Bộ GD-ĐT vừa ban hành Hướng dẫn thực
hiện nhiệm vụ của giáo dục Tiểu học năm học 2013 - 2014 gửi các Sở
GD-ĐT. Trong đó, có một nội dung quan trọng đang thu hút sự quan tâm của
dư luận xã hội là các trường Tiểu học sẽ không được chấm điểm học sinh
lớp 1.
Đứng ở góc độc quản lý cấp Tiểu học, ông
Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) đã đưa ra những
ý kiến về Hướng dẫn mới trên.
PV:
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra hướng dẫn mới là các trường Tiểu học không được
chấm điểm học sinh lớp 1. Ông đánh giá như thế nào về Hướng dẫn này?
Ông Phạm Xuân Tiến: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1.
Hiện nay, trước khi vào lớp 1, nhiều bậc
phụ huynh đã tìm thầy cô giáo để dạy trước cho con nên các cháu có thể
tập đọc, tập viết và làm Toán sẽ tốt hơn những em chưa hề học trước.
Chính vì vậy, việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác,
công bằng. Điều này cũng tạo ra phong trào khiến phụ huynh “chạy” theo
việc cho con học trước lớp 1.
Trẻ em mầm non bước vào lớp 1 là sự
chuyển đổi mạnh mẽ về tâm lý nên việc chấm điểm học tập sẽ tạo áp lực
rất lớn đối với học sinh. Các em sẽ so sánh kết quả học tập của mình với
bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn nên sẽ rơi vào tình trạng phải học
đuổi, học quá tải.
Trẻ học trước chương trình đến hết học kỳ I là “hết vốn”
PV: Xin ông cho biết, việc các em học trước chương trình lớp 1 có ảnh hưởng như thế nào?
Ông Phạm Xuân Tiến:
Những em học trước chương trình lớp 1 sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn về mặt
tâm lý nên rất chủ quan. Trong khi cô giáo giảng bài trên lớp, có rất
nhiều kiến thức và kỹ năng mà các em cần phải nắm bắt. Thế nhưng, đối
với những em học trước khi mới nghe thì nghĩ là mình biết rồi nên không
tập trung trong giờ học. Do đó, các em sẽ không nắm chắc được những kiến
thức, kỹ năng và sẽ hạn chế đối với việc học sau này.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, những
em học trước chương trình thì đến cuối học kỳ I là “hết vốn”, sẽ có kết
quả thực học thấp hơn những học sinh chưa học.
Tâm lý của trẻ em là rất muốn khám phá
nên những em chưa học trước chương trình sẽ rất hứng thú tìm tòi những
kiến thức cô giáo giảng. Các em sẽ tập trung học, tiếp thu kiến thức
chắc và sâu nên đạt kết quả thực chất hơn những học sinh đã học trước.
|
Ông Phạm Xuân Tiến |
PV: Sau
khi xem xét kỹ, Bộ GD-ĐT nhận thấy hướng dẫn mới về không chấm điểm cho
học sinh lớp 1 còn chưa phù hợp với Thông tư 32 của Bộ (quy định kết
hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét) vẫn đang ban hành. Ông nghĩ
sao về vấn đề này?
Ông Phạm Xuân Tiến:
Hiện nay, các trường Tiểu học đang thực hiện việc đánh giá và chấm điểm
học sinh theo Thông tư 32. Để thực hiện việc không chấm điểm cho học
sinh lớp 1 thì Bộ GD-ĐT cần có một Thông tư với nội dung chỉnh sửa Thông
tư 32 hoặc Bộ có thể đưa ra một Thông tư khác. Việc làm này là rất quan
trọng vì đảm bảo sự chính thức của văn bản do một cơ quan do Nhà nước
quy định.
Không thể bỏ xếp loại học tập của học sinh
PV: Ông nghĩ sao về quy định mới của Bộ GD-ĐT có thể hướng tới việc không xếp loại học tập của học sinh?
Ông Phạm Xuân Tiến:
Việc đánh giá học sinh xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém là rất
bình thường. Bởi vì sau một quá trình học tập, giáo viên phải có sự phân
loại, đánh giá năng lực học tập của học sinh. Việc đánh giá, phân loại
này sẽ giúp cho giáo viên điều chỉnh dạy học theo sự phân hóa từng đối
tượng học sinh.
Những học sinh yếu, kém thì giáo viên
cần có sự đầu tư trong việc giảng dạy nhiều hơn để giúp cho các em có đà
phấn đấu trong học tập, rèn luyện.
Việc đánh giá, phân loại học tập cũng sẽ
giúp cho phụ huynh thấy được con mình đang học tập ở mức độ nào để quan
tâm, hỗ trợ nhà trường trong việc giảng dạy, chăm sóc con.
Chính vì những lý do trên, theo quan điểm của tôi, việc bỏ xếp loại học tập của học sinh sẽ là không hợp lý.
PV: Hà
Nội là một địa phương mà tình trạng dạy “chạy” đua với việc dạy, học
trước lớp 1 tương đối nhiều và khá phổ biến. Theo như Hướng dẫn mới của
Bộ thì Sở GD-ĐT tiếp thu, chỉ đạo việc không chấm điểm học sinh lớp 1
tới các quận, huyện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Tiến:
Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục Hà Nội đã quán triệt tinh thần là giáo
viên chỉ cho điểm theo đúng quy định như: Điểm kiểm tra thường xuyên ở
môn Toán có 2 đầu điểm, Tiếng Việt có 4 đầu điểm hoặc kiểm tra định kỳ.
Với quy định giáo viên không được cho
điểm một cách tùy tiện, tràn lan mà lấy việc cho điểm là để đánh giá học
sinh là chính. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường là đánh giá học sinh lớp 1
bằng nhận xét, trên tinh thần động viên, khích lệ các em trong học tập,
rèn luyện.
Nếu những học sinh nào chưa đạt được
những tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng thì giáo viên có nhiệm vụ động
viên các em phấn đấu hơn trong học tập. Những thái độ kiểu như chê bai,
phàn nàn học sinh sẽ không được phép đối với giáo viên dạy lớp 1.
Tôi nghĩ rằng, sau khi áp dụng không
chấm điểm học sinh lớp 1 thì tình trạng dạy thêm, học thêm trước chương
trình sẽ giảm đi đáng kể trên địa bàn thủ đô Hà Nội nói riêng và các
tỉnh, thành khác nói chung.
PV: Xin cảm ơn ông!./.