Ngày 25-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử đã tham dự.
Hơn 30 tham luận được gửi tới và trình bày tại hội thảo tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Các tham luận cũng nêu bật những kết quả đã làm được, những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam qua chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Người.
Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, tài sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Đó là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thì: Điểm lại một cách tổng quát chặng đường 40 năm để khẳng định một sự thật, những tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử nói riêng, trong toàn bộ di sản quí báu của Người nói chung đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống lại những cái cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, từng bước sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới, đầy sức sống của một xã hội mới theo lý tưởng cao đẹp của Người. “Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới… càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác”.- GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.
PGS.TS Hoàng Trang, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nhấn mạnh: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bản Di chúc của Người được công bố đã gây xúc động lớn, niềm cảm phục sâu sắc trong toàn thể nhân dân Việt Nam và cả với các dân tộc, nhân dân thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Di chúc kết tinh cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Những giá trị nhân văn cao cả đã được đúc kết trong bản Di chúc của Người.
Theo các đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống theo triết lý đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nhận rõ, cần, kiệm phải đi liền với liêm, chính. Theo Người, muốn liêm, chính phải nhận rõ phải - trái, đúng - sai, thiện - ác; chí công vô tư là phải công bằng, công tâm, không thiên tư thiên vị; phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì cách mạng, vì Tổ quốc và nhân dân. Bởi vậy khi viết Di chúc, Người vẫn quên mình, chỉ nghĩ và lo cho con người, cho nhân dân, cho phong trào cách mạng thế giới. Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc thật giản dị và thiêng liêng. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành một tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của mọi thời đại.
(TTXVN)