Trong bối cảnh đến năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng ASEAN, các quốc gia sẽ công nhận trình độ lẫn nhau. Khi đó, không còn mười thị trường lao động mà sẽ có một thị trường lao động lớn. Lao động trong nước có thể làm việc tại Malaysia, Thái-lan… Nếu được công nhận về trình độ, họ sẽ không bị thiệt thòi. Còn ngược lại, lao động có bằng đại học cũng bị trả mức lương như lao động phổ thông.
Nhìn rộng ra, Việt Nam cần có khung trình độ quốc gia tham chiếu để các quốc gia có thể so sánh, công nhận. Hiện giờ, nhiều quốc gia chưa công nhận bằng cấp của nước ta.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế về giáo dục là cơ hội cho chúng ta huy động các nguồn lực, kinh nghiệm từ bên ngoài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hội nhập về giáo dục đòi hỏi chính sách và khung pháp lý phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế về hành chính, quản lý, chất lượng giáo dục, mô hình cung cấp dịch vụ giáo dục và cơ chế công nhận trình độ, kỹ năng của người học và người lao động, giúp cho họ có khả năng làm việc, học tập trong môi trường toàn cầu. Trong nhiều năm qua, hệ thống GD&ĐT ở nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập về tư duy nhận thức trong phát triển giáo dục, cơ chế quản lý. Bằng cấp chưa thật sự gắn với giá trị học vấn và năng lực của người học làm ảnh hưởng đến niềm tin trong xã hội nói chung và của người sử dụng lao động nói riêng.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhấn mạnh, việc xây dựng khung trình độ quốc gia quan trọng với bất cứ nước nào. Người sử dụng lao động luôn muốn biết người tốt nghiệp có năng lực thế nào về kiến thức, kỹ năng, thái độ… để sắp xếp vị trí phù hợp. Hệ thống đào tạo của Việt Nam được chia theo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ… nhưng trong thực tế không rõ ràng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không làm được việc, kỹ năng không bằng trình độ trung cấp. Điều này cũng làm cho đào tạo liên thông gặp khó khăn. Vì thế, rất cần thiết phải có một khung trình độ quốc gia từ thấp đến cao, thể hiện các bậc trình độ.
Nhìn rộng ra, Việt Nam cần có khung trình độ quốc gia tham chiếu để các quốc gia có thể so sánh, công nhận. Hiện giờ, nhiều quốc gia chưa công nhận bằng cấp của nước ta.
Ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, chia sẻ, tới năm 2012, khoảng 130 quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia. Riêng trong cộng đồng ASEAN còn bốn quốc gia chưa xây dựng khung trình độ quốc gia là Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hai nước mới ban hành là Indonesia và Malaysia. ASEAN đã ký kết công nhận lẫn nhau trong bảy lĩnh vực. Đây mới là những việc làm ban đầu, nếu không có khung trình độ quốc gia, sẽ rất khó cho các nước trong khu vực công nhận lẫn nhau.
Theo ông Việt, khung trình độ quốc gia/khung trình độ nghề quốc gia lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020. Hiện Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng được khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 173 nghề, 126 nghề đã ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Ông Hoàng Ngọc Vinh thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ GD&ĐT dự kiến 2 phương án cấu trúc của Khung trình độ Quốc gia. Mỗi một phương án có những ưu điểm riêng. Chẳng hạn, với phương án 1 thì giáo dục ĐH gồm có Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân đại học; còn giáo dục nghề nghiệp gồm: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Đối với phương án 2 thì giáo dục ĐH có thêm Cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp cũng có cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Qua phần trình bày của mình về Khung trình độ Quốc gia Vương quốc Anh, ông Mark Novels đã làm được một việc rất khó khăn: quy hoạch cả một “khu rừng” bằng cấp và trình độ của Vương quốc Anh lại theo tám bậc của Khung trình độ quốc gia và biến khái niệm tưởng như khô khan và khó tiếp cận như “khung trình độ quốc gia” thành những câu chuyện dễ hiểu và thiết thực. Quan trọng hơn, ông Mark Novels đã chỉ ra được hai yếu tố quan trọng khiến bằng cấp của Vương quốc Anh được công nhận về chất lượng trên phạm vi thế giới. Thứ nhất, vai trò của Ofqual và Ofsted trong việc bảo đảm chất lượng và niềm tin cho những tấm bằng. Thứ hai, quan điểm “người học là đối tượng cần được bảo vệ cao nhất” trong hệ thống giáo dục của Anh là kim chỉ nam cho mọi chính sách và hoạt động của các cơ quan liên quan.
Ofqual là Cơ quan Quy định và Kiểm soát Văn bằng và Thi cử, còn Ofsted là Cơ quan tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ Giáo dục Trẻ em và Kỹ năng nghề nghiệp. Cả Ofqual và Ofsted đều là cơ quan độc lập, không thuộc Chính phủ, báo cáo trực tiếp với Quốc hội. Hiểu một cách đơn giản, Ofqual giám sát về bằng cấp và việc cấp bằng còn Ofsted thanh kiểm tra để bảo đảm môi trường giáo dục được đảm bảo theo các tiêu chuẩn của Khung các Tiêu chí Thanh tra Giáo dục cho các bậc học khác nhau. Hàng tuần, trung bình mỗi cơ quan này tiến hành hàng trăm hoạt động thanh kiểm tra; kết quả của các hoạt động thanh tra này được ghi lại trong hệ thống để đánh giá chất lượng hoạt động cũng như bằng cấp của các cơ sở cấp bằng và giảng dạy. Mục tiêu cao nhất của hai cơ quan này là đảm bảo rằng người học được bảo vệ.
Ngoài ra, khung trình độ quốc gia Vương quốc Anh còn được quy chiếu thống nhất với Khung trình độ Châu Âu, dựa trên “Chuẩn đầu ra cụ thể của quá trình học” bao gồm kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các cơ quan cấp bằng của Vương quốc Anh cung cấp thông tin về trình độ tương ứng của người nhận bằng theo khung trình độ Châu Âu ngay trên tấm bằng của người tốt nghiệp khóa học. Điều này giúp thúc đẩy khả năng làm việc ở các thị trường lao động khác của người lao động cũng như tăng cường việc nhận biết về bằng cấp và năng lực ở bên ngoài nước Anh.
Ông Ian Robinson, Quyền Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam nói: “Cũng giống như Việt Nam, Vương quốc Anh đã từng gặp phải những khó khăn về nhận biết, so sánh và đánh giá các bằng cấp khác nhau vì chúng tôi cũng có một hệ thống bằng cấp rất đa dạng và khá phức tạp. Năm 1997, Khung Bằng cấp hay Khung Trình độ Quốc gia ra đời và là khung duy nhất cho tất cả các loại bằng cấp ở Anh, Xứ Wales và Bắc Ai-len (không bao gồm các bằng cấp bậc đại học), giúp chúng tôi giải quyết khó khăn nói trên.
“Hội đồng Anh rất vui mừng khi thấy rằng, qua hội nghị này, những bài học kinh nghiệm quý đã được chia sẻ với Việt Nam trong quá trình xây dựng khung trình độ quốc gia. Quan trọng hơn, trong ngày thứ hai của hội nghị, các đại biểu đã ngồi lại cùng nhau và thảo luận về các bước cụ thể và lộ trình thực hiện để xây dựng Khung trình độ quốc gia cho Việt Nam.”
Ngòai ra, các đại biểu Việt Nam cũng chia sẻ về điểm yếu, cơ hội và những thách thức về văn bằng và trình độ đang tồn tại, và trình bày sơ lược về chiến lược xây dựng khung trình độ quốc gia trong bối cảnh và tiến trình xây dựng Khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN. Theo đó, tại Việt Nam, các văn bằng và trình độ đang được định nghĩa một cách thiếu rõ ràng, khó hiểu, lòng tin của người sử dụng lao động với các văn bằng chưa cao và khả năng quy đổi tương đương bằng cấp của Việt Nam với khu vực và thế giới còn hạn chế.
Đến năm 2012, khoảng 130 nước trên thế giới đã có Khung trình độ quốc gia; trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong bốn nước vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh Khung trình độ quốc gia (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar).
Theo molisa.gov.vn