Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 17/5/2011 15:51'(GMT+7)

Hội thảo khoa học: "Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước"

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 58 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học từ Học viện Hành chính - Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, báo Nhân dân, Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế; Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỏ Địa chất, v.v..

Về bối cảnh, những nhân tố ảnh hưởng và động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Các tham luận tập trung làm rõ những tác động của bối cảnh lịch sử đến việc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài, khảo nghiệm thực tiễn để tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam thời kỳ trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, và sự thất bại của các phong trào đấu tranh yêu nước những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, các tham luận khẳng định thời kỳ này, Việt Nam thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, được vũ trang bằng một hệ thống lý luận khoa học tiên tiến. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là mốc kết thúc một quá trình tổng hợp những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, vừa là bước khởi đầu Hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX.

Vì vậy, ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của sự kiện lịch sử này được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu nước của Người trước đây và trong tiến trình cách mạng Việt Nam, vì độc lập dân tộc và CNXH.

Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh với hành trình tìm đường cứu nước và xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc và CNXH

Đây là một nội dung rất phong phú đề cập tới mọi khía cạnh trong cuộc hành trình dài 30 năm (1911- 1941) của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, và chặng đường tiếp theo (1941-1945), Người lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 thắng lợi. Trong đó, các báo cáo tập trung làm rõ những hoạt động của Người từ 1911-1920, 1934-1938, thời kỳ 1941-1945 với việc tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và sáng lập Mặt trận Việt Minh, đặc biệt là quá trình Người và Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945,v.v..

Khởi đầu là sự kiện ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi; Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam; và cuộc cách mạng tháng tám 1945 thành công. Đó là con đường cứu nước, con đường cách mạng Việt Nam theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo và sinh động.

Về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Các tham luận đều tập trung vào nội dung: tấm gương mẫu mực về tình yêu nước, thương dân của Hồ Chí Minh; về ý chí và bản lĩnh của Người khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước; về lòng “trung với nước, hiếu với dân của Người; về sự kiên định, chờ đợi của Người trong những năm từ 1931-1938, về những quyết định sáng tạo khởi nguồn cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh,v.v.. Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định rằng, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc –Hồ Chí Minh cách đây tròn một thế kỷ là hoàn toàn đúng đắn. Từ sự khởi đầu đúng đắn đó, Hồ Chí Minh đã kiên định và kiên trì thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, và Người đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam./.

Bài và ảnh: Trần Bảo Lam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất