Chúng tôi ghé thăm khu phố thuộc tổ 52 phường Hòa Minh - phường văn hóa tiêu biểu của quận Liên Chiểu vào một buổi chiều nắng đẹp. Là nơi có nhiều nhà máy, cơ quan, kho xưởng đóng trên địa bàn, nhưng đường phố nơi đây khá sạch sẽ, thoáng đãng với nhịp sống yên bình. Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Hòa Minh Trương Quang Phước, hồ hởi kể về phong trào xây dựng mô hình "tổ dân phố như một họ tộc" đạt hiệu quả đáng tự hào của Hòa Minh. Theo ông Phước, sở dĩ chọn mô hình này bởi trong số 96 tổ dân phố của phường, có tới 42 tổ là dân tái định cư, gồm công nhân, cán bộ, học sinh thuộc các cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Phải làm thế nào để nâng cao tình cảm làng xóm, tinh thần đoàn kết gắn bó như trong họ tộc của các hộ dân tại chỗ để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa địa phương? Và mô hình "tổ dân phố như một họ tộc" là phương án hữu hiệu, góp phần đưa Hòa Minh trở thành phường duy nhất của quận đạt danh hiệu phường văn hóa tám năm liền.
Gặp và trò chuyện với bà Trần Thị Kim Ðức, Tổ trưởng, đồng thời đảm nhiệm vai trò "tộc trưởng" gia tộc tổ 52, bà cho biết, 10 năm qua nhờ có mô hình "tổ dân phố như một họ tộc" mà phong trào xây dựng đời sống văn hóa nơi đây phát triển tốt. Với 70% dân số là cán bộ, công nhân viên từ khắp nơi về làm việc, sinh sống, việc tuyên truyền vận động bà con đoàn kết gắn bó thực hiện tốt phong trào địa phương như người trong một dòng họ, coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình đã thành công. Với vai trò "tổ trưởng - tộc trưởng", mỗi khi có công việc, bà Ðức lại đứng ra tổ chức, vận động mọi người cùng tham gia đầy đủ, tích cực với tinh thần tự nguyện, xem đó như công việc của gia đình, dòng họ mình. Hai năm trước, anh Nguyễn Văn Vàng từ Gia Lai xuống đây thuê nhà ở làm nghề sửa khóa. Anh có một vợ hai con, vốn đã khó khăn lại gặp bệnh nan y phải vào viện mổ não, được mọi người trong tổ dân phố chung tay quyên góp tiền giúp thêm. Khỏi bệnh, trở lại làm việc, sinh hoạt bình thường, anh Vàng luôn nhớ ơn bà con xóm phố. Bây giờ mỗi khi có ai gặp khó khăn, công chuyện gì, tổ vận động quyên góp là anh lại tích cực tham gia, đôi khi đóng góp có phần nhỉnh hơn người khác vì nỗi niềm cảm kích "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trường hợp đám tang của gia đình ông Trần Văn Bổng mấy năm trước cũng là một điển hình. Là công nhân ở nơi khác đến, gia đình ông vốn neo người, lại sống trong khu tập thể cơ quan khá biệt lập, ít quan hệ với bà con xóm phố, đến khi ông Bổng mất không có đủ người khiêng quan tài, chôn cất. Vậy là bà Ðức đứng ra nhờ con cháu, xóm giềng cùng lo ma chay cho ông... "Với quan niệm tất cả cùng trong một dòng họ, cùng bình đẳng không phân biệt tộc lớn tộc nhỏ, dân ngụ cư hay dân tại chỗ... bà con ở đây đều tích cực tham gia mọi hoạt động, phong trào, từ lễ hội đình làng đến ma chay, cưới hỏi, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... Năm vừa qua, tổ có 99% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa cấp quận, 60% đạt danh hiệu Gia đình hiếu học cấp phường, cấp quận, trong đó hai hộ đạt Gia đình hiếu học cấp thành phố", bà Ðức phấn khởi khoe.
Trong câu chuyện về phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, khi được hỏi địa bàn nào tiêu biểu, địa bàn nào còn nhiều hạn chế nhất của Ðà Nẵng, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng Nguyễn Thị Hồng trả lời: "Nơi làm tốt cũng lại là nơi còn nhiều hạn chế, quận Liên Chiểu chính là điển hình đó". Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi thấy nhận xét đó là xác đáng. Là một quận tiêu biểu của Ðà Nẵng về tốc độ phát triển, giai đoạn từ 2005 đến 2010, Liên Chiểu đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các chỉ tiêu hằng năm đều tăng: giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt 4.525,8 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 47,4%; thương mại dịch vụ đạt 1.061,3 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 31,2%; hạ tầng đô thị không ngừng được đầu tư nâng cấp với tổng vốn 149,3 tỷ đồng, 488 công trình dân dụng, dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục đào tạo hơn 50 tỷ đồng...
Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế - xã hội, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống người dân và diện mạo đô thị. 3/5 phường trong quận đã đăng ký xây dựng phường văn hóa là Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Bắc. Với nhiều chủ trương, biện pháp tuyên truyền vận động, tổ chức tích cực, hiệu quả của những người làm công tác văn hóa, những nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời của người dân được bảo tồn, phát huy phù hợp nền nếp, quy định, tiêu chuẩn văn minh đô thị mới, giúp phong trào đạt nhiều kết quả tốt. Ðã có nhiều mô hình mới ra đời, như "Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Tổ dân phố như một gia tộc" được phát động rộng rãi ở phường Hòa Minh; mô hình "Khối phố an toàn, gia đình hạnh phúc" ở phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam; mô hình "Gia tộc không có người vi phạm pháp luật", "Khu dân cư không có tệ nạn xã hội" ở phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam... Ðáng chú ý có mô hình "Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên" ở phường Hòa Hiệp Bắc. Ðây là mô hình hình thành tại khu dân cư vùng biển có tuyến biên phòng vừa mang tính chất xây dựng điểm, vừa lồng ghép, góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thực hiện "Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị", duy trì tốt chương trình "Thành phố 5 không", thực hiện đề án "3 có", tăng cường các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân giữa UBND phường với Ðồn Biên phòng 244 đạt hiệu quả thiết thực...
Tuy nhiên, Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu Trần Công Khuê, cũng thẳng thắn thừa nhận một số điểm nổi cộm trong xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn. Ðó có lẽ cũng là thực tế ở quận Liên Chiểu nói riêng, ở TP Ðà Nẵng nói chung. Trước hết, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh dẫn đến một lực lượng khá đông dân đô thị có nguồn gốc từ nông thôn về sinh sống và làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. Do nếp sống, thói quen sinh hoạt cũ, cho nên không dễ dàng hòa nhập, thích nghi với cuộc sống đô thị. Một thực trạng đáng quan tâm là sự thiếu thốn trầm trọng các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở như trung tâm văn hóa - thể thao, thư viện, phòng đọc sách, phòng triển lãm, sinh hoạt CLB, khu vui chơi trẻ em,... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức hoạt động và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong số năm phường trên địa bàn quận Liên Chiểu, mới chỉ có duy nhất phường Hòa Minh có nhà văn hóa làng Hòa Mỹ đang xây dở. Nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp được khoảng 450 triệu đồng, trong khi dự kiến công trình khoảng gần một tỷ đồng. Công cuộc đô thị hóa với những dự án kinh tế, du lịch lớn còn dẫn đến tình trạng quá nhiều công trình xây dựng được triển khai, nhưng việc ổn định nhà ở, công ăn việc làm cũng như đời sống, sinh hoạt văn hóa của các hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa còn chậm. Là người sinh ra và lớn lên ở Hòa Minh, chị Huỳnh cho biết, hiện nay, riêng trên địa bàn phường có tới 60 dự án xây dựng đang triển khai. Nhiều hộ gia đình vẫn phải đi thuê nhà ở chờ đền bù, chia đất, vì thế cuộc sống chưa ổn định, chưa có điều kiện tham gia tích cực các hoạt động địa phương. Quá trình đô thị hóa cũng có nhiều tác động làm ảnh hưởng đến phong trào chung như vấn đề vị trí, diện tích để xây dựng các thiết chế văn hóa chưa định hình, một số công trình phục vụ văn hóa - thể thao phải giải tỏa, di dời trong tương lai, làm cho nhiều địa phương, đơn vị rất lúng túng, và gặp khó khăn mỗi khi tổ chức hoạt động tập thể do không có địa điểm. Theo đánh giá của ngành văn hóa, so với mục tiêu mà Quyết định 271 (ngày 31-10-2005) của Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 đề ra là 80% số quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đạt chuẩn quốc gia, hiện Ðà Nẵng mới chỉ đạt 20%. Ðây là một con số đáng suy nghĩ với một đô thị phát triển như Ðà Nẵng. Thêm nữa, việc phân cấp quản lý, phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, ban, ngành trong vấn đề tổ chức chỉ đạo hoạt động văn hóa, nếp sống đô thị trên các địa bàn có nhiều thành phần dân cư, chuyển đổi từ nông thôn lên thành thị vẫn còn nhiều bất cập...
Qua năm năm triển khai thực hiện Ðề án "Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị" (2005-2010) trên địa bàn thành phố, Ðà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi tích cực. Cùng với các điều kiện sinh hoạt vật chất, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí ngày càng tốt hơn, bộ mặt thành phố cũng khang trang, xanh - sạch - đẹp; giao thông thuận lợi; trật tự an toàn tốt hơn. Kế hoạch Thực hiện Ðề án "Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng" giai đoạn 2011-2015 của UBND thành phố nhằm hướng đến triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 20 là: "Phấn đấu đến năm 2020 trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống". Với mục đích tốt đẹp đó, việc hoạch định nội dung, phân công nhiệm vụ, biện pháp thực hiện theo từng địa bàn, lĩnh vực được đề ra khá cụ thể, rõ ràng. Hy vọng với những điều kiện, thế mạnh vốn có, với những thành tựu đạt được trong những năm qua trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, Ðà Nẵng sẽ có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa để sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong vấn đề phát triển đô thị và xây dựng đời sống văn hóa, đưa thành phố thật sự trở thành một điểm sáng về kinh tế - xã hội và văn hóa, văn minh đô thị.
Theo Nhân Dân