(TCTG) Ngày 12/8/2010, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Hội thảo về vai trò của các ấp ủy đảng và chính quyền trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Tới dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, UVTƯ Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Ngọc Tăng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo QG về VĐHMNĐ, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng nhiều đại diện của các Bộ, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Tăng khẳng định: “Máu là loại thuốc đặc biệt, luôn cần cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân hàng ngày hàng giờ. Mỗi năm nước ta mới đáp ứng được 40% lượng máu cần thiết so với nhu cầu khám chữa bệnh. Tình trạng thiếu máu phổ biến ở hầu hết các địa phương. Cả nước có hơn 45 triệu người trong độ tuổi hiến máu nhưng hàng năm chỉ có khoảng 500.000 người tham gia hiến máu nhân đạo. Rất nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương còn thờ ơ với việc hiến máu cứu người.
Từ tháng 5/2004, Các tổ chức quốc tế như WHO, IFRC và Hội truyền máu quốc tế đã có nghị quyết: “An toàn truyền máu là chính sách ưu tiên hàng đầu” và khuyến cáo chính phủ các nước phải có chính sách ưu tiên cho công tác truyền máu, mà người hiến máu là mắt xích quan trọng"
|
Đồng chí Trần Ngọc Tăng phát biểu khai mạc hội nghị |
Trình bày tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – truyền máu TƯ đã nhấn mạnh: Năm 2009, cả nước thu được 632.902đơn vị máu, mới đạt 0,7% dân số hiến máu. Còn hơn 1 triệu trường hợp không có đủ máu để truyền kịp thời, gây ra những hậu quả đáng tiếc. So với các nước khác, kết quả của Việt Nam còn quá khiêm tốn. Lượng máu thu gom cả nước tăng bình quân từ 15 – 18% nhưng nhu cầu về máu tăng 35% mỗi năm.
Đồng chí cũng đề xuất một số kiến nghị: Cần thiết phải ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự tham gia và trực tiếp chỉ đạo công tác vận động hiến máu, trực tiếp tham gia hiến máu (làm gương) của Lãnh đạo Đảng các cấp, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, tạo dựng phong trào xã hội rộng lớn và phát triển bền vững, có chủ trương của Đảng cho việc xây dựng luật hiến máu, coi hiến máu là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân mạnh khỏe.
|
Đồng chí Anh Trí phát biểu tại hội thảo |
TS Võ Đình Vinh, Chánh văn phòng, Ban Chỉ đạo quốc gia VĐHMNĐ đã trình bày các chính sách đối với công tác vận động hiến máu tình nguyện ở nước ta. Qua hơn 10 năm thực hiện phong trào vận động HMTN, nhận thức của người dân đã có chuyển biến tích cực, tăng dần về số lượng máu và số người tham gia hiến máu. Năm 1994 tổng số máu thu được là 138.000 đơn vị, năm 2009 thu được 632.902 đơn vị, tỷ lệ người HMTN đạt 79, 06%. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác VĐHMNĐ ngày càng hoàn thiện nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia HMTN của người dân, đặc biệt là lứa tuổi trẻ và sinh viên. Đồng chí cũng thẳng thắn nhìn nhận hành lang pháp lý về HMNĐ chưa đủ mạnh để đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân (chưa có Luật hiến máu tình nguyện), chưa có lộ trình hàng năm để thực hiện cam kết chung của Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đến năm 2010 và chậm nhất là 2015 đạt chỉ tiêu 100% người HMTN, xóa bỏ tình trạng mua, bán máu.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Trưởng ban Công tác HMNĐ, TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã giới thiệu một số mô hình tổ chức dịch vụ truyền máu trên thế giới và trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Lào (tại thủ đô Viên Chăn) đạt tỷ lệ 100% về HMTN. Hai thách thức lớn nhất trong dịch vụ truyền máu hiện nay là thiếu người hiến máu và nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người hiến máu không an toàn. Vì vậy, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong công tác hiến máu tình nguyện như ban hành chỉ thị của Đảng và Luật về hiến máu tình nguyện. Các địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo và bố trí ngân sách cho công tác vận động hiến máu tình nguyện tại các cấp: tỉnh, huyện và xã.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Đồng chí Nguyễn Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng ban chỉ đạo VĐHMNĐ tỉnh Hà Nam đã trình bày một số kết quả đạt được của tỉnh trong công tác vận động phong trào hiến máu nhân đạo. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm như: các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Từ đó thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này với nội dung cụ thể sâu sát bằng các chương trình cụ thể. Phát huy vai trò cơ quan tham mưu, cơ quan thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chỉ đạo phối hợp tốt các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Tạo điều kiện về kinh phí, nguồn lực cho công tác vận động hiến máu.
|
Đồng chí Nguyễn Như Lâm phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng khẳng định: Vận động hiến máu nhân đạo có ý nghĩa văn hóa, nhân đạo, chính trị, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng được xem xét là một chiến lược lớn của quốc gia. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần tiếp tục làm rõ, coi việc hiến máu nhân đạo là trách nhiệm của mỗi người. Các cơ quan truyền thông và hệ thống báo cáo viên trên toàn quốc phải có các chương trình cụ thể tuyên truyền về vấn đề này.
Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ đề xuất với Ban Bí thư có văn bản chủ trương về vấn đề này, đề nghị với Chính phủ thông qua các chiến lược, chủ trương về mục tiêu quốc gia và có dự án luật về hiến máu trình với Quốc hội.
Cần tổ chức các phong trào hiến máu tình nguyện, phổ biến và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đảm bảo các điều kiện vật chất, biên chế, chính sách cho hội chữ thập đỏ các cấp thực hiện phong trào.
Thu Hằng