Quy trình lộn xộn
Cụ thể, kết quả giám sát cho thấy, quy trình biên soạn chương trình-sách
giáo khoa giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học.
Điều này thể hiện ở chỗ hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so
với các ban chỉ đạo cấp học, không có tổng chỉ huy cho từng môn học của
tất cả các cấp học, thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều
hành, phối hợp để đảm bảo vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên
soạn, triển khai chương trình-sách giáo khoa.
Kết luận cũng chỉ rõ hội đồng xây dựng còn thiếu đội ngũ chuyên gia giàu
kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, chưa tổ chức lấy ý kiến
rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, nhất là giảng viên dạy
trung học cơ sở và trung học phổ thông cho dự thảo chương trình-sách
giáo khoa.
Các đánh giá của Đoàn giám sát cho rằng chương trình giáo dục phổ thông
cũng chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt giữa các cấp học từ
tiểu học đến trung học phổ thông.
Theo đó, thay vì xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất
giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu
cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết
sách giáo khoa thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để
các tác giả căn cứ vào đó viết sách. Sau khi có sách giáo khoa đưa vào
dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành
chương trình chuẩn quốc gia.
Việc thẩm định cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng một cách đầy đủ ngay từ đầu.
Trong khi sách và chương trình còn bất cập thì các điều kiện đảm bảo cho
việc dạy và học còn lạc hậu hơn nữa. Các kiểm tra đánh giá của Đoàn
giám sát cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên
thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình-sách
giáo khoa mới.
Nội dung vừa thừa, vừa thiếu
Sự thiếu khoa học trong quy trình biên soạn tất yếu dẫn đến sự bất cập,
vừa thiếu, vừa thừa trong nội dung của chương trình-sách giáo khoa.
Kiểm tra của Đoàn giám sát cho thấy sách giáo khoa được biên soạn chưa
phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh, với trình độ của đội ngũ
giáo viên và khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập.
Nội dung sách chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người, giữa lý thuyết và
thực hành, giữa dung lượng kiến thức kỹ năng và thời lượng giảng dạy.
Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng rất dễ nhận thấy sách thừa
nhiều nội dung với nhiều kiến thức chưa thực sự cơ bản. Nhiều phần yêu
cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với
học sinh dân tộc thiểu số và ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội
khó khăn.
Thừa những kiến thức nặng nề, xa vời nhưng chương trình-sách giáo khoa
lại thiếu những điều cơ bản như dạy đạo đức, dạy kỹ năng sống… Những môn
học này gần đây được đưa vào dạng tích hợp nhưng lại thiếu sự linh
hoạt.
Cụ thể, việc lồng ghép các nội dung giáo dục về môi trường, an toàn giao
thông, dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, kỹ năng
sống, phòng chống tệ nạn xã hội ma túy… vào các môn học chưa nhuần
nhuyễn và linh hoạt, dẫn đến sự quá tải, kém hiệu quả trong quá trình
học tập. Chưa kể, các bài giảng này còn nặng về giảng giải lý thuyết,
thiếu thực tiễn và sáng tạo nên không thu hút được học sinh.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng không chỉ nội dung, phương thức giảng dạy
cũng trong tình trạng mất cân đối, nặng về giảng dạy lý thuyết trên lớp
mà thiếu hoạt động ngoại khóa như tham quan thực tế cũng như thời gian
tự học.
Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, những hạn chế
trong việc triển khai chương trình-sách giáo khoa chủ yếu do công tác
chuẩn bị chưa chu đáo. Việc biên soạn chưa có tính khả thi cao, đội ngũ
giáo viên, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện chương trình-sách giáo khoa một cách nghiêm túc và sâu sắc,” ông Thi nói.
Trước những nhận xét, đánh giá của Đoàn giám sát, đại diện Bộ Giáo dục
và Đào tạo không phủ nhận nhưng cho rằng hơi nặng nề. Ngày mai, 15/8,
hai bên sẽ cùng làm việc, thảo luận về vấn đề này./.
Thực hiện Nghị quyết số
547/NQ-UBTVQH13 ngày 14/12/2012 về chương trình hoạt động giám sát của
Ủy ban Thường vụ quốc hội năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban
hành Nghị quyết số 557/NQ-UBTVQH13 ngày 7/1/2013 thành lập Đoàn giám sát
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Sau khi thành lập, Đoàn
đã yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ sở
giáo dục báo cáo các tài liệu có liên quan. Đoàn cũng đề nghị các đại
biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát tại địa phương và gửi
kết quả về Đoàn.
Đoàn đã đến 8 tỉnh,
thành đại diện cho các vùng miền trên cả nước, khảo sát các cơ sở giáo
dục phổ thông từ tiểu học đến trung học, các trường đại học, tìm hiểu
thông tin thuộc các loại hình trường từ công lập, ngoài công lập, trường
có yếu tố nước ngoài, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, từ
trường thường cho đến các trường chuyên biệt.
Ngoài ra, Đoàn cũng tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Sau thời gian khảo sát, Đoàn đã tổ chức họp xem xét, thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát vào đầu tháng 8/2013./.
|