đăng ký; vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia thực hiện lễ cưới theo nếp sống văn minh chưa rõ nét; phụ nữ miền Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài có xu hướng gia tăng, nhiều hệ luỵ.

Hiện tượng tổ chức đám tang có tính phô trương trục lợi, kéo dài ngày vẫn tồn tại trong cán bộ đương chức và những người giàu có ở một số địa phương; nhiều hủ tục lạc hậu trong tang ma vẫn xuất hiện ở một số nơi trong các tôn giáo, dân tộc (đồng bào theo đạo Hòa Hảo);

- Kinh phí hoạt động của Hội VHNT gặp nhiều khó khăn. Còn ít tác phẩm VHNT đạt chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật được xã hội quan tâm.

- Công tác phản tuyên truyền đối với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch tuy được chú ý tăng cường, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm và hạn chế, nhất là trên lĩnh vực Internet.

- Có hiện tượng tán phát tài liệu phản động; xưng danh cán bộ của cơ quan Trung ương, tỉnh bạn giới thiệu và bán sách về Cuộc vận động, về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sách học tập chính trị... mạo danh cán bộ lãnh đạo viết bài tung lên mạng (blog) nhằm công kích, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

- Một số cấp ủy, địa phương chưa thật sự chủ động chỉ đạo việc thực hiện các nội dung và những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW tạo không khí phấn khởi thúc đẩy VHNT phát triển.

Phát biểu kết luận, đồng chí Hồng Vinh, thay mặt cho Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định: Hoạt động văn hóa, văn nghệ 6 tháng đầu năm 2010 trong khu vực đã có bước phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, tạo không khí sôi nổi, góp phần đẩy lùi những luồng tư tưởng, quan điểm, những dư luận sai trái của các thế lực thù địch, qua đó khẳng định và củng cố lòng tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm tăng niềm phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội.

Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển. Phần lớn cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và vận động làng xóm thực hiện tốt nếp sống văn minh. Công tác chính trị - tư tưởng, công tác tuyên truyền, cùng với những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh... đã có tác động tích cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, thống nhất tư tưởng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục mang lại kết quả tích cực, tác động tốt đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm và hành động của nội bộ và các tầng lớp nhân dân.

Những định hướng, chỉ đạo các hoạt động văn hoá, văn nghệ 6 tháng cuối năm 2010

Các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt hơn các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương. Đặc biệt lưu ý đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 65 năm ngày Quốc khánh, ngày quốc phòng toàn dân và các lễ hội ở địa phương, chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, biểu dương các nhân tố mới, điển hình mới để nhân rộng.

Phối hợp, triển khai hiệu quả các hoạt động thực hiện Kết luận 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội”; kiên quyết xử lý vấn đề tâm linh, ngoại cảm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm trạng của nhân dân; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); động viên văn nghệ sĩ tích cực hưởng ứng cuộc vận động sáng tác VHNT về nhiều đề tài phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và các giai tầng xã hội (công nhân, nông dân, học sinh-sinh viên); Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với việc thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu; nêu cao vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị trong cuộc vận động.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống các luận điệu xuyên tạc chống phá cách mạng; kiểm tra ngăn chặn các sản phẩm văn hóa xấu, độc hại trôi nổi trên thị trường, nhất là băng đĩa lậu, sách lậu, các tệ nạn xã hội nghiêm trọng; chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, tăng cường công tác định hướng, quản lý thông tin, quản lý việc in sao băng đĩa, tài liệu có nội dung tâm linh ngoại cảm; xử lý những sai phạm, vi phạm đối với những trường hợp đội lốt cái gọi là “khả năng đặc biệt” để hoạt động lừa bịp, phát tán thông tin tuỳ tiện, gây rối đời sống tinh thần xã hội.

Lê Thị Bích Hồng
 
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ
 Ban Tuyên giáo Trung ương



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất